Đầu năm 2017, vài tháng sau biến cố “nước mắm thạch tín”, tôi có mặt trong chuyến sang Hoa Kỳ do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Mục đích của chuyến đi là tìm cách thích ứng với luật chơi về an toàn thực phẩm của Mỹ, hầu tìm ngõ ra cho xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Hoa Kỳ.

Lịch trình của đoàn có buổi làm việc với Viện Liên kết An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng (JIFSAN – Joint Institute for Food Safety and Applied Nutrition). JIFSAN là cơ quan hợp tác giữa FDA (Mỹ) và Đại học Maryland về đào tạo và nghiên cứu về an toàn thực phẩm.

Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị khá bộn tài liệu về histamine với hy vọng thuyết phục được giới chức Hoa Kỳ… đừng nghe lời Codex mà áp dụng ngưỡng 400 ppm histamine cho nước mắm. Ít ra thì nên là ngưỡng histamine 100 ppm mà Hoa Kỳ đang áp dụng với cá biển. Cá biển ăn nhiều, nước mắm ăn ít. Cá biển quy sang nước mắm, tính xa cạ khắt khe thì cũng phải cỡ 800 ppm histamine. Nếu thế, nước mắm truyền thống cao đạm dư sức xuất khẩu sang Mỹ, thị trường cỡ hai triệu người Việt chứ đâu ít.

Tôi cũng biết, tháng 9 năm đó, Mỹ sẽ chính thức áp dụng Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA – Food Safety Modernization Act), theo đó sẽ “chiếu tướng” rất khắt khe việc kiểm soát các điểm rủi ro trong quá trình sản xuất. Tôi lại hy vọng tiếp, sẽ thuyết phục được rằng, nước mắm là sản phẩm truyền thống của Việt Nam, sản xuất theo kiểu thủ công như phó mát của Mỹ của Tây, liệu có thể áp dụng các quy định an toàn của pho mát cho nước mắm được không, chứ lấy công nghiệp mà áp dụng vào thủ công thì coi như… thua.

Mơ mộng là thế, không được việc ngay, thì ít ra người ta cũng chỉ đường cho chạy.

Nhưng bà phụ trách của JIFSAN (buồn quá, tôi quên tên bả rồi) lắc đầu, chúng tôi không biết gì về quá trình sản xuất của Vietnamese fish sauce. Histamine trong nước mắm, có thể FDA sẽ tham khảo tiêu chuẩn Codex hoặc EC. Thế đấy! Histamine còn chưa xong, nói gì tới FSMA.

Tối đó về khách sạn ôm hận ăn… mì gói. Đúng là mơ mộng hão huyền!

Hai năm sau cơn bão “Dự thảo” lại bùng nổ ở Việt Nam, lăm le áp dụng ngưỡng histamine trong nước mắm. Nghe tới histamine là tôi muốn dị ứng, không phải vì ngộ độc histamine, mà vì trò chơi histamine của “người ta”.

Vũ Thế Thành
Trích “Chuyện đời nước nắm”, tái bản 2021

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành.

Xem thêm:

Mời xem video: