Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép về lời Lại bộ hữu thị lang Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng lên Bình An vương Trịnh Tùng như thế này: “Trộm nghĩ, trời giáng tai dị hay ban điềm lành là do có đức hay không. Làm điều thiện thì hiện ra điềm lành, làm điều ác thì răn bằng tai dị. Song nhân tai dị mà sửa đức thì không tổn hại gì. Cho nên người xưa lấy trời để tự xử mà kính cẩn đối với mệnh trời. Hán Văn Đế biết thuận lòng trời mà biến dị đều hết, Tống Cảnh Công nói một câu lành mà sao xấu lui đi.” Lời tấu này có nhắc đến chuyện Tống Cảnh Công sửa đức kéo dài dương thọ, đây là một sự việc khá nổi tiếng được ghi chép rộng rãi thời xưa.

Quân vương nhân từ được kéo dài dương thọ
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong “Tân tự tạp sự tứ”, Lưu Hướng chép về chuyện này như sau:

Vào thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công làm vua nước Tống, xuất hiện tinh tượng Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm, là điềm cực xấu. Tống Cảnh Công kính sợ thiên thượng, trong lòng lo âu, gọi Tử Vi đến hỏi: “Huỳnh Hoặc trấn sao Tâm là đại biểu cho điều gì?”

Tử Vi nói: “Huỳnh hoặc là đại biểu cho sự trách phạt của thiên thượng. Tai họa sẽ ứng vào thân của quân chủ nước Tống. Mặc dù vậy, có thể chuyển Huỳnh Hoặc vào thân của tể tướng.”

Tống Cảnh Công nói: “Tể tướng là nhân tài trị quốc, chuyển vào thân của ông ấy thì ông ấy sẽ chết. Không được. Quả nhân sẽ tự mình gánh chịu.”

Tử Vi nói: “Cũng có thể chuyển vào thân của bách tính.”

Tống Cảnh Công nói: “Bách tính chết đi thì ta làm quốc vương còn có ý nghĩa gì nữa? Ta nguyện một mình ta chết cũng được.”

Tử Vi nói: “Vậy có thể chuyển sang kết quả thu hoạch mùa màng của năm sau.”

Tống Cảnh Công nói: “Kết quả thu hoạch mùa màng năm sau không tốt thì dân chúng sẽ chết đói. Vì ham muốn của quân vương mà giết dân chúng của mình thì quá tùy tiện, ai còn xem ta là quân chủ nữa? Mệnh của quả nhân đã đi đến cùng rồi, khanh không cần nói nữa.”

Tử Vi quỳ xuống nói: “Vi thần to gan xin chúc mừng đại vương. Thiên thượng ở trên cao nhất định có thể nghe thấy lời của ngài. Đại Vương ba lần nói lời nhân từ, thiên thượng nhất định sẽ thưởng cho ngài ba lần. Đêm nay nhất định tinh tượng sẽ biến đổi ba lần, thọ mệnh của đại vương sẽ kéo dài thêm hai mươi mốt năm.”

Đêm hôm đó, tinh tượng quả nhiên dịch chuyển ba lần đúng như Tử Vi nói.

Tinh tượng đại biểu cho biến hóa của thiên tượng, đối ứng với phúc họa của con người. Tuy nhiên, phúc họa lại do sự lựa chọn của mỗi người. Trời đất dùng sự biến đổi thiên tượng để cảnh báo thế nhân, đứng trước tai nạn mà xem xét từng ý niệm của con người. Nếu con người lựa chọn điều thiện thì vận mệnh của người đó sẽ biến đổi tốt hơn, trong trường hợp cá biệt của Tống Cảnh Công là thay đổi dương thọ.

Tống Cảnh Công làm vua hơn 60 năm, cai trị dân chúng một cách nhân từ và độ lượng, kính trọng hiền tài, nhờ vậy duy trì sự cường thịnh của nước Tống.

Cổ nhân có câu: “Nhất niệm chi hủ, cảnh tinh khánh vân; Nhất niệm chi nộ, chấn lôi bạo vũ”, nghĩa là một thiện niệm sẽ mang tới điềm lành, đó là trời đất đồng tình, một ác niệm sẽ mang đến khí bạo ngược như mưa giông sấm chớp, đó là trời đất giận dữ.

Thực ra trong suốt cuộc đời này con người luôn luôn phải lựa chọn. Gieo nhân nào, gặp quả nấy, điều gì ta làm, thì kết quả luôn là ta nhận lấy. Những việc ta làm trong hiện tại sẽ là vận mệnh của chính ta trong tương lai. Lựa chọn cái thiện chính là phù hợp với Đạo Trời, là trở về với bản nguyên thực sự của sinh mệnh. Ấy là con đường sáng suốt nhất và là lựa chọn mà nếu kiên trì, chúng ta sẽ không phải hối hận.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: