Cổ ngữ có câu: “Thiên quân dịch đắc, nhất tướng nan cầu”, ngàn quân dễ được, một tướng khó cầu. Cũng có câu rằng “Cường tướng thủ hạ vô nhược binh”, tức là dưới tay tướng mạnh thì không có binh lính yếu nhược. Những lời này đều nói đến vai trò chủ chốt của người đứng đầu điều binh khiển tướng. Lật lại những trận chiến lớn nhỏ trong lịch sử có thể thấy tài năng của tướng quân chính là nhân tố không thể thiếu trong một chiến thắng.

Sách cổ: Một tướng vô năng, lụy chết ba quân
(Tranh: Họa sĩ Vương Song Khoan, qua Epoch Times)

Phương Tây có một câu ngạn ngữ nổi tiếng rằng: “Một con sư tử dẫn theo một đàn cừu có thể đánh bại được một con cừu dẫn theo một đám sư tử”. Cũng có câu: “Đoàn tàu chạy nhanh, toàn bộ là dựa vào toa đầu”. Những câu nói này cũng có chung hàm ý với câu “Một tướng vô năng lụy chết ba quân”.

“Một tướng vô năng lụy chết ba quân”, ý nói một người đứng đầu không có năng lực sẽ làm liên lụy đến rất nhiều người, thậm chí khiến họ bị mất mạng. Đây là câu danh ngôn có xuất xứ từ sách “Lã Thị Xuân Thu”, kể về một vị tướng quân của nước Triệu thời Chiến Quốc.

Năm 262 TCN, Tần Vương phái Bạch Khởi tấn công nước Hàn, chiếm đất Dã Vương, cắt đứt liên hệ giữa quận Thượng Đảng với nước Hàn. Tình hình Thượng Đảng rất nguy cấp, các tướng lĩnh không muốn đầu hàng quân Tần nên đã phái người đem dâng Thượng Đảng cho nước Triệu.

Triệu Vương phái quân đội tiếp nhận Thượng Đảng. Hai năm sau, nước Tần lại phái Vương Hột vây chặt Thượng Đảng. Triệu Vương nghe tin, liền cử Liêm Pha dẫn hai mươi vạn quân cứu Thượng Đảng, nhưng mới đến Trường Bình thì Thượng Đảng đã bị quân Tần chiếm mất.

Vương Hột muốn tấn công Trường Bình. Liêm Pha vội bố trí phòng thủ, sai binh sĩ xây đắp thành luỹ, đào hào sâu để cầm cự với quân Tần, chuẩn bị phòng ngự lâu dài. Vương Hột nhiều lần khiêu chiến nhưng Liêm Pha trước sau đều không chịu ra đánh.

Tần bèn sai người dùng kế phản gián, nói: “Nước Tần chỉ sợ Triệu Quát là người trẻ tuổi hăng hái chỉ huy quân đội, chứ Liêm Pha già cả chẳng làm được gì, xem ra sắp phải đầu hàng rồi”. 

Triệu Vương liền phong Triệu Quát làm đại tướng, ra thay thế Liêm Pha.

Lận Tương Như can ngăn: “Triệu Quát chỉ biết đọc binh thư của cha, không biết ứng biến khi lâm trận, không thể cử làm đại tướng được”. Nhưng Triệu Vương không nghe theo.

Mẹ của Triệu Quát xin Triệu Vương đừng cử con mình làm tướng: “Cha của nó trước khi mất đã nói nó coi việc dùng binh đánh trận như trò chơi, nói tới binh pháp thì trên trời dưới biển. Sau này, nếu đại vương không sử dụng nó thì tốt, nếu dùng nó làm đại tướng, e rằng quân Triệu sẽ vì nó mà bị tiêu diệt..

Nhưng Triệu Vương vẫn quyết dùng Triệu Quát.

Năm 260 TCN, Triệu Quát dẫn hai mươi vạn quân tới Trường Bình, đòi Liêm Pha trao lại binh quyền. Liêm Pha trở về Hàm Đan. Triệu Quát thống lĩnh bốn mươi vạn đại quân, phế bỏ mọi quy định của Liêm Pha.

Nước Tần nghe tin nước Triệu đã thay Liêm Pha liền bí mật cử Bạch Khởi xuất quân. Bạch Khởi tới Trường Bình, bố trí mai phục, cố ý đánh thua mấy trận. Triệu Quát không biết đó là kế, cứ liều mạng đuổi theo. Bạch Khởi nhử quân Triệu đến nơi bố trí sẵn phục binh, cử hai vạn rưỡi quân tinh nhuệ cắt đứt đường lui của quân Triệu, ngoài ra còn cử năm nghìn kỵ binh xông vào trại quân Triệu, chia cắt bốn mươi vạn quân Triệu làm hai bộ phận. Lúc này Triệu Quát mới biết quân Tần lợi hại, chỉ còn biết xây đắp lũy cố thủ, chờ viện binh tới cứu.

Nước Tần lại phái quân chặn đường quân cứu viện và đường tải lương của quân Triệu. Quân của Triệu Quát hết lương thảo, lại không có viện binh, giữ được hơn bốn mươi ngày thì quân lính không còn lòng dạ nào chiến đấu nữa. Triệu Quát dẫn quân phá vây bị quân Tần bắn chết. Quân Triệu thấy chủ tướng bị giết, liền đua nhau vứt bỏ vũ khí đầu hàng. Bốn mươi vạn quân Triệu dưới sự chỉ huy của Triệu Quát cuối cùng đã bị thất bại hoàn toàn.

Ngày nay, bất luận là đối với một quốc gia hay một công ty thì đạo đức và tài năng của người lãnh đạo là quan trọng nhất. Bởi vì họ là người khởi xướng và thúc đẩy hoạt động của một tổ chức. Mỗi một hành vi một quyết định của họ đều có ảnh hưởng đến sự hưng suy của toàn thể. “Dưới tay tướng yếu sẽ không có binh mạnh, dưới tay tướng mạnh sẽ không có binh yếu”, khi lựa chọn người đứng đầu tất phải hiểu điều này.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: