Trong lịch sử, Sư Khoáng là một vị nhạc sư là kỳ nhân, dù cả hai mắt đều bị mù nhưng lại có trí tuệ tuyệt vời, quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng, mặc dù thân phận của các nhạc sư không cao nhưng ông lại có thể trực tiếp khuyên can quân vương. Trong các sách cổ như “Dật Chu thư”, “Tả truyện”, “Quốc ngữ”, “Sử ký” và “Lã Thị Xuân Thu” đều có rất nhiều ghi chép về đức hạnh và những việc làm của ông. Ông dùng tiếng đàn để khuyên can quốc quân, dùng tiếng nhạc để giáo hóa dân chúng, được người đời sau tôn là “Thánh nhạc”. 

Sư Khoáng dùng tiếng đàn để khuyên can quốc quân
(Tranh: Tống Huy Tông, Wikipedia, Public Domain)

Sư Khoáng là âm nhạc gia nổi tiếng của nước Tấn thời kỳ Xuân Thu, tự là Tử Dã, là người Nam Hòa, Ký Châu. Sư Khoáng cho rằng “Nhạc giả, thông luân lý giả dã” (nhạc là tương thông với luân lý), cho nên ông thường dùng tiếng đàn để tiến gián quốc quân.

Có một lần, Tấn Bình Công nhìn bộ dạng Sư Khoáng mù cả hai mắt thì cảm thán nói: “Thái sư mặc dù thông minh tuyệt đỉnh nhưng lại là người mù.”

Sư Khoáng cười và đáp: Nếu chính lệnh của quốc quân không tốt thì mới chính là u tối.”

Sư Khoáng nhân cơ hội này liệt kê ra năm loại “hôn ám tối tăm” của thiên hạ:

  • Thứ nhất là quân vương không biết kẻ bên dưới gian xảo nhận hối lộ, dân oan không có chỗ trông cậy.
  • Thứ hai là quân vương dùng người không thích đáng.
  • Thứ ba là quân vương không biết phân biệt người tài đức với kẻ ngu dốt.
  • Thứ tư là quân vương hiếu chiến.
  • Thứ năm là quân vương không biết chăm lo cho dân được sống yên ổn.

Sư Khoáng nói: “Thần dù là người mù nhưng không có hại gì cho đất nước, còn năm điểm tối tăm của quân vương thì lại có thể khiến tang thân vong quốc, đó mới là nguy hại.” Tấn Bình Công nghe được thì cảm động và quyết tâm chuyên cần vào việc trị quốc, cố gắng trở thành một vị minh quân.

Sư Khoáng là người rất tinh thông âm luật, ông có thể nghe khúc nhạc mà đoán chiến sự là thành hay bại, tình hình đất nước là hưng hay suy. Tấn Bình Công bội phục Sư Khoáng nên thường xuyên cho mời ông đến để xin ý kiến.

Sư Khoáng gặp được một vị quân vương sẵn lòng nghe lời khuyên can nạp gián là Tấn Bình Công nên cũng thường tận dụng tài nghệ của mình để đưa ra những lời khuyên về cái được cái mất trong việc trị quốc, cố gắng hết sức để duy trì sự thịnh vượng của nước Tấn.

Từ đây có thể thấy âm nhạc cổ đại không chỉ là một hình thức giải trí mà còn mang trong mình một sứ mệnh trọng đại, là điều có thể câu thông với Trời, lay động lòng người và giúp nâng cao đạo đức.

Sách “Nhạc ký” có ghi lại mối quan hệ giữa “Nhạc”“Đức”: “Quân tử nhạc đắc kỳ đạo, tiểu nhân nhạc đắc kỳ dục. Dĩ đạo chế dục, tắc nhạc nhi bất loạn; dĩ dục vong đạo, tắc hoặc nhi bất nhạc”, nghĩa là người quân tử yêu thích nghe nhạc vì để đắc đạo, kẻ tiểu nhân yêu thích nghe nhạc vì để thoả mãn dục vọng của mình, dùng đạo đức mà ức chế dục vọng bản thân thì sẽ hạnh phúc mà không bị loạn, còn thoả mãn dục vọng mà đánh mất đạo đức thì sẽ bị mê muội. Có thể thấy, hạnh phúc chân chính là ở nhân nghĩa, thi hành nhạc giáo và đức giáo, hai điều này bổ trợ cho nhau thì sẽ càng làm tăng thêm sức mạnh.

Âm nhạc thuần chính tốt đẹp có công hiệu giáo hóa đạo đức, có khả năng hướng dẫn và nâng cao thuần phong mỹ tục một cách vô hình, khiến cho ánh hào quang của đức hạnh chiếu rọi đến những vùng đất rộng lớn xa xôi. Sư Khoáng là người hiểu rất rõ trọng trách này của âm nhạc nên ông luôn vận dụng nó trong việc tiến gián quốc quân và giáo hóa dân chúng. Hai đời vua là Tấn Điệu Công và Tấn Bình Công đều thông thái sáng suốt, chính sự ổn định dân cư đông đúc, đất nước hưng vượng là nhờ công lao của Sư Khoáng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: