Việc Lý Chiêu Hoàng còn nhỏ lên ngôi, rồi lại nhường ngôi cho chồng khiến nhà Lý mất chỉ là nguyên nhân bề mặt, còn có nguyên nhân sâu xa khác khiến cho nhà Lý phụ thuộc hoàn toàn vào nhà Trần và bị sụp đổ.

Tô Hiến Thành tiến cử người hiền tài

Thời vua Lý Anh Tông, vì Thái tử Long Xưởng hư hỏng nên bị truất ngôi, con thứ là Long Trát được phong làm Thái tử. Khi vua Anh Tông mất đã nhờ Tô Hiến Thành phụ tá giúp Thái tử Long Trát mới 3 tuổi lên ngôi.

Năm 1175, Thái tử Long Trát lên ngôi, hiệu là Cao Tông. Tô Hiến Thành làm Phụ chính giám quốc, dù mẹ của Long Xưởng cố gắng hối lộ gia đình ông để con được lên ngôi nhưng ông kiên quyết từ chối.

Vua Cao Tông khi nhỏ rất ngoan hiền, nhờ có Tô Hiến Thành làm Phụ chính nên trong ngoài đều yên ổn, tuy nhiên Tô Hiến Thành ngày một già yếu.

Năm 1179, Tô Hiến Thành ốm nặng, trước khi mất ông nói với Thái hậu rằng Trần Trung Tá có thể thay thế mình làm nhiếp chính.

Thái hậu làm hư con, khiến nhà Lý mất ngôi vị vào tay nhà Trần
Đền thờ Tô Hiến Thành. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Thái hậu trọng dụng thân thích, khiến Vua ngày càng hư hỏng

Tô Hiến Thành mất khi vua Cao Tông mới 7 tuổi, Đỗ Thái hậu không nghe lời tiến cử của Tô Hiến Thành mà cử em trai mình là Đỗ Di An làm Nhiếp chính.

Đỗ Di An là kẻ bất tài lại kém đức, vua Cao Tông dù ngoan hiền nhưng ở gần Di An thì càng lớn càng bất tài, chỉ lo chơi bời. Vua chọn người giúp mình cũng toàn những kẻ bất tài lại kém đức khiến lòng người oán thán, đất nước loạn lạc khắp nơi. Những kẻ được Cao Tông chọn đều vơ vét của dân xây các hành cung, bắt trăm họ phục dịch, dân chúng bất bình nổi lên khắp nơi.

Năm 1197, vua Cao Tông cho xây cung Nghênh Thiềm, năm 1203 lại xây hàng loạt cung điện, dân chúng phải phục dịch vất vả.

Trong Triều vẫn có người lo cho Giang Sơn Xã Tắc. Ví như khi đang xây dựng gác Kinh Thiên thì có chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long cho là sắp có vương tộc mới thay thế nhà Lý, nên khuyên Vua trước tiên hãy sửa đức rồi mới xây cất. Nhưng Vua không nghe.

Sau đó vua Cao Tông có nói chuyện này với hoạn quan Phạm Bỉnh Di, Di nói rằng: “Cái gác hoàn thành mà chim khách đến làm tổ, lại sinh ra chim con, vậy là trời cho bệ hạ cái điềm tốt giữ được trăm đời”. Cao Tông nghe lời liền bắt dân xây dựng còn gấp hơn nữa, khiến dân thêm khốn đốn.

Năm 1208, dân chúng các nơi đói kém, chết hàng loạt, nhưng Vua vẫn không màng đến, trộm cướp ở ngoài thành Vua cũng không bận tâm.

Để có thêm nhiều tiền phục vụ cho việc hưởng thụ, vua Cao Tông cho mua quan bán tước, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục…”.

Chuyện kể rằng một lần Vua đi dạo trên hoàng thành, bỗng dưới chân thành xảy ra vụ cướp ngay giữa ban ngày. Người mất của kêu la nhưng kẻ cướp hung dữ khiến ai cũng sợ nên chẳng thể giúp, quan quân lại chẳng thấy có ai. Vua và các quan thân cận nhìn thấy cũng chẳng buồn can thiệp, một người thấy thế liền xin cho lùng bắt, Vua chẳng nói gì chỉ phất tay ra hiệu tiếp tục đi.

Sự việc này được Đại Việt Sử ký chép lại ngắn gọn rằng: “Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp, lờ đi giả cách không biết”.

Đặc biệt vua Cao Tông rất thích đi vi hành, nhưng không phải để tìm hiểu đời sống dân chúng, mà để thỏa mãn chí tò mò, ham vui của bản thân.

Dân chúng khắp nơi khởi nghĩa, Chiêm Thành ở phía nam được thể tiến vào Nghệ An cướp bóc rồi rút về. Quan lại nhà Tống được thể cho quân tới biên giới đánh cướp khiến dân chúng phải bỏ chạy rất khổ sở.

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém”.

Các tướng lập cát cứ, dân chúng khởi nghĩa khắp nơi

Triều đình mất lòng dân, các tướng dẫn quân đi đánh dẹp, rồi cũng nổi loạn lập cát cứ.

Năm 1207, hào trưởng Hồng Châu (Hải Dương và Hải Phòng) là Đoàn Thượng và Đoàn Chủ xây đắp thành lũy rồi tự xưng Vương. Thấy ngôi vị của mình bị đe dọa, vua Cao Tông liền đưa quân đến đánh. Đoàn Thượng thấy quân Triều đình quá mạnh thì tìm cách đút lót, nhờ đó mà thoát được.

Năm 1209, vua Cao Tông sai Phạm Bỉnh Di đi dẹp các loạn quân. Bỉnh Di đánh tan được quân của Đoàn Thượng. Thế nhưng có người đút lót cho các quan trong Triều phao tin Bỉnh Di tàn ác, giết người vô tội. Vua liền triệu Bỉnh Di về rồi bắt luôn cả cha con Bỉnh Di lại.

Bộ tướng của Bình Di là Quách Bốc hay tin liền kéo quân vào tấn công Kinh thành, cha con Bỉnh Di đều bị giết hại, nhưng vua Cao Tông cùng Thái tử phải bỏ trốn khỏi Kinh thành.

Vua nương nhờ họ Trần, cuối cùng mất nước

Quách Bốc tôn hoàng tử Lý Thẩm lên ngôi Vua. Từ đây Triều đình chia đôi, một Vua ở Kinh thành, một Vua thì trốn lưu lạc trong dân gian, nhà Lý hoàn toàn suy sụp.

Vua Cao Tông và Thái tử Lý Sảm phải nương nhờ đến gia tộc có thế lực. Thái tử Sảm chạy đến Hải Ấp nương nhờ Trần Lý là người giàu có và có thế lực rất mạnh khi đó.

Thái tử Lý Sảm nhờ họ Trần giúp đỡ, Trần Lý liền mộ quân, trai tráng khắp nơi đến hưởng ứng rất đông. Rất nhanh Trần Lý cầm quân tiến vào Kinh thành dẹp được loạn Quách Bốc.

Vua Cao Tông cùng Thái tử Lý Sảm trở về Kinh thành, nhưng từ đó loạn lạc khắp nơi. Họ Trần trở thành trụ cột chèo chống giúp nhà Lý, khiến nhà Lý hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của họ Trần.

Thái hậu làm hư con, khiến nhà Lý mất ngôi vị vào tay nhà Trần
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thái tử Lý Sảm lên ngôi, hiệu là Huệ Tông. Thế nhưng Huệ Tông không có con trai, sức khỏe kém, bị ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng vào năm 1225. Cũng năm này Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Lý mất và nhà Trần lên thay.

Dân gian có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, vua Cao Tông vốn là đứa trẻ ngoan vốn có thể dạy dỗ được, nhưng Thái hậu không nghe lời tiến cử người hiền tài của Tô Hiến Thành, mà muốn đưa thân thích họ hàng nắm quyền nhiếp chính, khiến Vua nhỏ gần phải kẻ bất tài kém đức, từ đó mà dần hư hỏng, khiến nhà Lý phải dựa vào họ Trần để tồn tại và cuối cùng mất vào tay nhà Trần.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: