Trong lịch sử, Thám hoa Vũ Thạnh là người thầy xuất sắc thời Lê Trung Hưng. Ngôi trường tư của ông gúp tạo nên rất nhiều nhân tài cho đất nước. Các thế hệ sau vẫn còn nghe danh và nhắc đến tấm gương của ông.

Thám hoa Vũ Thạnh: Người thầy nổi danh thời Lê Trung Hưng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thám hoa Vũ Thạnh

Vũ Thạnh sinh năm 1664 ỏ làng Đan Loan huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Theo “Vũ Trung tùy buýt” thì ông tổ của Vũ Thạnh là Hồng Lĩnh Hầu làm Lưu thủ xứ Hải Dương, cha là Quốc Tử sinh. Vì nhà nghèo đến nỗi hai cha con không thể nuôi nổi nhau, Vũ Thạnh phải đi phu đắp lũy, nhưng vì tuổi còn nhỏ sức yếu nên không kham nổi việc năng nhọc, phải bỏ đến ở chùa Báo Thiên ở huyện Thọ Xương. Sau đó Vũ Thạnh xin vào học trường của quan Võ Công Đạo người làng Mộ Trạch.

Ở trong trường, công tử con của quan Võ Công Đạo có tiếng là hay chữ. Nhưng từ khi đến thì cả mấy kỳ văn Vũ Thạnh đều đứng nhất cả, khiến công tử con quan ghen tức, nói đám học trò đồng môn cứ buổi sáng đón ở trước ngõ chọc ghẹo làm nhục Vũ Thạnh. Dù Vũ Thạnh đã đi đường khác nhưng vẫn bị đám học trò này làm cho khốn khổ đến nỗi phải bỏ học. Võ Công Đạo biết được chuyện này liền răn dạy con mình, từ đó Vũ Thạnh mới tiếp tục theo học.

Vũ Thạnh học ngày càng tấn tới, mới hơn mười tuổi đã đỗ kỳ thi Hương trường Phụng Thiên (Hà Nội).

Đến khoa thi năm 1685, Vũ Thạnh 21 tuổi vượt qua tứ trường kỳ thi Hội. Vào đến thi Đình ông đỗ đầu, vì khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên ông đỗ Thám hoa.

Tấm lòng hiếu thảo với mẹ

Thi đỗ, Vũ Thạnh làm quan qua các chức vụ như Hàn lâm viện Đãi chế, Lễ khoa Đô Cấp sự trung, Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Sau đó Vũ Thạnh được làm Bồi tụng – trong quan chế thì chỉ đứng sau Tham tụng (tương đương Tể tướng), thường được bàn việc trong phủ Chúa.

Dù làm quan lớn nhưng Thám hoa Vũ thạnh rất hiếu thảo với mẹ già, vì thế mà Chúa rất quý. Trong “Vũ Trung tùy bút” có kể lại rằng:

“Một ngày kia, gặp bữa ngự thiện, Chúa xơi cá chắm rất ngon. Chúa sai lấy một khúc cá dọn cơm mời ông vào cho ăn ở trước mặt. Ông ăn cơm, nhưng để cá lại. Chúa lấy làm lạ bèn hỏi, ông thưa rằng “Xin để dành đem về cho mẹ”. Chúa rất khen, lại sai lấy khúc cá khác ban cho mẹ ông. Đến khi lấy ra thì chỉ còn khúc đuôi, ông ăn khúc đuôi ấy, để nguyên khúc trước đem về. Chúa lại càng lấy làm kính trọng lắm.”

Thời gian này chúa Trịnh lộng quyền lấn át vua Lê, Vũ Thạnh nhiều lần can ngăn nên không được lòng Chúa. Một lần ông can ngăn Chúa chuyện nữ sắc khiến Chúa tức giận mà bãi quan. Vũ Thạnh về quê, rồi mở trường học ở trại Hào Nam, huyện Quảng Đức (nay là quận Đống Đa, Hà Nội).

Mở trường dạy học

Nghe tiếng Thám hoa Vũ Thạnh mở trường, học trò khắp nơi đến theo học, có đến hàng nghìn người, trường của ông trở thành một trong hai trường tư lớn nhất lúc bấy giờ.

Trường học kế bên Hồ Bảy Mẫu. Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng.

Tính ra học trò của ông đỗ cao và làm quan lớn có đến hơn bảy mươi người. Nhiều quan lớn trong Triều đều do Vũ Thạnh đào tạo nên.

Trong “Vũ Trung tùy bút” có kể một câu chuyện:

“Một hôm, nhà ông có giỗ, các học trò làm quan tại triều, đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu. Không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi, kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu vào hầu”.

Em trai của Vũ Thạnh là Vũ Huyên cùng con trai là Vũ Huy đều đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân cùng một khoa thi. Ngày hai người cùng vinh quy bái tổ về làng, ông đã làm câu đối:

Đồng triều tam tiến sĩ
Nhất nhật lưỡng vinh qui

Với sự thành công của Vũ Thạnh, sau này Nguyễn Tông Quai và Lê Quý Đôn cũng mở trường theo mô hình tương tự, giúp nhiều học trò thành tài.

Thám hoa Vũ Thạnh mất ở làng Hào Nam, thi hài được an táng ở xã Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: