Đôi mắt thịt của con người tuy rằng có thể quan sát được nhiều sự vật, nhưng nó thường hướng ra ngoài mà đánh giá, nên không thể nhìn được bản thân mình chân chính. Khi không có ý thức tu dưỡng ước thúc bản thân, con người chỉ có thể nhìn thấy sự thiếu sót của người khác. Trong “Ân bổn ký đệ tam” của “Sử Ký” có ghi lại một đoạn đối thoại đặc sắc giữa Thành Thang Vương thời nhà Thương và danh thần Y Doãn như sau:

Thành Thang Vương: “Ta từng nói rằng: Con người nhìn xuống mặt nước là có thể thấy ngoại hình của mình, nhìn dân chúng thì có thể biết được quốc gia cai trị tốt hay không.”

Y Doãn: “Quả thật anh minh! Lời thiện có thể nghe lọt tai, thì đạo đức mới có thể tiến bộ. Trị vì quốc gia, vỗ về dưỡng dục vạn dân, phàm là người có đức hạnh, hành thiện đều cần bổ nhiệm làm quan triều đình. Xin hãy nỗ lực, xin hãy nỗ lực!”

Thành Thang Vương là vị quốc vương khai quốc của triều nhà Thương, cũng là một trong những vị quân vương có đức hạnh bậc nhất thời Trung Hoa cổ đại. Ở đây ông đã nói rõ một đạo lý rất đơn giản: Con người có thể mượn mặt nước mà soi bóng mình; cũng có thể dựa vào tình hình cuộc sống của người dân mà phán đoán việc trị vì quốc gia tốt xấu ra sao; có thể thông qua bệnh tật, nỗi thống khổ, niềm yêu ghét của người dân mà phán đoán tình trạng trị an, loạn lạc của xã hội và dấu tích thịnh suy của một vương triều. Bản thân Thành Thang Vương cũng luôn nghiêm khắc tuân theo đạo lý này.

Thành Thang
Thành Thang. (Tranh: Ma Lin, Wikipedia, Public Domain)

Truyền thuyết kể rằng sau khi triều Thương kiến quốc không lâu, thành Bạc Châu gặp đại hạn hán liên tiếp nhiều ngày, trời không có lấy một giọt mưa, dẫu dùng mọi cách cầu mưa cũng vô ích.

Sau này quẻ bói nói rằng cần dùng người làm vật tế thần, thì trời mới đổ mưa. Thành Thang Vương bèn thở dài mà rằng: “Cầu mưa là vì tạo phúc cho bách tính, sao có thể khiến người dân trở thành vật hy sinh được đây?” Ông cho rằng nếu người dân có lỗi thì cũng là do sự cai trị của ông, nên ông quyết định dùng bản thân làm vật hiến tế.

Thế là vua chọn ngày lành tháng tốt, tới hôm đó, tắm gội sạch sẽ, cắt râu tóc và móng tay gọn gàng. Ông khoác một chiếc áo vải bố thô ráp màu trắng, quỳ xuống khấn rằng: “Ông Trời ơi, một mình con có tội, đừng làm liên luỵ tới vạn dân, vạn dân có tội đều vì một cái thân con. Xin Thiên thượng trừng phạt kẻ quân vương tội đồ này.”

Nói rồi nhà vua được dìu lên một đống củi chất cao chót vót, cùng tham dự lễ cầu mưa. Bách tính quỳ xuống xung quanh đống củi ngóng trông bóng dáng của vị hiền vương, ai nấy đều nước mắt lưng tròng.

Ngọn lửa được châm lên và lan rộng, chẳng mấy chốc đã vây quanh Thang Vương. Đúng lúc đó giữa bầu trời sấm sét nổi lên đì đùng, một trận mưa rào ập xuống, dập tắt ngọn lửa xung quanh vua, mưa trút như nước đổ. Mọi người hân hoan đỡ vua xuống khỏi đống củi, đưa ngài về cung.

Tự cổ chí kim, những bậc quân vương hiền minh đều kính sợ Thiên thượng, tu dưỡng đạo đức, chăm lo chính sự, mưu lợi cho dân. Ngược lại, những kẻ quân vương bạo ngược lại chuyên quyền lộng hành, cự tuyệt can gián, nghe lời thị phi, hoang dâm vô độ, bức hại trung lương, tàn hại bách tính.

Có câu rằng: “Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền.” Người có đức mới có thể cai quản tốt quốc gia. Kẻ thống trị tàn bạo lúc bị nhân dân nguyền rủa chính là lúc cận kề với ngày suy bại.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác