Làng Lê Xá (xưa kia làng thuộc tổng Nãi Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương) được xem là vùng đất khoa bảng của Hải Phòng khi chỉ trong 70 năm từ năm 1469 đến 1538 đã có tới 7 người đỗ đại khoa. 7 người đỗ đại khoa được xem là “thất kiệt” của làng Lê Xá nói riêng và của xứ Đông nói chung.

Thất kiệt làng Lê Xá cùng câu chuyện về Văn Miếu Xuân La
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thất kiệt làng Lê Xá

Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Nhân Khiêm, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1469 thời vua Lê Thánh Tông, ông làm quan đến Đô cấp sự trung Công bộ.

Sau đó là Bùi Phổ đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa thi năm 1487 thời vua Lê Thánh Tông, ông làm quan đến chức Hiệu Lý Viện Hàn lâm. Là người văn thơ có tiếng, ông là một trong nhị thập bát tú trong hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Hiện vẫn còn 5 bài thơ của ông được Lê Quý Đôn đưa vào tuyển tập “Toàn Việt thi lục”.

Trần Bá Lương đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1499 dưới thời vua Lê Hiến Tông, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư. Ông từng được cử làm Phó chánh sứ sang Trung Quốc. Bài biểu do ông soạn dâng lên vua Minh được Phan Huy Chú tuyển vào bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” phần “Bang giao chí”.

Phạm Gia Mô đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1505 thời vua Lê Uy Mục. Ông làm quan qua hai triều Lê – Mạc. Thời nhà Lê ông làm Thượng thư Lễ bộ, tước Hoành Lễ hầu. Thời nhà Mạc ông kết thông gia với Mạc Đăng Dung và được ban tước cực phẩm Khai phủ Bình chương Quân Quốc trọng sự, Thái sư, Hải quốc công.

Lê Thời Bật đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1514 thời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan tới chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu dưới triều Mạc.

Hoàng Thuyên đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1538 thời vua Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Tham Chính và Hữu Thị lang hai bộ.

Nguyễn Huệ Trạch đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1538 thời vua Mạc Thái Tông, làm quan tới chức Cấp sự trung.

Văn Miếu Xuân La

Ngày nay làng Lê Xá thuộc xã Tú Sơn huyện Nghi Dương (Tú Sơn gồm 2 làng cũ là Lê Xá và Nãi Sơn). Văn Miếu Xuân La là nơi thờ 14 vị tiến sĩ Nho học của huyện Nghi Dương. Xã Tú Sơn đóng góp 9 vị tiến sĩ, trong đó làng Lê Xá xưa có 7 vị.

Bia ký của Văn Miếu có ghi chép lại rằng vào thời Hậu Lê, nhà Vua khi vi hành qua huyện Nghi Dương của phủ Kinh Môn, thấy nơi đây sông núi hữu tình nên dừng chân nghỉ. Vua đi tham quan cảnh thì thấy trên đỉnh núi Đối có 5 khối đá dáng như Thánh tọa. Cho rằng nơi đây là vùng đất linh địa, Vua cho xây Văn Miếu, tạc tượng Khổng tử cùng các vị Nho gia như Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tử Tư để thờ. Văn Miếu được xây vào thế kỷ 15, từ khi có Văn Miếu việc học hành khoa bảng ở Nghi Dương phát triển vượt bậc.

Năm 1469, người đỗ khai khoa cho huyện cũng chính là người đỗ khai khoa cho làng Lê Xá là Nguyễn Nhân Khiêm.

Đến thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Kinh đô thứ hai, nên còn được gọi Dương Kinh. Văn Miếu Xuân La được xem là trường thi lớn của Kinh đô ven biển, ngày nay vẫn còn một số địa danh quanh Văn Miếu như Tràng trong, Tràng ngoài, cửa vua, Cửa phủ, quán đá… cho thấy thời kỳ đó văn miếu này là một trường thi lớn.

Văn Miếu xưa kia có quy mô rộng lớn, đẹp và rất khang trang, tượng Khổng Tử và tứ vị phối thờ (Nhan Tử, Mạnh Tử, Tăng Tử và Tử Tư) được tạc bằng đá xanh cao to như người thật. Mỗi vị tiến sĩ được thờ trong Miếu đều có bài vị ghi rõ niên hiệu khoa thi, cấp bậc đỗ đạt cũng như quê quán và chức tước Vua ban, được đặt tên lưng rùa. Tòa tiền tế có 5 gian làm bằng gỗ lim, chạm khắc tinh xảo. Phía ngoài Văn Miếu là hồ bán nguyệt cùng nhiều cây cổ thụ.

Sau khi xây dựng, Văn Miếu có nhiều lần được trùng tu để to đẹp hơn, nhưng đến năm 1947 trong cái gọi là phong trào toàn quốc kháng chiến, người ta đã dỡ bỏ nhà tiền tế, chặt hạ các cây to ở ngoài. Năm 1951, Pháp cho bắn đạn pháo vào Văn Miếu, nhưng 5 pho tượng và 2 bia lớn không hề bị phá hủy. Sau đó các hiện vật trong Văn Miếu bị thất lạc dần.

Đến năm 2000, UBND xã Thanh Sơn mới dành 1.800 m2 đất nơi Văn Miếu cũ để làm lại Văn Miếu. Hiện nay Văn Miếu đã có 1 cung thánh với 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá, tòa Văn Thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa.

Ngày nay ngoài lễ thánh tưởng nhớ các bậc hiền tài trong Miếu, vào ngày 18 tháng giêng hàng năm, Văn Miếu Xuân La là nơi tuyên dương học sinh giỏi của huyện. Đây cũng là nơi câu lạc bộ thơ Dương Kinh tổ chức lễ hội hàng năm, cùng nhiều buổi giao lưu với nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp có tiếng trong nước.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: