Thiền sư Tuệ Tĩnh được xem là “ông tổ” của thuốc nam với câu nói nổi tiếng “nam dược trị nam nhân”, ông có nhiều nghiên cứu và đóng góp to lớn cho nền y học cổ truyền nước nhà.

Thiền sư Tuệ Tĩnh: Hai lần thi đỗ đại khoa, chọn hành nghề y cứu người
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Lớn lên nhờ cửa nhà Phật

Vào thời nhà Trần ở thôn Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) có ông Nguyễn Công Vỹ kết hôn với bà Hoàng Thị Ngọc, đến năm 1341 thì sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Bá Tĩnh.

Năm Bá Tĩnh lên 6 tuổi thì cả cha mẹ đều mất, cậu bé được nhà sư ở chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ǎn học (chùa Hải Triều sau này gọi là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám), sau đấy thì đến chùa Keo ở Thái Bình.

Hai lần thi đỗ nhưng chọn con đường làm thuốc

Năm 1351, Nguyễn Bá Tĩnh 21 tuổi tham dự khoa thi dưới thời vua Dụ Tông và đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Tuy nhiên ông không muốn ra làm quan cho Triều đình mà chọn ở chùa Nghiêm Quang nghiên cứu y lý và Phật Pháp, lấy vườn chùa để trồng cây thuốc chữa bệnh cho dân chúng, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh.

Ông phát triển cây thuốc nam cùng câu nói nổi tiếng “nam dược trị nam nhân”. Trong suốt 30 năm ông xây dựng được 24 ngôi chùa và cũng là nơi chữa bệnh. Ông cũng tập hợp nhiều y án, 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Không chỉ chữa bệnh ông còn có các phương pháp phòng bệnh, phương pháp dưỡng sinh dưỡng sinh được đúc kết như sau:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Ông tập hợp được các phương pháp chữa bệnh trong dân gian, truyền dạy cho các học trò. Ông tổng hợp được y dược cổ truyền dân tộc viết thành sách “Nam dược thần hiệu” chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông viết bộ “Hồng Nghĩa giác tư y thư” (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, bài “Phú thuốc Nam” 630 vị chữa bách bệnh cũng bằng chữ Nôm. Các phương pháp trị bệnh của Tuệ Tĩnh trở thành kim chỉ nam cho các danh y sau này như Hải Thượng Lãn Ông.

Không chỉ chữa bệnh cho người, ông còn tập hợp các bài thuốc chữa bệnh cho gia súc, đặt cơ sở cho ngành thú y sau này.

Năm 1374, Tuệ Tĩnh lần thứ hai đi ứng thí, ông vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình đỗ Hoàng giáp. Tuy nhiên ông không ra làm quan mà vẫn chọn con đường tiếp tục làm thuốc trị bệnh giúp dân.

Tiếng tăm vang xa bốn bể, phải chịu cống nạp cho nhà Minh

Lúc này nhà Trần rất suy yếu. Nếu như trước đây các vua Trần đều là những người tu luyện, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng khiến Xã Tắc ổn định, nhờ đó mà 3 lần đánh bại đại quân Mông Cổ; thì sau này các vua Trần không còn tín ngưỡng Phật Pháp, không còn dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng, lại chỉ lo ăn chơi xa hoa khiến xã hội bất ổn, lòng người ly tán.

Vua Chiêm là Chế Bồng Nga thấy nhà Trần suy yếu, nhiều lần đưa quân vào thành Thăng Long như chỗ không người. Vua tôi nhà Trần sợ quân Chiêm như sợ cọp. Lúc này ở phương bắc, Chu Nguyên Chương thống nhất Trung Nguyên, đánh bại quân Nguyên, lập ra nhà Minh. Vị thế nhà Minh ngày càng vững chắc.

Năm 1385, nhà Minh yêu cầu nhà Trần phải cống nạp, trong đó có yêu cầu 20 tăng nhân. Lúc này danh tiếng Tuệ Tĩnh đã vang xa, có thể Triều đình nhà Minh đã chỉ đích danh Tuệ Tĩnh nằm trong số những người phải cống nạp.

Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống nạp cho nhà Minh vào năm 1385, được phong làm Y tư cửu phẩm và nổi tiếng là thầy thuốc giỏi. Dù xa quê nhà ông vẫn dốc sức nghiên cứu y thuật và làm thuốc.

Dân gian truyển rằng có lần Hoàng hậu (có tài liệu viết là Thái hậu) nhà Minh bị bệnh hậu sản, các danh y của Trung Hoa và Nhật Bản đều đã chữa trị nhưng bệnh không khỏi. Tuệ Tĩnh được triệu đến và chữa khỏi được cho Hoàng hậu, Vua liền phong cho ông là Thái y Thiền sư.

Thế nhưng Tuệ Tĩnh rất nhớ quê nhà, chỉ mong có ngày được trở về.

Tưởng nhớ

Hơn 200 năm sau, vào năm 1690, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho khi đi sứ sang Trung Quốc đã tình cờ thấy mộ của Tuệ Tĩnh với dòng chữ trên bia mộ “Ai về nước Nam cho tôi về với”. Cảm động trước lời nhắn gửi tha thiết của bậc danh y, ông muốn đưa hài cốt của Tuệ Tĩnh về nước, tuy nhiên hoàn cảnh lúc đó không thể làm được. Vì thế mà Nguyễn Danh Nho đã thuê người sao chép lại bia mộ của Tuệ Tĩnh rồi về Thăng Long tạc khắc lại như nguyên bản đưa về làng xưa ở Hải Dương.

Nhiều thế kỷ trôi qua, Tuệ Tĩnh vẫn được dân chúng tôn là Thánh thuốc nam. Tại Hải Dương còn đền thờ ông, đặc biệt là vùng Cẩm Bình nay còn một số di tích ở đền Xưa, đền Bia, nhất là chùa Giám. Hằng năm nhân dân địa phương vẫn mở hội tưởng niệm ông vào ngày 15/2 âm lịch.

Ở đền Bia vẫn còn đôi câu đối thờ phụng ông như sau:

Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa
Thánh sư diệu dược trấn Nam bang

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: