Chúng ta đều biết để làm một việc khó thì cần tham khảo nhiều, tìm hiểu nhiều, tổng hợp sở trường sở đoản của từng cách làm, từ đó đưa ra phương án tối ưu. Tuy nhiên điều này chỉ có thể áp dụng cho một số sự tình mà thôi. Có những việc mà càng phức tạp, càng đào sâu, càng tạp loạn thì lại càng khó có thể nói rõ, một ví dụ rõ nhất chính là những điều thuyết giảng trong triết học và phân tâm học hiện đại. Người cầu đạo thời xưa giảng phản bổn quy chân, thuần tịnh nội tâm, giảng “chuyên nhất” không tạp loạn, từ đó mới có thể “ngộ Đạo”. Do đó “tinh thuần” không phải là “giản đơn”, “phức tạp” lại cũng không phải là “uyên thâm sâu sắc”, Đạo Đức Kinh 5000 từ mà có thể bao quát từ đạo người đến đạo Trời, đồ hình bát quái chỉ có 64 quẻ lại có thể thôi toán ra quá khứ tương lai.

Trí tuệ cổ nhân: Học càng tạp loạn, thu hoạch càng ít
(Tranh minh họa: Public Domain)

Trong “Liệt Tử. Thuyết phù thiên” có ghi chép một câu chuyện về Dương Tử, một ẩn sĩ thời Chiến Quốc. Chuyện kể rằng một hôm, hàng xóm của Dương Tử bị mất một con dê nên đã huy động rất nhiều người trong nhà đi tìm kiếm. Ông ta cũng nhờ Dương Tử, vì thế Dương Tử đã cho tất cả các học trò và người hầu giúp tìm kiếm dê.

Dương Tử hỏi: “Một con dê bị mất, vì sao phải cần nhiều người đến thế đi tìm kiếm?”

Người hàng xóm đáp: “Bởi vì có rất nhiều lối rẽ!”

Sau khi mọi người tìm kiếm trở về nhà, Dương Tử hỏi: “Đã tìm được con dê chưa?”

Người hàng xóm đáp: “Không tìm được, con dê chạy mất rồi!”

Dương Tử lại hỏi: “Sao lại để nó chạy mất vậy?”

Người hàng xóm đáp: “Trong lối rẽ lại có những lối rẽ khác, chúng tôi không biết là nó đã bỏ chạy vào con đường nào, cho nên đành phải trở về.”

Dương Tử nghe thấy người hàng xóm nói như vậy thì sắc mặt liền thay đổi, một hồi lâu trôi qua cũng không nói lời nào, hơn nữa cả ngày cũng không tươi cười nữa.

Các học trò thấy như vậy thì cảm thấy rất lạ nên đã hỏi: “Con dê là gia súc cũng không có giá trị lắm, và cũng không phải của thầy, vì sao thầy lại trở nên không nói không cười như vậy?”

Dương Tử nghe xong cũng không trả lời, các học trò của ông cũng không hiểu rốt cuộc ông có ý tứ gì.

Mạnh Tôn Dương từ chỗ Dương Tử đi ra và kể lại chuyện này cho Tâm Đô Tử nghe.

Một hôm, Mạnh Tôn Dương cùng với Tâm Đô Tử cùng nhau đến bái kiến Dương Tử. Tâm Đô Tử không trực tiếp đưa ra nghi vấn của mình mà lại dùng một câu chuyện để hỏi Dương Tử:

Ngày xưa, có ba anh em cùng học ở nước Tề, nước Lỗ và cùng học chung một thầy về đạo lý nhân nghĩa. Sau khi học xong đạo lý nhân nghĩa trở về nhà, cha của họ hỏi họ rằng: “Đạo lý nhân nghĩa là như thế nào?” Người anh cả đáp: “Nhân nghĩa khiến con yêu quý sinh mệnh của chính mình và đem thanh danh đặt ở sau sinh mệnh”. Người anh thứ hai nói: “Nhân nghĩa khiến con vì thanh danh mà không tiếc hy sinh sinh mệnh của chính mình”. Người em út nói: “Nhân nghĩa khiến cho sinh mệnh và thanh danh của con đều có thể được bảo toàn”. Câu trả lời của ba anh em họ không giống nhau, thậm chí còn trái ngược nhau nhưng lại cùng xuất ra từ một thầy. Xin hỏi thầy trong ba anh em họ thì ai là đúng đắn, ai là sai lầm?

Trước câu hỏi của Tâm Đô Tử, Dương Tử cũng không đưa ra câu trả lời trực diện, mà nói:

Có một người sống ở bên bờ sông, anh ta hiểu thủy tính, lại có gan bơi lội, lấy việc chèo thuyền đưa đò mà kiếm sống. Số tiền kiếm được từ đưa đò có thể nuôi sống cả trăm người. Rất đông người đã mang lương thực đến để học anh ta, nhưng vì bơi qua sông sâu quá nguy hiểm nên gần một nửa những người này bị chết đuối. Những người này vốn là đến học bơi cuối cùng lại bị kết cục như vậy, các ngươi cho rằng là đúng đắn hay là sai lầm?

Tâm Đô Tử nghe xong lời Dương Tử nói thì lặng lẽ cùng Mạnh Tôn Dương đi ra ngoài. Sau khi đi ra ngoài, Mạnh Tôn Dương trách cứ Tâm Đô Tử: Tại sao anh lại hỏi thầy vòng vo như vậy, còn thầy lại trả lời kỳ quặc như vậy?”

Tâm Đồ Tử nói:

Đường lớn bởi vì có quá nhiều lối rẽ mà mất dê, người học bởi vì có quá nhiều phương pháp mà đánh mất sinh mạng. Chỉ có nắm bắt được đạo lý căn bản thì mới không bị lầm đường lạc lối.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, bách gia tranh minh, lớp lớp nhân tài xuất hiện, các học thuyết cạnh tranh gay gắt, thậm chí có phần đối nghịch. Nếu như ví việc truy tìm chân lý với con đường thì thực sự tồn tại rất nhiều lối rẽ, và bên trong lối rẽ ấy lại có những lối rẽ khác. Hơn nữa các trường phái lại không chịu nhượng bộ nhau. Đây chính là lý do vì sao Dương Tử khi nghe về việc không bắt được dê đã tỏ ra nghiêm túc và giữ im lặng như vậy.

Lại kể thêm một chuyện, hậu thế cho rằng Dương Tử “vị ngã”, bởi vì Mạnh Tử chê Dương Tử không chịu “nhổ một sợi lông để cứu thiên hạ”. Kỳ thực không phải, con đường Dương Tử đi chỉ là không giống Mạnh Tử mà thôi.

Dương Tử từng kể chuyện Bá Thành Tử Cao không chịu mất một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ, và chuyện vua Đại Vũ không nghĩ đến lợi riêng, hy sinh cho dân chúng. Cầm Tử là người nghe chuyện, hỏi:

– Nhổ một sợi lông trên mình ông để cứu đời, ông chịu không ?

Dương Tử đáp:

– Đời đâu thể cứu bằng một sợi lông.

– Cho rằng cứu được đi thì ông chịu không ?

Dương Tử không đáp.

Trên thực tế, Dương Tử thấy Cầm Tử hỏi vặn để châm biếm đạo “quý thân” nên không muốn tranh luận nữa.

Dương Tử đề cao việc “quý thân”, cho rằng “con người bản chất giống trời đất, có đức tính của ngũ hành, là loài tối linh trong vạn vật”, bởi vậy mỗi người đều cần coi trọng bản thân. Luận thuật này không có gì lạ, có thể tìm thấy trong Phật giáo, gọi là “thân người nan đắc”, cũng có thể tìm thấy trong Đạo giáo, gọi là “người là anh linh của vạn vật”. Hai gia phái lớn này đều giảng rằng người có thể tu luyện, có thể thăng hoa đến những cảnh giới sinh mệnh cao thâm. Người nếu biết tu luyện, nếu có thể thăng hoa thì lại càng đáng trọng hơn.

Có thể thấy cái gọi là “quý thân” của Dương Tử cũng là một con đường. Ai ai cũng biết quý sinh mệnh thì nào còn hỗn loạn nữa, thiên hạ cũng sẽ được thái bình. Chính như Tâm Đồ Tử nói, giữa muôn vàn phương pháp, học tạp loạn thì sẽ đánh mất mình, một người phải nắm vững đạo lý căn bản thì mới có thể bước đi được xa.

Đường vốn đã nhiều lối rẽ, lại không thiếu ngõ cụt. Một người không biết “chuyên nhất”, hôm nay đi hướng này, ngày mai theo hướng khác, rất có khả năng là chỉ đang đi vòng vo, không thoát khỏi một khu vực cố định. Một người muốn học Đạo thì nhất định phải suy nghĩ từ căn bản, lựa chọn sáng suốt, sau đó lại phải không ngừng lấy bớt làm thêm, không ngừng làm thuần tịnh nội tâm, bỏ đi những gánh nặng và quan niệm vị tư. Chỉ có như vậy mới có thể bước trên Đại Đạo đường lớn, mới có thể đạt được thành tựu nhất định.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: