Thành ngữ cổ có câu: “Thính thiên do mệnh”, câu này có nguyên gốc là “Thính thiên nhậm mệnh” (lắng nghe thiên mệnh), ý tứ của nó là thuận theo mệnh Trời, phó thác cho Thiên ý và vận mệnh quyết định tiến trình phát triển của sự việc. Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa nhân sinh quan, giá trị quan và vũ trụ quan sâu sắc.

Trí tuệ cổ nhân: Thính thiên mệnh
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ một bài phú tên là “Hào phú” của Khổng Tang. Khổng Tang người nước Lỗ thời Tây Hán là con của Liễu hầu Khổng Tùng, cháu đời thứ 11 của Khổng Tử. Thời Văn Đế nhà Tây Hán, Khổng Tang xin được tiếp nối cha làm Liễu hầu, Thiên bác sĩ, Bái thái thường, Cửu khanh. Năm đầu thời Tây Hán, giới học giả có cách liễu giải Nho gia không đồng nhất. Khổng Tang lo lắng, liền dâng thư lên Hoàng đế xin làm Thái thường bác sĩ, một chức quan giảng dạy Nho học. Khổng Tang cho rằng kỷ cương cổ huấn là điều mà người đời sau noi theo, nên đã viết tổng cộng 24 bài phú.

Trong bài “Hào phú”, Khổng Tang cho rằng phúc họa vốn không phải là điều được chú định cứng trong sinh mệnh, nó là phụ thuộc vào hành vi của mỗi người mà nhận lại điều tương ứng. Nôn nóng làm những điều xu cát tị hung, tránh họa tránh nạn, thì không bằng để tùy theo Thiên ý, tự nhiên phát triển. Một người nếu có thể thận trọng với lời nói việc làm của bản thân, tích chứa nhân từ và làm việc nghĩa thì không việc gì phải sầu lo Thượng Thiên sẽ giáng xuống tai họa. Đó chính là “Thính thiên nhậm mệnh”.

Về sau câu nói “Thính thiên do mệnh” được diễn biến từ đoạn văn này mà ra, dùng để hình dung sự phát triển tự nhiên thuận theo Thiên ý và vận mệnh.

Đồng nghĩa với câu thành ngữ “Thính thiên do mệnh” chính là “Nhâm thiên do mệnh” , “Thành sự tại thiên” , “Thuận thiên ứng mệnh”, “Thính kì tự nhiên”, đều mang ý thành kính lắng nghe theo Thiên ý và vận mệnh. Trái ngược với câu thành ngữ trên là những câu như “Nhân định thắng thiên”, “Thành sự tại nhân”, “Sự tại nhân vi”, đều có ý nói mọi việc thành đều là do con người, không tin Trời, không tin Thần… Hai loại ý kiến đối lập này chính là do sự khác biệt về giá trị quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan. Nền tảng nhận thức về sinh mệnh và vũ trụ của một người sẽ quyết định giá trị nhận thức mà họ hướng tới.

Khổng Tử từng nói: “Hữu giả trợ dã. Thiên chi sở trợ giả, thuận dã; nhân chi sở trợ giả, tín dã”, nghĩa là Trời phù hộ người thuận theo Thiên đạo, còn người trợ giúp người thành tín. Vậy nên thuận theo Thiên đạo, tôn kính Thánh hiền, coi trọng nhân luân, người như thế thì Trời phù hộ. Phù hộ ở đây cũng không phải là gặp toàn điều cát tường, không có chút nào bất lợi nào, mà chính là không tổn hại những điều tốt đẹp trong mệnh vốn có, khi gặp những điều xấu mà trong mệnh vốn phải chịu thì được gia trì mà vượt qua, lại bồi dưỡng được những điều tốt đẹp mà trong mệnh chưa có. Bởi vậy người xưa còn nói “Tận nhân sự, thính thiên mệnh”, ý nói con người chỉ cần tận tâm tận sức đi làm, về phần kết quả có thành công hay không thì phải thuận theo Thiên đạo tự nhiên, thành kính lắng nghe Thiên mệnh.

Vậy thì nội hàm của các thành ngữ như “nhân định thắng thiên” “sự tại nhân vi” có đạo lý không? Trên thực tế, những câu nói như vậy đã thúc đẩy đạo đức nhân loại trượt dốc, dẫn dắt con người đến quan niệm “người thắng được Trời đất”. Khi ôm giữ chấp niệm ấy, mưu cầu đạt được các mục tiêu lợi ích, con người sẽ phát sinh những tà niệm và hành động ngông cuồng nghịch Thiên, trái với chính nghĩa, vứt bỏ đạo đức nhân luân. Con người không biết chân tướng, luôn chấp mê bất ngộ, hơn nữa còn tưởng rằng làm như vậy là giống như đang sống một cách hăng hái tích cực, nắm giữ được cuộc đời. Kỳ thực, nhìn chung từ cổ chí kim, xem xét lại sử sách, không khó phát hiện ra rằng con người chẳng thể nào làm chủ vận mệnh của chính mình. Đường đời là được định sẵn, chỉ có là trên đường đời, con người lựa chọn thiện ác, từ đó mà thăng hoa hay rơi rớt xuống, cảm nhận hương vị đắng cay ngọt bùi của cuộc sống mà thôi.

“Thính thiên do mệnh” cũng không phải là cái cớ để người ta lười biếng, không làm gì cả. Mà là dù làm gì, một người cũng cần hiểu rằng lựa chọn của mình sẽ ảnh hưởng đến tương lai của sinh mệnh. Có nhân ắt có quả, thiện tâm thủ đức hay tà ác làm bậy đều là như thế. Một người có thể bảo trì được tâm tính thuần khiết thiện lương, đồng thời tận tâm tận sức, tận chức tận trách, làm tốt bổn phận của chính mình, đối với hết thảy những điều gặp phải đều đường đường chính chính thản nhiên đối mặt, như vậy chính là đã bước đi con đường chính đạo làm người rồi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: