Trong gia huấn Tư Mã Quang có câu: “Tích trữ vàng để lại cho con cháu, chưa chắc con cháu giữ gìn được; tích trữ sách vở để cho con cháu, chưa chắc con cháu sẽ học được; chẳng bằng tích trữ âm đức để mà mưu toan lâu dài cho con cháu.” Trong một gia đình, người trưởng bối biết hành thiện tích đức, nhìn qua thì thấy đơn giản nhưng lại là “phong thủy” tốt nhất, mang tới phúc ấm cho con cháu đời sau. Trong sách cổ có rất nhiều ghi chép về việc này.

gia pha
(Tranh minh họa qua Pinterest, Public Domain)

Diêu Văn Điền là người Hồ Châu, Chiết Giang, sống vào thời nhà Thanh. Vào ngày Tết năm Gia Khánh đầu tiên, một người đồng hương của ông đã mơ thấy mình đi đến cửa quan phủ và nghe được tiếng nói rất lớn: “Trạng nguyên bảng ra đây!” Lúc này cửa son mở ra, hai vị quan lại mặc quan phục màu đỏ, tay cầm cờ màu vàng tiến đến. Phần đuôi của lá cờ có viết 4 chữ: “Nhân tâm dịch muội, thiên lý nan khi”, nghĩa là lòng người dễ bị mê muội, thiên lý khó lừa dối. Người đồng hương này giật mình tỉnh dậy, trong lòng rất khó hiểu. 

Không lâu sau, Diêu Văn Điền thi đỗ Trạng nguyên, có người đã kể lại giấc mơ kia. Diêu Văn Điền trầm tư suy nghĩ một lúc lâu rồi nhớ ra và nói:

“Đây là câu mà cụ tôi đã từng nói. Năm cụ nhậm chức đề hình ở Hoàn giang, trong ngục có hai người bị phán tội chết đang chờ ngày xử. Sau khi cụ điều tra lại, thấy không có chứng cứ hai người này phạm tội, biết họ bị vụ oan nên đã quyết định phóng thích họ. Lúc chuẩn bị phóng thích họ thì người vu cáo mang hai nghìn lượng bạc đến để hối lộ, muốn cụ phán hai người kia tội chết. Cụ đã nói: ‘Nhân tâm dịch muội, thiên lý nan khi. Ta nếu nhận tiền tài mà giết chết người vô tội thì thiên lý bất dung’. Cuối cùng cụ đã cho thả hai người này ra. Chữ viết trên lá cờ, chẳng lẽ là chuyện này sao?”

Diêu Văn Điền sau khi thi đỗ Trạng nguyên đã lần lượt nhậm các chức Hàn lâm viện tu soạn, Tả đô ngự sử, Lễ bộ thượng thư… Trong thư phòng, ông tự viết và treo đôi câu đối:

Thế thượng kỉ bách niên cựu gia, vô phi tích đức
Thiên hạ đệ nhất kiện hảo sự, hoàn thị độc thư

Nghĩa là: trên thế gian, những gia đình tồn tại hàng trăm năm không suy bại thì đều do tích đức mà thành. Việc tốt nhất trong thiên hạ, xét cho cùng vẫn là học tập.

Diêu Văn Điền thường làm giám khảo chính của các kỳ thi, và lần nào ông cũng đều dán những câu đối bắt mắt ở hai bên cổng trường thi để cảnh tỉnh các thí sinh không gian lận, cũng để nhắc nhở bản thân và khuyên răn các tân khoa sau này làm quan thanh liêm, có chính khí.

Cổ ngữ có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp”. Tổ tiên của Diêu Văn Điền đối mặt với sự hấp dẫn của lượng lớn tiền tài mà vẫn kiên quyết cự tuyệt, không muốn giết oan người vô tội. Kết quả của việc ấy chính là đã tích được đại đức, con cháu đời sau đắc được phúc ấm.

Vào năm Gia Khánh thời nhà Thanh, Liêu Phong Ông đảm nhận chức quan huyện. Lúc ấy, Chu Ác là tên cướp đứng đầu nhóm cướp biển đã phải quy phục đầu hàng. Trong tay tên cướp có danh sách hàng trăm người là đồng bọn của hắn. Liêu Phong Ông nói: “Tên cướp đã đầu hàng rồi thì những người đó không cần phải truy cứu nữa”. Vì thế, ông đã ném quyển sổ vào lửa. Về sau, có người muốn xử tử những người có tên trong cuốn sổ ấy nhưng tìm không được, đành phải từ bỏ.

Liêu Phong Ông sinh được năm người con trai, cả năm người con trai của ông đều đỗ đạt cao. Người con trai út thi đỗ bảng nhãn, làm quan đến chức thượng thư. Liêu Phong Ông sống đến hơn 80 tuổi thì qua đời. 

Thời nhà Minh có một viên quan tên là Vương Ổn, tự là Bang Trữ, hiệu là Thận Am. Năm 20 tuổi ông thi đỗ và ra làm quan, làm các chức như Trác Châu học chính, Đường Vương phủ trưởng sử, Quảng Bình phủ đồng tri, Nam Khang tri phủ, Đinh Châu tri phủ… Ông là người coi trọng đức hạnh, yêu dân như con nên được dân yêu kính và ủng hộ.

Lúc Vương Ổn làm Quảng Bình phủ đồng tri, tri phủ bởi vì thiếu trách nhiệm nên hàng nghìn người dân địa phương đã kéo đến để yêu cầu Vương Ổn đảm nhận chức vụ tri phủ. Về sau, quả đúng là trời chiều theo lòng dân, Vương Ổn nhậm chức tri phủ Đinh Châu. Ông càng cần cù tiết kiệm, luôn quan tâm đến cơm ăn áo mặc của dân chúng. Khi có thiên tai, ông luôn mở kho để xuất lương thực giúp đỡ người nghèo và nạn nhân thiên tai giúp họ vượt qua khó khăn. 

Ngay cả khi một quận lân cận không thuộc quyền hạn của mình bị hạn hán nghiêm trọng, nhìn thấy nỗi khổ của những người dân bị nạn, Vương Ổn cũng không ăn không ngủ, làm mọi cách có thể để giúp đỡ, mở kho để phân phát thức ăn cho nạn dân. Có quan phủ địa phương không đồng ý, Vương Ổn đã nói: “Chúng ta đều đọc đủ các loại sách Thánh hiền, đều minh tỏ ý nghĩa của kinh Xuân Thu, cứu người hoạn nạn là lẽ phải ở đời, dân nơi khác cũng giống như dân nơi mình, có thể thấy chết mà không cứu được sao?” Thiện hạnh của Vương Ổn giúp cho vô số người sắp chết vì đói khát vượt qua được cửa ải sinh tử, dân chúng đều biết ơn ông. 

Đúng như cổ nhân nói, “gia đình tích chứa điều thiện thì có thừa niềm vui”, thiện tâm và thiện hạnh của Vương Ổn đã quảng tích âm đức cho con cháu đời sau. Từ đời con của Vương Ổn là Vương Tông Mộc bắt đầu chấn hưng gia phong, làm rạng danh dòng tộc. Gia tộc họ Vương thời nhà Minh cực thịnh: “bốn cha con đều đỗ tiến sĩ, ba quan tuần phủ”. Bốn tiến sĩ là Vương Tông Mộc và ba người con trai của ông, Vương Tông Mộc cùng với hai người con trai là Sĩ Kỳ và Sĩ Xương đều làm quan tới chức Ngự sử kiêm Tuần phủ, nên người đời xưng là “nhất môn tam tuần phủ” (một nhà ba quan tuần phủ). Đời cháu của Vương Tông Mộc và người trong họ hàng của ông cũng có nhiều người làm quan lớn.

Người hiện đại này nay xa rời văn hóa truyền thống, không ít người cho rằng thiên lý thiện ác báo ứng là “mê tín”, cho rằng làm người tốt chân thật là người ngốc, người vì lợi ích của mình mới là người khôn ngoan. Cổ nhân lại quan niệm rằng người vì tư lợi mà không điều gì không làm là người tạo ác nghiệp, là hành vi phá gia bại tộc. Người chú trọng đạo đức, hành thiện, tích được đại đức, sẽ tạo phúc ấm cho con cháu đời sau.

Theo Zhengjian.org
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: