Ẩm thực Trung Hoa chứa đựng yếu tố văn hóa sâu sắc, có rất nhiều người nổi tiếng trong các triều đại là nhà nghiên cứu ẩm thực hoặc người sành ăn, bao gồm cả nhiều văn nhân mặc khách thanh cao, như thi nhân Lục Du, Tô Đông Pha… đặc biệt là tài tử Viên Mai thời nhà Thanh. 

Viên Mai là người Tiền Đường, sinh tại Hàng Châu. Ông đỗ cử nhân năm 22 tuổi, về sau trở thành nhà thơ nhà văn nổi tiếng thời Thanh. Ông tự xưng mình là mỹ thực gia. Ông đã dùng 40 năm kinh nghiệm thưởng thức đồ ăn và kỹ năng viết tuyệt diệu của mình để viết cuốn sách về đạo ẩm thực và phương pháp nấu ăn “Tùy viên thực đan”. Cuốn sách ghi lại 326 loại món ăn phổ biến và những kinh nghiệm dưỡng sinh. 

Điều thú vị là bộ sách này không chỉ khuyến khích mọi người ăn uống lành mạnh mà trong đó còn có một thiên tên là “Giới đan”. “Giới đan” khuyên răn mọi người nên từ bỏ một số thói quen xấu, bao gồm tổng cộng có 14 lời khuyên, gọi là 14 “giới” (điều cần tránh). Tuy nhiên, Viên Mai nhấn mạnh đến năm điều dưới đây.

"Tùy viên thực đan" và năm hành vi không tốt trong ẩm thực
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Giới nhĩ xan

“Giới nhĩ xan” là không dựa vào danh tiếng của món ăn để cố gắng khoe khoang danh tiếng của mình hoặc phóng đại cách mình đối xử với người khác. 

Viên Mai viết: Dựa vào danh tiếng của đồ ăn quý mà khoa trương bản thân, phóng đại sự hiếu khách của mình. Như thế không phải ăn đồ ăn mà là bị danh tiếng làm mờ mắt.

Có một vị thái thú mời khách đến nhà ăn cơm, Viên Mai cũng tham dự. Nhà thái thú đã dùng một cái bát to để đựng 4 lạng yến. Cách mời khách như thế này chính là có ý nói mình hiếu khách và gia đình mình có tiền, giàu có. Nhưng Viên Mai đã không hài lòng nói: Tôi đến đây để ăn tổ yến chứ không phải để buôn bán tổ yến… Nếu muốn khoa trương thì hãy bỏ hàng trăm viên ngọc vào bát là được…”

Giới mục thực

“Giới mục thực” là không nên dùng một bữa ăn thịnh soạn với quá nhiều món, vì như thế là quá lãng phí.

Viên Mai viết: Trên bàn đặt quá nhiều đồ ăn thì là ăn bằng mắt chứ không phải ăn bằng miệng. Đồ ăn quá nhiều hơn nữa lại nhiều chủng loại thì khiến người ăn không thể ăn nổi mà còn khiến tâm không thể yên tĩnh được.

Quan điểm của Viên Mai cũng giống như điều Mạnh Tử đã nói: “Dù được như ý, ta cũng không ăn nổi đồ ăn đặt trước bàn cả trượng vuông, có mấy trăm tì thiếp hầu hạ”. (Mạnh Tử. Tận Tâm Hạ)

Theo Viên Mai, đồ ăn không quan trọng phải nhiều mà là phải tinh, nếu không thì càng nhiều sẽ càng không tốt. Viên Mai từng tham gia một bữa yến tiệc mà chủ nhà dọn ra đầy cả ba chiếu với 16 món ăn nhẹ và tổng cộng hơn 40 món. Chủ nhân buổi tiệc vô cùng đắc ý nhưng người làm khách như Viên Mai lại về nhà “ăn cháo cho đỡ đói”.

Giới bạo điễn

“Giới bạo điễn” là tránh xa hoa, lãng phí nguyên liệu thực phẩm. Viên Mai viết: Kẻ bạo lực thì không tiếc công đức của người khác, kẻ phá hoại thì không tiếc của cải vật chất.

Viên Mai xem thường những hành vi chỉ vì để thỏa mãn dục vọng ăn uống của mình mà không từ cách làm nào. Những người này, bên ngoài thì là tiêu phí tiền tài của bản thân còn kỳ thực bên trong lại chính là phóng túng cái tâm ngang ngược kiêu ngạo của chính mình. Ông cho rằng người như thế sớm đã rời xa đức tính “ái vật” của người quân tử là “quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử yêu mến tiền tài nhưng không tùy ý nhận, muốn nhận còn phải xem đạo nghĩa có được nó.

Đại thần nhà Minh, Trương Cư Chính thích ăn súp lưỡi gà. Lưỡi gà không phải thứ hiếm có nhưng chỉ vì một bát súp mà cần tới hơn chục con gà để lấy lưỡi, thậm chí chỉ vì thế mà thịt gà bỏ đi, vô cùng lãng phí và không tôn trọng sinh mệnh. Theo Viên Mai, con người nếu như cứ thuận theo lòng tham không đáy, không tiếc cách làm để có được đồ ăn ngon thì đó là những hành vi đáng xem thường.

Giới túng tửu

“Giới túng tửu” là không nên tham uống nhiều rượu trong bữa ăn, bởi vì người đã uống rượu nhiều rồi thì không thể biết được vị ngon của món ăn. Viên Mai viết: Chỉ uống rượu là chính thì không thể kiểm soát được vị ngon của đồ ăn.

Viên Mai cho rằng đồ ăn ngon cần phải thưởng thức một cách cẩn thận. Một người bất luận là tửu lượng lớn hay nhỏ chỉ cần ba chén rượu, cho dù dạ dày và ruột không khó chịu thì miệng và lưỡi cũng đã bị rượu làm tê rồi. Như thế, hương vị dù ngon đến đâu cũng khó có thể phân biệt và cảm nhận được nữa. Còn kẻ say quá thì không những hại thân thể mà còn mất mặt, đồ ăn ngon lúc ấy sẽ trở thành gánh nặng, phiền toái.

Theo Viên Mai, đã say rượu rồi thì “ăn đồ ngon cũng như ăn mùn cưa”, đó chỉ là lãng phí đồ ăn ngon. Ông cho rằng việc uống rượu sẽ khiến người ta không thể chuyên tâm vào việc thưởng thức đồ ăn, cho nên cần hạn chế.

Giới cường nhượng

“Giới cường nhượng” nghĩa là không nên ép khách ăn uống. Viên Mai viết: Ăn uống cần phải theo mong muốn của khách, thuận theo đạo lý, không nên miễn cưỡng.

Viên Mai cho rằng việc ăn uống thì mỗi người có một sở thích riêng. Chủ nhân nên để khách tự chọn lựa đồ ăn phù hợp với mình là tốt nhất. Nếu chủ nhân ép buộc khách, cố ý để quá nhiều món trước mặt khách thì đó là không có lễ phép, cũng khiến khách càng khó chịu hơn.

Năm giới cấm trong ẩm thực mà Viên Mai nhấn mạnh, cụ thể chính là phải thiết thực, cầu tinh, tiếc tài, giảm rượu, phù hợp đồng thời còn phải chú ý đến bầu không khí của bữa ăn. Viên Mai cho rằng đồ ăn nên là thuần chất, như thế có thể từ trong đồ ăn thưởng thức được những mùi vị khác nhau, từ đó thưởng thức được hương vị chân thực của thức ăn, tâm tình cũng sẽ càng tự tại hơn, sự cảm thụ sẽ càng chất phác hơn. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề đói khát mà còn có lợi đối với sức khỏe con người.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: