Nói đến chùa miếu, người ta thường sẽ nghĩ ngay đến đó là những kiến trúc Phật giáo. Trên thực tế, “Tự” (chùa) và “Miếu” vốn không xuất phát từ Phật giáo.

Vài tìm hiểu về danh từ chùa miếu thời cổ
(Ảnh minh họa: Vectorx2263, Shutterstock)

Trong “Thuyết văn giải tự” viết về hàm nghĩa của “Tự” là : “Tự, đình dã, hữu pháp độ giả dã” (ý nói chùa, đình, là nơi thực thi pháp luật) hay “Tự, trì dã, quan xá dã” (ý nói chùa, là nơi quản lý, cũng là nơi của quan). Vào thời cổ đại thì “Tự” vốn là công sở, là nơi quan viên làm việc. Theo kết cấu của chữ “Tự” (寺) thì phía trên là chữ “Thổ, Đất” (土), bên dưới là chữ “Thốn, Tấc” (寸), hàm ý là mỗi tấc đất trong thiên hạ đều thuộc về quân chủ. “Tự” là nơi chính thức phục tùng quân chủ, làm việc cho thiên tử, là cơ quan xử lý các công việc của triều đình. Cho nên, vào thời cổ đại đã từng có Đại lý tự, Hồng lư tự, Thái thường tự… các cơ quan này có quyền thực thi pháp luật.

Vào năm Vĩnh Bình thứ 10 thời Đông Hán (năm 67 sau Công nguyên), các tăng nhân Thiên Trúc Nhiếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan, Thái Âm và Vương Tuân cùng nhau đồng hành, dùng bạch mã thồ kinh đi vào đất Trung Hoa, việc này được coi là sự việc đánh dấu Phật giáo truyền nhập vào vùng đất này.

Hoàng đế lúc bấy giờ là Hán Minh Đế đã ra lệnh xây dựng một tổ hợp kiến trúc theo phong cách Thiên Trúc ở bên ngoài Ung Môn, phía Tây thành Lạc Dương để cung cấp cho các tăng nhân Tây Vực ở lại. Những kiến trúc này tương xứng với “Tự” của “Hồng lư tự”, đồng thời để kỷ niệm công lao của bạch mã thồ kinh, liền đặt tên cho tòa kiến trúc này là “Bạch Mã tự” (Chùa Bạch Mã).

Kể từ đó, “Tự” (chùa) không chỉ là chỉ công sở mà còn là nơi các các tăng nhân sinh sống và tu hành. Theo sự truyền bá của Phật giáo thì những kiến trúc tương ứng cũng ngày càng nhiều lên, tất cả đều gọi là “Tự” (chùa). Dần dần, người ta có thói quen lấy “Tự” (chùa) để đại biểu cho các kiến trúc Phật môn, và ý nghĩa ban đầu của nó là chỉ nơi công sở đã bị người ta lãng quên.

Nói về lịch sử của “miếu” thì có thể còn lâu đời hơn “tự”. Vào thời cổ đại, miếu có rất nhiều ý nghĩa, vừa chỉ triều đình (miếu đường), nơi thờ cúng bài vị của tổ tiên, mà còn là nơi thờ cúng các vị Thần linh và các danh sĩ hiền nhân trong lịch sử.

Theo sách “Nhĩ nhã” ghi lại: “Miếu, mạo dã, tiên tổ hình mạo tại dã”, ý nói miếu, là hình dáng bên ngoài, cũng là hình dáng của tổ tiên. Sự xuất hiện của miếu, ban đầu là nơi tưởng nhớ tổ tiên, tôn kính những người đời trước của gia tộc.

Theo “Thuyết văn” giải thích chữ miếu: “Tôn tiên tổ mạo” (tôn kính dung mạo tổ tiên). Được nhà ngôn ngữ triều Thanh là Đoàn Ngọc Tài chú thích: “Miếu, thời cổ xưa dùng để thờ cúng tổ tiên”.“Thuyết văn” nói: “Miếu, mạo dã, tiên tổ hình mạo tại dã” (Miếu tức là mạo, nơi hình hài dung mạo của tổ tiên ở). Cho nên, “miếu” là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi có chân dung của tổ tiên.

Thời nhà Chu coi trọng lễ nghĩa, các cấp bậc khác nhau dùng lễ khác nhau, cho nên, miếu cũng được chia thành các cấp khác nhau. Người có cấp bậc khác nhau thì quy mô của các ngôi miếu cũng không giống nhau. Trong sách “Lễ ký” viết: “Thiên tử thất miếu, khanh ngũ miếu, đại phu tam miếu, sĩ nhất miếu”. “Thái miếu” chính là nơi mà Hoàng đế thờ cúng tổ tiên của mình.

Từ sau triều đại nhà Hán thì hàm nghĩa của “miếu” đã có sự thay đổi. Nó thường thường được sử dụng để truy thụy, sắc phong cho một số hiền thần hoặc các thánh nhân, chẳng hạn như “Miếu Khổng Tử”, “Miếu Quan Đế”... giống như một ngôi đền thờ. Trong lịch sử có rất nhiều vị hiền thần của các triều đại đã có nhiều cống hiến, sau khi chết triều đình truy phong công lao sự nghiệp, chiếu theo lệnh có thể xứng đáng hưởng miếu, cũng chính là những người có công đức này có thể được tiếp nhận hương hỏa tế tự của dân gian để tỏ lòng tưởng nhớ và tôn kính, từ đó về sau đời đời lưu truyền.

Sau khi Phật giáo phát triển, người dân thờ Phật, thờ Thần, thờ các tượng Thần được đặt trong chùa. Theo thời gian, người ta đã ước định chung rằng chùa miếu được coi là nơi thiền định và thờ Phật, cũng là nơi để các nhà sư sinh sống và tu hành.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: