Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức vào 3 ngày (30/7, mùng 1 và 2/8 Âm lịch). Hôm nay (14/9 DL) là một trong 3 ngày giỗ. Mọi năm, nếu ở Sài Gòn và nhớ ra ngày giỗ, tôi thường ghé Lăng Ông vãn cảnh, xem hát bội và cũng để nhớ lại chuyện… vẩn vơ.

Tôi đã vào Lăng Ông vài lần thuở còn đi học. Vài lần chỉ vì có cô “nhơn tình tìn đồn” là nữ sinh trường Lê Văn Duyệt (một trong ba trường nữ trung học công lập nổi tiếng trước 75). Lăng Ông cách trường Lê Văn Duyệt đâu đó chừng trăm mét, ngày thường vắng vẻ, phong cảnh hữu tình,… “Đôi trẻ” vào đó thả bộ, hay ngồi ghế đá tâm tình cũng là phải đạo. Năm đó tôi thi Tú tài, nàng xúi vào điện thờ xin xăm coi đậu rớt thế nào. Ừ thì xin xăm, tôi cũng thắp nhang, cũng quỳ cũng lạy, cũng lẩm bẩm khấn (thật ra cô ấy khấn giùm tôi),… Tôi lắc ống xăm, lắc mạnh tay nên rơi ra vài que xăm. Nàng bảo, lắc lại. Tôi lắc nhẹ (quá), lắc hồi lâu mới rơi ra được 1 que xăm. Nhìn vào số que xăm, rồi ra bàn gần đó lấy tờ giải. Lời giải là những bài thơ, như bài vè, mơ mơ hồ hồ..

Nàng lại xúi tôi đem tờ giải đem ra ngoài sân điện cho mấy ông thầy bói giải quẻ. Lần này ẻn xúi dại. Ẻn đâu biết tiền tôi dẫn nàng ra quán nước là tiền “gian lận thần thánh”. Mẹ tôi cho tiền tôi đi học thêm, bà sợ thằng con, rớt tú tài đi lính. Đầu năm học, tôi lấy tiền đó mua sách (cũ) về tự học, rồi cứ thế hàng tháng lãnh “hụi chết” cà phê vung vít. Tôi nói với ẻn là tôi có thể giải quẻ được. Thế là tôi tán hươu tán vượn… Tôi giải quẻ theo trí tưởng tượng và ước mơ của mình, thành thử toàn là viễn cảnh về một tương lai lộng lẫy. Đôi lúc cũng xen vào một chút “trắc trở”, ra cái điều khách quan và tràn ngập ý chí vượt khó.

Sau năm 75 nàng đi đâu mất biệt, tôi không biết. Cuộc tình chưa ươm đã tàn.

Năm 78 hay 79 gì đó, tôi lững thững đi về sau bữa nhậu vỉa hè, chợt dừng lại nhìn bảng quảng cáo ở rạp Minh Châu gần nhà, rồi tự nhiên mua vé vào cửa xem hát bội. Xem không phải vì thích, mà để giết thời gian. Tôi còn nhớ tên vở hát là “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”. Đó là lần đầu tiên tôi xem trọn một tuồng hát bội ở rạp. Nhìn điệu bộ của diễn viên, khua chân múa tay theo nhịp dưới ánh đèn sân khấu, giọng hát tiếng gào có lẽ không cần micro cả rạp vẫn nghe được. Tôi ái ngại cho đời nghệ sĩ…

Vãn tuồng, vừa bước khỏi rạp, tôi thấy một nghệ sĩ, trạc 40 trong bộ quần áo nhàu nát, cà nhắc dẫn chiếc xe đạp từ cửa hông rạp. Ông dựng xe ở quán vỉa hè cạnh rạp, gọi xị rượu đế và dĩa cóc chấm muối ớt. Đó là hình ảnh đời thật của tướng quân Ô Lợi Hắc uy nghi khi ánh đèn sân khấu vừa tắt.

Trong các loại hình ca hát, có lẽ hát bội có số phận hẩm hiu, bạc bẽo nhất. Mất sức vì giọng hát tiếng gào, khán giả mấy ai đoái hoài. Buổi diễn đêm đó chỉ khoảng vài chục khán giả, tiếng vỗ tay lác đác. Phải vướng vào cái nghiệp, phải yêu nghề lắm, mới theo nghề hát bội. Chính hát bội đã làm tôi thấm thía kiếp con tằm nhả tơ. “…Tôi bán đường tơ, cho lòng tan nát cho ai cợt đùa. Trần gian còn thương nhớ, rút hết tâm can nhịp lời ca…”

Sau này tôi cũng tìm hiểu sơ về hát bội, nhưng còn nông cạn lắm, không dám tài lanh phơi bày ra đây. Chỉ có thể nói rằng, để hiểu được diễn xướng theo lối nhạc kịch dân gian này không phải điều dễ dàng, từng lời ca, điệu bộ ước lệ…

Thỉnh thoảng tôi đến Lăng Ông vào các ngày lễ chỉ để xem hát bội, để nhìn ông hoàng bà chúa sau cánh gà, vừa đánh phấn thoa son, vừa ăn bữa cơm đạm bạc với cá khô. Những năm sau này không còn đến nỗi ăn khổ như thế nữa. Đời nghệ sĩ hát bội sống nhờ vào những ngày lễ cúng đình, năm thì mười họa mới được mời, nhờ vào tiền thưởng của khán giả ném lên sân khấu sau mỗi lời ca nhịp điệu tròn trịa với tiếng trống chầu dồn dập thay cho tiếng vỗ tay.

Tả quân Lê Văn Duyệt từng là tổng trấn Gia Định thành, coi cả miền Nam. Ông nghiêm khắc trước hàng quân, nhưng biết lo cho dân, tạo điều kiện cho họ làm ăn buôn bán. Với khách buôn Tây – Tàu cũng được ông đối xử dễ dãi. Người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn sùng bái ông lắm, xem ông như vị thần. Tối giao thừa dân sài Gòn đổ xô vào Lăng Ông cầu an cầu lộc. Đã có lần tôi ở đó vào đêm 30, đông nghẹt người đến cúng kiếng, nhang khói mù mịt, chịu không nổi phải ra ngoài sân đứng thở.

Cuộc đời Tả quân cũng nhiều oan nghiệt. Ông bị bạc đãi ngay sau khi mất, mồ mả bị xiềng. Vài chục năm được trả lại danh dự. Sau 75, ông lại bị xóa tên. Cách đây vài năm mới được trả lại tên đường, nhưng tên trường Lê Văn Duyệt vẫn còn mịt mờ. Một khi lòng dân chưa quên thì chẳng có lịch sử phe phái nào có thể bôi bác được.

Lễ giỗ năm ngoái tôi cũng ghé Lăng Ông xem hát bội. Hoa quả dâng cúng nhiều lắm. Buổi chiều cuối cùng, vãn khách, mấy bà trong ban trị sự kéo tôi vào hưởng lộc. Giỗ năm nay tôi lại đến, xem tuồng San Hậu. Đầu tuồng là cảnh vua Tề nằm ngất ngư gần chết, chánh hậu o ép thứ phi lúc đó đang mang thai.. Chụp được vài tấm ảnh, hoàng hậu sau cánh gà và ngay sau đó là hoàng hậu đanh đá trên sân khấu…

Đời người như lá rơi trôi theo dòng nước, có khi quay mòng mòng giữa dòng xoáy, có khi êm ả đôi chút. Tôi ngồi ở ghế đá, nhìn cây cổ thụ ngoài sân. Cây thốt nốt còn đó. Cố nhân nơi đâu? Chiếc lá năm xưa đang trôi dạt ra gần cửa biển… Mối tình thuở học trò như chỉ mới đây thôi, “Nhơn tình tin đồn” vì cả hai chưa một lần cầm tay nắm cẳng. Thề đấy!

Mối tình vu vơ, chẳng đâu vào đâu. Gọi đó là “mối tình” chẳng qua là tôi phóng đại.

Vũ Thế Thành, tháng 9, 2023

Đăng lại từ Facebook tác giả

Mời độc giả liên hệ tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ Mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác.

Vu The Thanh vu vo 05
Lăng Ông, 2023.
Vu The Thanh vu vo 03
Mộ ông bà Lê Văn Duyệt.
hát bội
Hoàng hậu và thứ phi.
hát bội
Nghệ sĩ hát bội sau cánh gà.
hát bội
Hoàng hậu sau cánh gà.

Xem thêm:

Mời xem video: