Ngày kết thúc năm 2023 đang đến gần, nhìn lại quá trình phát triển kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong năm nay, tôi muốn lưu ý về diễn biến của chế độ độc tài Tập Cận Bình. Tôi sẽ bắt đầu từ các khía cạnh sau: 1) Đầu năm 2023, chế độ độc tài của Tập Cận Bình kiêu ngạo cực độ; 2) Chế độ độc tài kiêu ngạo của Tập Cận Bình nổi rõ dấu hiệu suy tàn; 3) Tập Cận Bình tiếp tục tăng cường độc tài cá nhân; 4) Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Tap Can Binh 1
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. (Ảnh: Ken Ishii-Pool/Getty)

Năm 2023 có hiện tượng ‘không hẹn mà gặp’ khi các chính khách hàng đầu gồm Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Đức, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đều lên tiếng công khai Tập Cận Bình là “nhà độc tài”, điều đó khiến ông Tập bất bình, trong khi Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng hành động ngoại giao như vậy vi phạm “phẩm giá chính trị” nhà lãnh đạo vĩ đại của Trung Quốc. Ngay cả tờ WSJ cũng chỉ ra: “Trong các tình huống ngoại giao, việc lên án nêu đích danh một nhà lãnh đạo nước ngoài là điều bất thường…” (18/9/2023). Cần phải lưu ý không phải đến năm 2023 này thì Tập Cận Bình mới trở thành nhà độc tài. Ngay từ năm 2018, ĐCSTQ đã sửa đổi hiến pháp để Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo suốt đời, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã chuyển từ chế độ chuyên chế sang chế độ độc tài cá nhân. Việc sửa đổi hiến pháp năm 2018 đã gây ngạc nhiên và làm nản lòng các học giả theo chủ nghĩa tự do của Trung Quốc. Năm 2023, họ không còn ngạc nhiên khi Tập Cận Bình chính thức bị nhiều chính khách thế giới gọi thẳng là “nhà độc tài”, mặc dù điều đó vẫn rất bất thường trong lĩnh vực ngoại giao.

Điều bất thường là độc tài của Tập Cận Bình đã chuyển từ tình trạng vốn trên lý thuyết và hiến pháp thành hiện thực thực tế –  người có tiếng nói cuối cùng. Đặc biệt bắt đầu từ Đại hội 20 của ĐCSTQ vào năm 2022, chế độ độc tài của Tập Cận Bình đã lên đến đỉnh cao và đầy kiêu ngạo. Vào tháng 3/2023, thể chế độc tài này đã được “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp) bù nhìn thông qua, chính thức đưa Tập Cận Bình ‘thống nhất thiên hạ’ – Trung Quốc của ĐCSTQ trở thành Trung Quốc của Tập Cận Bình. Phe Tập cũng đã thay thế hoàn toàn các thế lực khác trong đảng như phe Giang (phe lãnh đạo Giang Trạch Dân trước đây) và phe Đoàn (những người đi lên từ hoạt động Đoàn Thanh niên), qua đó thay đổi một cách triệt để mô hình phân bổ quyền lực cấp cao đã được các phe phái của ĐCSTQ duy trì trong hơn 30 năm. Trong thế giới của Tập, chỉ những người ủng hộ trung thành tuyệt đối của Tập mới có thể nhận được phần thưởng quyền lực của Tập.

Để có thể không chút đắn đo phô diễn quyền lực một mình, Tập Cận Bình đã nắm hết quyền lực Đảng, quyền lực Chính phủ, quyền lực quân sự, quyền lực tài chính, quyền lực kinh tế, quyền lực cải cách, quyền lực tư tưởng… Nhân sự cấp cao trong Đảng không còn phân nhiệm, không còn phân biệt giữa Đảng [chỉ đạo] và Chính phủ [hành động]. Thủ tướng Chính phủ Lý Cường nhậm chức vào tháng 3 năm nay cho biết tại Hội nghị Thường vụ Chính phủ đầu tiên rằng, Chính phủ được xác định trước hết là “cơ quan chính trị”, Chính phủ khóa mới phải theo chỉ dẫn bởi “tư tưởng Tập Cận Bình” và “bảo đảm thực hiện đến từng chi tiết các quyết định, điều động của Trung ương Đảng”. Lời xu nịnh của Lý Cường chứng tỏ rằng ở Trung Quốc chỉ tồn tại Tập Cận Bình và Đảng, còn Thủ tướng và Chính phủ chỉ còn cái tên gọi hữu danh vô thực. Mọi thứ dù ở trong hay ngoài Đảng, ông Tập đều “đích thân lên kế hoạch và triển khai, đích thân hướng dẫn và kiểm soát”. Khi Tân Hoa Xã gần đây đưa tin về “con đường cải cách” của Trung Quốc, cũng nhấn mạnh do Tập Cận Bình “đích thân chủ trì”, “đích thân lãnh đạo”, “đích thân sửa đổi”, “đích thân ra quyết định” “đích thân triển khai”,“đích thân thúc đẩy”.

Có lẽ chính những “đích thân” này báo hiệu chế độ độc tài Tập kiêu ngạo không thể tồn tại lâu dài, những dấu hiệu về sự suy tàn của chế độ độc tài này đã hiện rõ. Dấu hiệu đầu tiên là tình trạng biến mất tập thể bắt đầu từ tháng 6/2023 của những tư lệnh ngành gồm: Ngoại trưởng Tần Cương, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, các quan chức cấp cao của Lực lượng Tên lửa. Đây là một đòn chí mạng vào thể chế độc tài của Tập Cận Bình. Những vấn đề trong nhìn người, chọn người và dùng người của Tập Cận Bình đã thành dấu hỏi trong Đảng, quân đội và công chúng. Khả năng nắm quyền và điều hành đất nước của Tập Cận Bình bị nhiều người nghi ngờ, danh tiếng cá nhân cũng bị tổn hại nặng nề. Một dấu hiệu suy tàn khác là nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn: dòng vốn đầu tư nước ngoài rút lui trên quy mô lớn, tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ xấu địa phương khổng lồ, nhiều dự án bất động sản dở dang, GDP sụt giảm mạnh…

Điều khó tin là trong hoàn cảnh nổi rõ những dấu hiệu suy tàn đó nhưng Tập Cận Bình vẫn tiếp tục củng cố thể chế độc tài cá nhân. Mặc dù một số mặt có chút điều chỉnh, nhưng ông Tập không thay đổi gì ở những phương diện quan trọng. Một số động thái gần đây của ông Tập cho thấy ông rất mê tín về quyền lực cá nhân, ngày càng lún sâu vào bẫy của kẻ độc tài, không thể thoát ra, không ăn năn, không có khả năng tự nhìn lỗi mình để điều chỉnh. Gần đây, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đăng một bài viết cho hay, Tập Cận Bình muốn chỉ ra phương hướng cho nền tài chính Trung Quốc, lãnh đạo quá trình cải cách và muốn các chuyên gia, học giả ca ngợi kinh tế Trung Quốc… Những động thái này cho thấy Tập Cận Bình sẽ tiếp tục bước tiếp con đường độc tài cá nhân.

Hậu quả của việc Tập Cận Bình tiếp tục đi theo con đường độc tài cá nhân là rất nghiêm trọng. Đích thân Tập nắm quyền kiểm soát tài chính, thị trường chứng khoán lao dốc; Tập khiển trách hàng trăm quan chức nhưng họ vẫn bình chân như vại; sự bất mãn và phản kháng của một bộ phận lãnh đạo cao nhất trong Đảng và thế hệ Đỏ thứ hai, thêm vào khó khăn trong việc phục hồi nền kinh tế và quân đội bất ổn, cộng với thế bao bây từ liên minh phương Tây… cho thấy những ngày tháng độc tài của Tập Cận Bình sẽ ngày càng khó khăn hơn, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng Tập vẫn thần thoại hóa bản thân và mê tín về chế độ độc tài cá nhân của ông ta.

Tóm lại, thể chế độc tài của Tập Cận Bình vào năm 2023 đã đi từ trạng thái cực hưng sang cực tàn. Dựa trên xu hướng này, chúng ta có thể dự đoán thể chế này vào năm 2024 có thể sụp đổ.

Chu Phổ
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, nguồn: Đài RFA)