Sao lại trách người dân phản đối phá rừng không hiểu gì về khoa học nhỉ? Trách nhiệm của người làm chính sách, người làm quản lý và các nhà khoa học là phải làm cho người dân hiểu kia mà. Nếu người dân chưa hiểu hoặc không hiểu thì trách nhiệm đầu tiên không thuộc về người dân. Nếu người dân chưa hiểu, chưa thông thì chưa làm, cần phải giải thích, nghiên cứu thêm, tìm kiếm các giải pháp khác hợp lòng dân hơn.

Đấy là tôi giả dụ như dân không hiểu biết về khoa học thật. Nhưng thực tế “người dân” hay “quốc dân” là một khái niệm vô hình, rộng lớn, trong dân có vô vàn người tài, có trí tuệ siêu việt. Hơn nữa, “khoa học” hay “nhà khoa học” cũng là một từ dễ bị lạm dụng để chỉ những gì bốc phét lấy tiền hay lòe bịp. Dẫn chứng thì có quá nhiều, gần đây nhất là vụ Việt Á. Bao nhiêu người đã đội lốt khoa học để đục khoét và làm cho nhiều người chết oan uổng?

Người dân có quyền phản đối hay đồng tình một chính sách nào đó thuần túy dựa vào tình cảm, mối quan hệ lợi ích của họ với việc đó và trạng thái tâm lý.

Chính vì vậy vai trò của những người trên là thông qua nghề nghiệp, chức phận của mình mà làm cho người dân có được quyết định đúng đắn nhất, phù hợp nhất và hài hòa được lợi ích của các bên trong mọi việc.

Vì vậy người ta mới nói về “lòng dân”, về sự ủng hộ của dân chứ mấy ai đặt ra vấn đề dân phải trở thành các nhà khoa học biết viết báo quốc tế, tham gia hội thảo chuyên ngành, viết giáo trình hay bàn luận với dày đặc con số thống kê, kết quả điều tra.

Công việc đó là của những người không trực tiếp tham gia sản xuất và được người dân nuôi sống bằng lao động của mình.

Nếu như dân không hiểu khoa học thì phải đem đội ngũ đó ra trảm đầu tiên!

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: