10 mẩu truyện suy ngẫm về nhân sinh
- Bạch Vân
- •
Trong cuộc sống, không phải chuyện gì chúng ta cũng có thể ngay lập tức thông suốt và thấu hiểu. Mười mẩu truyện suy ngẫm về nhân sinh dưới đây có thể cho thấy điều này.
Hạnh phúc hay không hạnh phúc phụ thuộc vào tâm thái của mỗi người. Cách bạn nhìn mình quyết định giá trị của bản thân bạn.
Mẩu chuyện 1: Mark Twain và người phụ nữ kiêu ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain – nhà văn hài, tiểu thuyết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!“
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi“.
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá, phải cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào.
Mẩu chuyện 2: Con gà trống kiêu ngạo
Xưa có một con gà trống to lớn thường cất tiếng gáy mỗi ngày và nó rất tự phụ, kiêu ngạo. Một ngày kia, khi gà trống đi nghênh ngang loanh quanh chuồng, nó đã gặp một con vịt. Gà trống nói một cách tự hào: “Này con vịt nhỏ, hãy nói cho ta biết ai có tiếng gáy hay hơn ta? Ngoài ta ra, ngươi có lẽ sẽ không tìm ra ai mà có tiếng gáy hay như vậy”.
Nhìn vào gà trống, vịt nói rằng: “Ngươi ở trong chuồng gà mỗi ngày và không bao giờ ra ngoài để nhìn thế giới. Mấy con ngỗng hoang dã kia ngày mai chúng sẽ đi du ngoạn. Tại sao ngươi không đi với chúng?”. Gà trống trả lời: “Tôi không thể bay. Làm sao bây giờ?”. Vịt nói: “Không sao. Ngươi chỉ cần cưỡi lên lưng chúng”.
Thế rồi, có một con ngỗng hoang đã mang gà trống trên lưng. Chúng cứ bay mãi và cuối cùng đến một hồ nước lớn. Ngỗng bèn đáp xuống hồ và bận rộn tìm kiếm thức ăn. Gà trống không có gì để làm nên nó đã cất tiếng gáy. Khi vừa nghe tiếng gà trống gáy, một con thiên nga trong hồ bắt đầu cất tiếng hát. Đó là lần đầu tiên gà trống nghe giọng hát của thiên nga và đã nghĩ rằng nó đến từ những con chim trên cây.
“Tôi ở đây này”, một con thiên nga kêu vang.
Rồi gà trống nhìn thấy một con thiên nga nhỏ đang cúi mình không xa lắm và đang nhìn gà, gà trống hỏi: “Bạn là ai? Có phải bạn vừa hát đó phải không?”
“Dĩ nhiên chính là tôi. Để tôi và các bạn tôi hát một bài hát cho anh nghe nhé”. Rồi các con thiên nga bắt đầu hát. Chúng hát hay đến độ những con ve sầu cũng trỗi khúc thỏ thẻ phụ họa cho vui.
Khi các con ngỗng ăn xong, chúng tiếp tục cuộc hành trình. Chúng đã bay đi rất xa và đến một khu rừng to lớn. Gà trống đã say sưa với đủ thứ tiếng chim hót trong rừng mà nó chưa từng nghe bao giờ. Âm thanh róc rách êm đềm kia là gì vậy? Gà tò mò tìm đến nơi, đó là tiếng suối reo và thác đổ. Những âm thanh rõ ràng và thanh bạch vang dội từ ngọn thác trong rừng. Thật là tuyệt diệu. Hòa vào đó là âm thanh nhẹ nhàng xào xạc từ những cơn gió đùa giỡn reo vui xuyên qua cây lá của núi rừng.
Gà trống đã bị mê hoặc đến nỗi không muốn rời đi, nhưng các con ngỗng thúc giục nó tiếp tục cuộc hành trình cùng với họ. Khi chúng bay đến bên bờ biển, gà trống thật kinh ngạc bởi âm thanh dạt dào của muôn trùng sóng biển. Rồi nó nhìn thấy những con hải cẩu tự do vui đùa gọi nhau vang lên cả bầu trời. Những con ngỗng hoang đã hát cùng chúng thật vui vẻ. Những âm thanh trong trẻo của chúng bay vút lên trời cao. Gà trống nhận ra rằng lời hát của những con ngỗng thật hay.
Trong suốt cuộc hành trình, gà trống đã được nghe đủ loại âm thanh của thiên nhiên. Khi nó quay trở lại ngôi nhà của mình, nó không bao giờ còn dám tự cao tự đại nữa.
Mẩu chuyện 3: Ổ khóa và chìa khóa
Có một ổ khóa lớn chắc chắn trên cánh cửa, một thanh sắt dùng hết sức để bẩy kéo ổ khóa ra khỏi đó nhưng không cách nào mở được nó. Lúc đó, chìa khóa liền đến, mặc dù nhìn chìa khóa rất mảnh mai, nhưng nó chỉ cần xoay xoay nhẹ là ổ khóa bật mở tung ra. Thanh sắt thấy rất kỳ lạ bèn hỏi: “Vì sao tôi phí công tốn sức đến thế mà khóa không mở, trong khi anh chỉ xoay xoay nhẹ vài cái là ổ khóa lại mở tung ra?”
Chìa khóa đáp lại: “Bởi vì tôi là người hiểu được trái tim của ổ khóa nhất”.
Mẩu chuyện 4: Con heo!
Một người đàn ông lái xe trên đường núi, đúng lúc đang nhàn nhã thưởng thức phong cảnh mỹ lệ, thì đột nhiên nghe thấy người lái xe tải đi ở phía đối diện mở cửa kính xuống và hô to lên: “Heo!”. Người này càng nghĩ càng tức giận, liền hạ cửa sổ xuống và mắng to: “Anh mới là heo!” Vừa mới mắng người xong, ông ta quay đầu lại thấy mình đang đâm thẳng vào một bầy heo đang chạy qua đường.
*Không nên hiểu lầm ý tốt của người khác, nếu không sẽ khiến bạn mất mát. Khi mà chưa rõ điều gì, trước hết hãy học cách kiềm chế cảm xúc, quan sát tình hình, để sau này tránh khỏi hối hận.
Mẩu chuyện 5: Chuột sa hũ gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Mẩu chuyện 6: Nhân duyên vợ chồng
Năm đó, anh đang ngồi đợi bạn trong quán cà phê. Một người con gái bước đến hỏi: “Anh có phải là người mà dì Vương giới thiệu đến để xem mắt hay không?”.
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô một cái, bất chợt phát hiện đây chính là mẫu người mình thích, lòng nghĩ thầm sao không “lỡ nhầm rồi đã nhầm cho trót luôn”, thế là vội vàng đáp: “Đúng vậy, mời ngồi”.
Ngày kết hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, người vợ cười cười một cái, nói: “Em cũng không phải là đến xem mắt, chỉ là mượn cớ để bắt chuyện với anh thôi…”
Mẩu chuyện 7: Ngọn nến của gia đình nghèo
Một cô gái độc thân vừa mới chuyển nhà, cô phát hiện ra nhà bên cạnh là một gia đình nghèo gồm một người mẹ góa và 2 đứa con. Vào một tối nọ, khu nhà đột nhiên mất điện, cô đành thắp nến lên để chiếu sáng. Một lúc sau, bỗng cô nghe thấy có người gõ cửa.
Thì ra là đứa trẻ nhà bên, cậu bé hỏi cô với một giọng khẩn trương: “Cô ơi, cho cháu hỏi nhà cô có nến không ạ?”. Cô nghĩ thầm: “Nhà họ nghèo đến mức cả nến cũng không có cơ à? Nhất định không cho họ mượn để tránh bị họ dựa dẫm”.
Thế là cô nói lớn tiếng với cậu bé: “Không có!”. Ngay khi cô chuẩn bị đóng cửa thì đứa bé nghèo ấy tươi cười đầy quan tâm và nói: “Cháu biết ngay là nhà cô không có mà!”
Nói xong, cậu bé lấy 2 cây nến ra và nói: “Mẹ và cháu sợ cô sống một mình không có nến nên cháu mang 2 cây tặng cho cô ạ”. Lúc này cô gái cảm thấy rất xấu hổ và tự trách mình sao quá ích kỷ cũng như cảm động đến rơi nước mắt, ôm chặt cậu bé vào lòng.
Mẩu chuyện 8: Hoa khôi của lớp
Trong lớp bỏ phiếu bầu ra hoa khôi của lớp, bạn Mai dù có gương mặt rất bình thường nhưng cũng đăng ký. Mọi người tranh luận sôi nổi, cười bạn này ảo tưởng.
Đến ngày bầu chọn, bạn Mai lên phát biểu, nói: “Nếu mình mà trúng cử, vài năm sau, các bạn nữ có thể tự hào nói với chồng mình rằng, thời đại học em đẹp hơn cả hoa khôi của lớp! Các bạn nam thì có thể nói với vợ mình rằng, em đẹp hơn cả hoa khôi lớp anh.”
Kết quả là bạn Mai đã chiến thắng.
*Để thuyết phục người khác ủng hộ, bạn không nhất định phải chứng minh mình ưu tú hơn người khác, mà phải khiến họ cảm thấy bởi vì có bạn nên họ mới trở nên ưu tú hơn, có cảm giác thành tựu hơn.
Mẩu chuyện 9: Càng nắm giữ, càng mệt mỏi – Buông bỏ lòng nhẹ nhõm
Một ông cụ nói với con trai của ông rằng: “Con hãy nắm chặt tay lại và nói cho cha biết cảm giác của con là gì?”. Người con nắm chặt tay rồi nói: “Con cảm thấy hơi mệt ạ!”. Ông cụ tiếp tục: “Con hãy thử nắm mạnh hơn nữa!”. Người con trả lời: “Con thấy mệt hơn ạ! Có hơi tức thở ạ!”
Ông cụ lại nói: “Vậy con hãy buông ra đi!”. Người con thở dài một hơi: “Con thấy thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”. Ông cụ: “Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt thì sẽ càng mệt, thả lỏng nó ra thì sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều!”
Mẩu chuyện 10: Đại Đạo là chí giản chí dị!
Một hành giả hỏi lão hòa thượng: “Trước khi đắc Đạo, ngài làm gì? 〞
Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả hỏi: “Vậy đắc Đạo rồi thì sao?”
Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.
Hành giả lại hỏi: “Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa đắc Đạo?”
Lão hòa thượng: “Trước khi đắc Đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm; đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm”.
Bạch Vân (Sưu tầm)
Xem thêm:
Từ khóa Bài học cuộc sống Ý nghĩa nhân sinh Suy ngẫm triết lý nhân sinh Ý nghĩa cuộc sống