12 điều bạn có thể không biết xung quanh Lễ Tạ Ơn của Mỹ
Lễ Tạ Ơn bắt nguồn từ bữa tiệc ăn mừng vụ mùa bội thu của người hành hương tị nạn tôn giáo Anh tại Plymouth, Massachusetts, Mỹ để tỏ lòng biết ơn. Nhưng có nhiều điều thú vị xoay quanh ngày lễ này thì không phải ai cũng biết, ví dụ như việc Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR) cố gắng thay đổi ngày lễ này, và nó gây ra rất nhiều vấn đề và tạo nên một cuộc ‘khủng hoảng Franksgiving vào cuối những năm 1930.
Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một ngày lễ truyền thống chủ yếu của Hoa Kỳ và Canada, ngày để các thành viên trong gia đình sum họp cùng thưởng thức một bữa tối đầm ấm, và tất nhiên, món ăn không thể thiếu trong ngày này là một chú gà tây được chế biến thơm ngon. Hàng năm, Lễ Tạ Ơn được tổ chức vào ngày thứ Năm thứ tư của tháng 11.
1. Thomas Jefferson đã hủy bỏ Lễ Tạ Ơn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình
Theo tờ The Washington Post, George Washington (tổng thống thứ nhất của Hoa Kỳ) là người đầu tiên tuyên bố Lễ Tạ Ơn, nhưng mỗi năm, các vị tổng thống phải tuyên bố lại ngày này. Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ) đã rất cương quyết phản đối Lễ Tạ Ơn, bởi vậy ông đã từ chối tuyên bố một kỳ nghỉ lễ dành cho ngày này trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhiều người nói rằng ông đã gọi kỳ nghỉ này là “ý tưởng vô lý nhất từng được hình thành”.
Hầu hết các sử gia đều đồng ý rằng lý do Jefferson từ chối tuyên bố kỳ nghỉ là vì ông sốt sắng tin vào sự tách rời mối quan hệ giữa nhà thờ và nhà nước, ông cho rằng ngày “cầu nguyện” này đã vi phạm Tu chánh án thứ nhất.
Mãi đến năm 1863, khi Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ) tuyên bố Lễ Tạ Ơn là một trong những kỳ nghỉ cấp liên bang, nó mới chính thức được lên kế hoạch là sẽ được tổ chức vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư của tháng 11 hàng năm.
>> Những thống kê thú vị nhất xung quanh ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ
2. Diễu hành Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của tập đoàn Macy sử dụng động vật sống của Sở thú Trung tâm
Cuộc diễu hành Lễ Tạ Ơn đầu tiên do tập đoàn Macy tổ chức đã diễn ra tại New York vào năm 1914, khi nhân viên của Macy mặc trang phục sôi động và đi bộ tới cửa hàng đầu trên phố 34. Cuộc diễu hành sử dụng những chiếc phao thay vì các khinh khí cầu, và nó có sự tham dự của khỉ, gấu, lạc đà và voi, tất cả đều được mượn từ Sở thú Trung tâm.
Cuộc diễu hành này ban đầu được gọi là cuộc Diễu hành Giáng sinh của Macy (Macy’s Christmas Parade) nhưng được đổi tên thành Cuộc diễu hành Ngày Lễ Tạ Ơn của Macy vào năm 1927.
Khung cảnh Lễ Tạ Ơn năm 2014.
Ban đầu, Macy hy vọng “lễ diễu hành Giáng sinh” sẽ khiến cho những người mua hàng của họ sẽ thỏa sức mua sắm lớn trong ngày lễ.
3. Có ba nơi ở Mỹ có tên Turkey (Gà tây)
Theo Tổng Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Ba thị trấn nhỏ ở Mỹ được đặt tên theo loài chim được yêu thích của đất nước này có tên gà tây (Turkey) là: Turkey ở Texas; Turkey ở North Carolina; và Turkey ở ouisiana; trong đó Turkey ở Texas là thị trấn có dân số đông nhất với 421 cư dân. Còn có hai thị trấn ở Pennsylvania được gọi là Upper Turkeyfoot và Lower Turkeyfoot.
>> Người dân tại 21 quốc gia trên toàn thế giới ăn gì trong đêm Giao thừa? (P.2)
4. Bài hát “Jingle Bells” ban đầu là một bài hát Tạ Ơn
James Pierpoint đã sáng tác bài hát này vào năm 1857 dành cho trẻ em để hát chào mừng Lễ Tạ Ơn với tiêu đề là “One Horse Open Sleigh”, và sau đó nó nhanh chóng lan tỏa và vô cùng nổi tiếng. Bài hát được cất lên vào mỗi dịp Giáng sinh. Hai năm sau, năm 1859, tiêu đề chính thức của bài hát được thay đổi thành “Jingel Bells”.
5. Ben Franklin muốn gà tây là con vật biểu tượng của nước Mỹ
Nhà khai quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin nghĩ gà tây quen thuộc với người Mỹ còn nhiều hơn đại bàng. Ông đã viết một lá thư cho con gái mình nói rằng: “Cha ước con đại bàng không được chọn làm đại diện của đất nước chúng ta, đó là một con chim có nhân cách xấu”. Franklin nghĩ gà tây là một “con chim đáng kính hơn nhiều”.
6. Đội bóng bầu dục Detroit Lions luôn chơi vào Lễ Tạ Ơn
Bóng bầu dục là một truyền thống ăn sâu vào kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn, nhiều người cho rằng cũng như gà tây, môn thể thao này là điều không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng này.
Giải Bóng bầu dục Quốc gia của Mỹ (viết tắt NFL) đầu tiên diễn ra vào ngày Lễ Tạ Ơn là vào năm 1934, khi đó diễn ra trận thi đấu giữa Detroit Lions và Chicago Bears. Theo The Pro Football Hall of Fame, “những chú sư tử” này đã luôn chơi bóng vào Lễ Tạ Ơn kể từ đó, trừ lần đội được gọi đi phục vụ trong Thế chiến II.
Đội bóng The Dallas Cowboys cũng luôn chơi vào Lễ Tạ Ơn. Trận đầu vào ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của họ được tổ chức vào năm 1966, và kể từ đó đến nay những “kẻ cao bồi” chỉ bỏ lỡ hai trận đấu trong ngày này.
7. Đồn điền Plymouth ở Massachusetts vẫn phần nào giữ được nguyên bản của nó từ thế kỷ 17
Đồn điền Plymouth là một bảo tàng sống và là một trong số ít nơi ở thế giới hiện đại mang lại cảm giác chân thực về cuộc sống thời Plymouth được thành lập vào thế kỷ 17 dưới sự cai trị của thực dân Anh. Nơi đây vẫn còn giữ gìn những câu chuyện lịch sử đan xen của người Mỹ bản địa (thổ dân Châu Mỹ) và người thực dân Anh. Bảo tàng được nhà khảo cổ học Henry Hornblower II khai quật năm 1947, và nơi đây cung cấp một bữa tiệc đặc biệt cho du khách nhân dịp Lễ Tạ Ơn.
8. Đêm trước Lễ Tạ Ơn được đánh giá là ngày tốt nhất cho việc bán hàng ở Mỹ
Thứ Tư trước Lễ Tạ Ơn là một ngày tuyệt vời dành cho việc bán hàng ở Mỹ. Điều này lý giải bởi lẽ gần như mọi người Mỹ đều được nghỉ vào ngày này, và mọi người trong gia đình có thể nhân cơ hội này để bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau và hài hòa các mối quan hệ trong gia đình.
>> [Video] Donald Trump kêu gọi hàn gắn đất nước trong Lễ Tạ Ơn
9. Tiệc Lễ Tạ Ơn đã truyền cảm hứng cho đồ ăn nguội tiện lợi TV-dinner
Theo tạp chí Smithsonian, năm 1953, công ty TV-dinner Swanson ước tính quá cao nhu cầu về gà tây, số gà tây bị thừa lại sau ngày lễ lên tới trên 260 tấn. Các chủ sở hữu của công ty không có ý tưởng làm gì với số gà tây ế, vì vậy họ nhờ sự giúp đỡ của nhân viên bán hàng của công ty là Gerry Thomas. Lấy cảm hứng từ các bữa ăn trên máy bay, Thomas đã đặt hàng 5.000 khay nhôm và cho toàn bộ số thịt gà thừa còn lại để tạo ra nhưng xuất ăn TV-dinner (ngụ ý là vừa ăn vừa thành thơi xem TV thư giãn) đầu tiên.
10. Tổng thống Franklin D. Roosevelt (FDR) cố gắng thay đổi ngày Lễ Tạ Ơn – và nó gây ra rất nhiều vấn đề
Theo Văn phòng Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, năm 1939, Franklin Roosevelt đã đổi ngày Lễ Tạ Ơn từ thứ Năm cuối cùng của tháng 11 sang thứ Năm thứ hai của tháng. Sự thay đổi này được thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong cuộc Đại suy thoái, với ý tưởng là nó sẽ cho phép mọi người có nhiều thời gian hơn để mua sắm trong dịp Giáng sinh.
Nhưng nó đã khiến mọi người bối rối. Theo tờ Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal), hầu hết các bang đều tổ chức Lễ Tạ Ơn vào đúng ngày ban đầu, và ba bang – Colorado, Mississippi, Texas – đã tổ chức lễ nghỉ lễ trong cả hai tuần. Nó đã gây ra một một sự la ó và phản đối kịch liệt trong dân chúng, mọi người mỉa mai rằng đó là ngày “Franksgiving”. Sau hai năm, Quốc hội bỏ chính sách mới và quy định thứ Năm thứ tư của tháng 11 là ngày nghỉ hợp pháp.
11. Minnesota sản xuất gà tây nhiều nhất nước Mỹ
Minnesota sản xuất nhiều gà tây hơn bất kỳ tiểu bang nào khác ở Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2016, toàn tiểu bang có khoảng 44,5 triệu con gà tây. Tiếp sau đó, Bắc Carolina, Arkansas, Indiana và Missouri cũng là những nơi sản xuất gà tây hàng đầu.
12. Có một truyền thống hàng năm đó là cung cấp một con gà tây để tổng thống Mỹ đương nhiệm thả nó ra như một sự đặc xá – và không ai thực sự chắc chắn rằng nghi lễ này được bắt đầu từ khi nào.
Nhà Trắng có truyền thống thả một con gà tây may mắn mỗi năm. Có rất nhiều lời giải thích về lịch sử của nghi lễ này. Một trong những giải thiết được đưa ra cho rằng truyền thống hàng năm này bắt đầu vào năm 1947 dưới thời Tổng thống Harry Truman. Nhưng một số người nghĩ rằng nó thực sự bắt đầu trong những năm 1860 với tổng thống Abraham Lincoln, sau khi con trai của ông là Tad xin cha để con gà tây làm thú cưng của anh, thoát khỏi số phận phải trở thành một món ăn trên bữa tiệc vào ngày Lễ Tạ Ơn.
Theo Business Insider
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa Thả gà tây Thanksgiving Hoa Kỳ nước Mỹ Lễ Tạ Ơn Thomas Jefferson