13 điều những ông bố bà mẹ mạnh mẽ không làm với con của họ
Việc nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần và trang bị cho chúng đầy đủ hành trang để bước vào đời với đầy rẫy thách thức đòi hỏi các bậc phụ huynh phải từ bỏ lối giáo dục con cái không lành mạnh – vốn rất phổ biến hiện nay. Chính những lối dạy con không phù hợp ấy đang cướp đi sức mạnh tinh thần của chúng.
Tất nhiên, giúp trẻ phát triển các “cơ bắp tinh thần” không phải là chuyện dễ dàng – nó đòi hỏi cha mẹ cũng phải mạnh mẽ về tinh thần mới được. Chứng kiến con trẻ đối mặt với các khó khăn, để chúng đối diện với sợ hãi và bắt chúng chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình quả là chẳng dễ chịu gì. Nhưng đấy lại chính là loại trải nghiệm mà trẻ cần phải có nếu muốn phát huy được hết tiềm năng to lớn của mình.
Những bậc cha mẹ nào muốn huấn luyện trí lực cho con cái mình vì một cuộc sống ý nghĩa, hạnh phúc và thành công, xin hãy ghi nhớ 13 điều sau đây:
1. Những bậc cha mẹ mạnh mẽ không chấp nhận tâm lý thất bại của con
Bị loại khỏi đội bóng của trường hay chậm tiếp thu một môn học nào đó không khiến con bạn trở thành một kẻ thua cuộc. Bị từ chối, thất bại, và sự không công bằng là một phần của cuộc sống. Thay vì để trẻ gặm nhấm sự đau khổ hay phóng đại sự thiếu may mắn của chúng, những phụ huynh mạnh mẽ động viên con em họ biến khó khăn thành sức mạnh. Họ giúp chúng tìm ra cách để phản ứng lại một cách tích cực trước mọi hoàn cảnh.
2. Họ không để cảm giác áy náy chi phối
Cảm giác áy náy tội lỗi có thể dẫn bạn đến với một danh sách dài những chiến lược dạy con không lành mạnh – như nhượng bộ lũ trẻ sau khi bạn đã nói “Không”, hay quá nuông chiều chúng trong các kỳ nghỉ. Bố mẹ mạnh mẽ hiểu rằng mặc dù cảm giác áy náy ấy chẳng dễ chịu chút nào, nhưng nó là có thể tha thứ được. Họ không chấp nhận để cảm giác khó chịu ấy ngăn trở việc đưa ra những lựa chọn hợp lý và khôn ngoan.
3. Họ không biến con em mình thành trung tâm của vũ trụ
Cuộc sống của nhiều ông bố bà mẹ xoay quanh con cái họ, và bản thân họ thích điều ấy. Nhưng những đứa trẻ nghĩ rằng chúng là “trung tâm của vũ trụ” sẽ lớn lên mà chỉ biết đến mình, chỉ biết hưởng thụ và tự cho mình được quyền làm thế này thế khác. Những ông bố bà mẹ có ý chí mạnh mẽ dạy con họ tập trung vào điều chúng tạo ra cho thế giới – hơn là thứ mà chúng đang sở hữu.
4. Họ không cho phép sợ hãi đưa ra quyết định
Giữ con bạn trong một chiếc “bong bóng bảo vệ” có thể giúp bạn an tâm hơn rất nhiều, nhưng làm như thế một cách thái quá sẽ ngáng đường sự phát triển của chúng. Bố mẹ có ý chí mạnh mẽ xem bản thân mình là người dẫn đường, chứ không phải người bảo vệ. Họ cho phép con mình bước ra ngoài thế giới và trải nghiệm cuộc sống, bất chấp nỗi sợ hãi của chính bản thân mình.
5. Họ không trao cho trẻ quá nhiều quyền lực
Những đứa trẻ quyết định gia đình sẽ ăn gì vào bữa tối, hay lên kế hoạch nghỉ ngơi cho cả nhà vào cuối tuần, là những đứa trẻ có quá nhiều quyền lực. Nắm nhiều quyền lực hơn mức bình thường – hay thậm chí trở thành ông/bà chủ – chẳng có gì tốt cho lũ trẻ. Bố mẹ mạnh mẽ cho con trẻ quyền được lựa chọn nhưng vẫn phải duy trì tôn ti trật tự.
6. Họ không mong chờ sự hoàn hảo
Kỳ vọng cao là tốt, nhưng kỳ vọng quá cao từ lũ trẻ sẽ phản tác dụng. Bố mẹ có tinh thần mạnh mẽ hiểu rằng con em mình không thể “mười phân vẹn mười”. Thay vì thúc ép đứa bé phải giỏi hơn tất cả mọi người, họ tập trung giúp đỡ chúng trở thành phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình.
7. Họ không để con trẻ trốn tránh trách nhiệm
Bạn sẽ không thấy những ông bố bà mẹ có tinh thần mạnh mẽ nói những câu như: “Tôi không muốn con mình phải làm việc nhà. Trẻ em nên là trẻ em thôi”. Họ mong muốn con trẻ biết giúp đỡ bố mẹ và học được những kỹ năng cần thiết để trở thành một công dân có trách nhiệm. Họ chủ động dạy trẻ chịu trách nhiệm cho lựa chọn của chúng và giao cho chúng những công việc phù hợp với độ tuổi.
8. Họ không che chở con trẻ khỏi nỗi đau
Thật khó khăn khi phải chứng kiến con mình vật lộn với cảm giác đau đớn hay lo lắng. Nhưng trẻ em cần phải rèn luyện và trực tiếp trải nghiệm hay chịu đựng sự khó chịu. Bố mẹ mạnh mẽ hỗ trợ con trẻ và giúp chúng đương đầu với đau đớn để chúng có thêm tự tin rằng chúng có để khả năng giải quyết bất kể khó khăn gì trong cuộc sống theo cách của mình.
9. Họ không cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của đứa trẻ
Chúng ta hay có cảm giác giục giã phải làm cho đứa trẻ vui lên khi chúng đang buồn bã hay giúp chúng bình tĩnh lại khi chúng đang giận dữ. Nhưng không, điều chỉnh cảm xúc của trẻ sẽ ngăn chúng học được những kỹ năng xã hội và kỹ năng không chế tình cảm. Bố mẹ mạnh mẽ dạy trẻ cách chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình để chúng không phải phụ thuộc vào người khác làm thay chúng điều đó.
10. Họ không ngăn con mình phạm sai lầm
Đứa trẻ có thể làm sai vài câu trong bài tập về nhà hoặc quên mang giày khi đi tập đá bóng, và như thế không sao cả, sai lầm có thể là vị giáo viên tốt nhất trong cuộc sống. Bố mẹ ý chí mạnh mẽ để con em mình làm sai – và rồi để chúng đối mặt với hậu quả tự nhiên của những sai lầm đó.
11. Họ không nhầm lẫn giữa kỷ luật và sự trừng phạt
Trừng phạt là khiến cho con trẻ phải chịu đựng cho những sai lầm của chúng. Còn kỷ luật là dạy chúng làm sao để làm tốt hơn trong tương lai. Và khi những ông bố bà mẹ có tinh thần mạnh mẽ cho chúng biết hậu quả, thì mục đích chính của họ là dạy lũ trẻ nghiêm khắc với bản thân mình, vốn là đức tính cần thiết để đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.
12. Họ không đi đường tắt để trốn tránh sự không thoải mái
Nhượng bộ khi một đứa trẻ khóc lóc hay làm việc nhà thay cho chúng là cách nhanh và dễ dàng nhất. Nhưng cách đi đường tắt kiểu này dạy lũ trẻ những thói quen xấu. Phải cần đến một ý chí mạnh mẽ để chịu đựng sự không thoải mái và tránh được cám dỗ của những con đường tắt đó.
13. Họ không đánh mất giá trị của bản thân mình
Trong một thế giới có nhịp độ nhanh tới chóng mặt như hiện nay, bạn rất dễ bị cuốn vào việc nước, việc nhà, hay các hoạt động xã hội hết ngày này qua ngày khác. Thời gian biểu bận rộn này – cộng với áp lực phải làm ra vẻ “ông bố bà mẹ của năm” trên các phương tiện truyền thông xã hội – khiến nhiều người quên mất điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống của họ. Nhưng ông bố bà mẹ có ý chí mạnh mẽ hiểu rõ các giá trị mà họ đang theo đuổi và đảm bảo cho gia đình mình sống đúng với các giá trị đó.
Tác giả: Nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng Amy Morin
Theo Forbes
Quốc Hùng biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Bí quyết dạy con Dạy con Làm cha mẹ Giáo dục con Giáo dục con cái nuôi dạy trẻ