Mỗi người là một cá thể riêng biệt, có những tính cách và giá trị quan khác nhau. Vì vậy, hai người có thể chung sống một cách dung hòa kỳ thực không phải là chuyện dễ dàng. Nếu hiểu được 3 quy tắc đơn giản dưới đây thì sẽ được chào đón và duy trì tốt các mối quan hệ lâu dài.

Quy tắc cơ bản trong giao tiếp
(Ảnh: Shutterstock)

1. Không nói năng tùy tiện

Nhà văn Nhật Bản Hagiwara từng nói: “Bí quyết trong giao tiếp giữa người với người, không phải là hoàn toàn không nói sự thật, mà là ngay cả khi nói sự thật cũng không làm đối phương cảm thấy tức giận.”

Đối với người không thân thiết lắm, chúng ta thường chú ý đến từng chi tiết nhỏ để giữ gìn mối quan hệ. Tuy nhiên, với những người thân thiết, ta thường nói năng tùy tiện, thậm chí động chạm đến lòng tự trọng của đối phương mà không tự biết, kết quả làm ảnh hưởng đến tình cảm  giao hảo giữa đôi bên.

Linh và Phương cùng làm chung một công ty, tuổi gần bằng nhau, đều là người ngoại tỉnh, nên thân thiết với nhau và phối hợp tốt trong công việc. Lúc đầu, hai người thường đi ăn tối cùng nhau. Sau này, Linh cảm thấy tự nấu cơm sẽ tiết kiệm được tiền mà lại sạch sẽ, nên không đi ăn tối cùng Phương nữa.

Một buổi tối cuối tuần, trên đường đi làm về, Linh cho Phương xem mấy tấm hình đồ ăn mình nấu và những lời khen ngợi của bạn bè. Phương khen kỹ năng nấu ăn của Linh thật là tốt. Tuy nhiên, Linh bất ngờ nói: “Bạn lười quá, đi làm về là chỉ biết ở trong nhà.”

Câu nói này lập tức khiến Phương bị tổn thương. Sau giờ làm, không phải cô lười mà là vì muốn dành thời gian cho việc khác cần thiết hơn. Linh vì không hiểu nên buông lời khiến Phương bối rối.

Trong cuộc sống, nhiều người có thể sẽ mắc lỗi tương tự như trên, cho rằng quá thân thiết nên cái gì mình cũng hiểu, cũng biết cả rồi, từ đó nói năng tùy tiện động chạm đến người khác.

Kỳ thực, ai cũng có thiếu sót và khuyết điểm, cũng không muốn người khác nói động đến, càng không hy vọng bị hạ thấp bản thân và bị phủ nhận. 

2. Người không thích làm phiền người khác, cũng không thích bị làm phiền

Trong cuộc sống, bên cạnh bạn có kiểu người này không? Họ làm bất cứ việc gì cũng đều khá độc lập, cũng không dễ dàng làm phiền người khác. Họ rất ít khi chủ động nhờ vả ai, trừ khi bản thân không thể làm được mới mở miệng yêu cầu giúp đỡ. 

Có người sẽ cảm thấy kiểu người này độc lập, mạnh mẽ, không có bạn thân. Cũng có người cho rằng kiểu người này lạnh lùng, kiêu ngạo, không hòa đồng. 

Một người bạn trên mạng từng có thắc mắc: “Một người không thích làm phiền người khác cũng ghét người khác làm phiền mình, là loại tâm lý thế nào?”

Có một câu trả lời rất có lý thế này: “Không hẳn là vì sợ người làm khác làm phiền mình, mà là phản cảm với kiểu có thể không nhất thiết phải nhờ vả nhưng lại cứ làm phiền người khác.”

Người này cũng cho biết mình là kiểu người “không thích làm phiền người khác”. Nói rằng trong cuộc sống, cho dù bản thân có phó xuất nhiều thời gian và sức lực tới đâu, cũng cố gắng không làm phiền người khác. 

Ví dụ khi gặp vấn đề, trước tiên người này sẽ tự mình nghĩ cách giải quyết, trừ khi không có cách nào hoặc không thể tự mình giải quyết thì mới xin người khác giúp đỡ.

Kỳ thực, không thích làm phiền người khác, không phải là máu lạnh, mà là hiểu được đạo lý trong việc duy trì khoảng cách giữa người với người, bởi vì đôi khi cái giá phải trả cho ân huệ được nhận là quá lớn.

Họ cũng hiểu rằng mỗi người đều có cuộc sống của mình, đều không có nghĩa vụ đem thời gian quý báu của mình dành cho người khác một cách vô điều kiện. 

Tuy nhiên, cũng có những người thích làm phiền người khác mà không cảm thấy bản thân mình mang lại phiền phức cho người ta. 

Ví dụ, không phải là bạn thích tạo mẫu sao, chỉnh sửa hộ tôi kiểu tóc đi? Không phải bạn học giỏi sao, giúp tôi viết bài tổng kết cuối năm đi? 

Mối quan hệ chân chính là cùng giúp đỡ lẫn nhau để duy trì chứ không phải làm phiền lẫn nhau.

Vậy nên những người không thích làm phiền người khác là đứng trên góc độ của người khác để suy nghĩ vấn đề, hiểu được những chuyện có thể tự giải quyết thì không cần nhờ đến người khác, đây là một kiểu quan tâm, một kiểu lương thiện. 

3. Nguyên tắc “có đi có lại”

Quy tắc cơ bản trong giao tiếp
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên tắc có đi có lại chính là trong các mối quan hệ, khi người khác tốt với chúng ta, chúng ta cần kịp thời báo đáp đối phương.

Sau thời gian về quê ăn Tết, nhóm bạn bè lâu rồi không gặp đã hẹn cùng nhau đi ăn để họp lớp. Hoàng là người có điều kiện hơn cả nên ngỏ ý muốn mời mọi người, khi đó cũng không ai phản đối gì. 

Sau khi ăn xong, Hoàng đứng dậy tính tiền, những người khác cũng không ngăn cản. Duy chỉ có Tuấn đứng dậy nói: “Mọi người đều là bạn cùng lớp, hay là mỗi người góp một chút nhé.”

Hoàng khăng khăng muốn tự mình tính tiền, còn nói sau này mọi người có thể luân phiên mời, như thế mới có thể gặp mặt nhiều. Vậy nên cũng không ai giành thanh toán với Hoàng nữa.

Tuy nhiên, sau khi đi về, Tuấn bàn với cả nhóm, mỗi người góp một chút chuyển khoản cho Hoàng. Có người nói, như thế liệu có làm Hoàng nghĩ mọi người không coi cậu ấy là bạn không?

Tuy nhiên Tuấn kiên quyết nói, chính bởi vì xem cậu ấy là bạn, nên chúng ta mới không thể để cậu ấy trả tiền một mình.

Họ bàn tán rất lâu, cuối cùng mỗi người quyết định gửi cho Hoàng một bao lì xì. 

Tuấn nói nếu Hoàng không nhận lì xì, thì mỗi người gửi một chút đồ qua bưu điện cho Hoàng. Ai tiết kiệm tiền cũng không dễ dàng, cho dù là bạn bè thân thiết, càng không nên để Hoàng bỏ tiền một mình.

Cách hành xử của Tuấn ở câu chuyện trên là rất đáng khen. 

Tình cảm cũng cần tích trữ, tích càng nhiều mới có thể thu được nhiều

Cho đi là một niềm hạnh phúc, càng là một sự hàm ơn
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những người luôn mời người khác đi ăn, không nhất định là có nhiều tiền, chỉ là không muốn đối phương phải trả nhiều tiền.

Những người luôn chào đón bạn ân cần, cũng chưa chắc bởi vì họ nhàn nhã, mà chỉ là họ xem trọng mối quan hệ với bạn.

Trong mối quan hệ giữa người với người, điều quan trọng nhất chính là “cái tâm”.

Người với người vĩnh viễn là tương hỗ qua lại với nhau, muốn được thứ gì, thì phải phó xuất trước cái đó. Quan tâm phó xuất và hồi báo lẫn nhau mới có thể nảy sinh tình cảm trong các mối quan hệ.

Ngày càng trưởng thành, chúng ta càng hiểu rõ rằng kỳ thực, điều then chốt giữa người với người không nằm ở việc chúng ta nguyện dùng mọi cách để đối đãi với người khác, mà là hiểu được cách mà đối phương muốn được đối đãi ra sao. Vì vậy, người hiểu cách cho đi, mới có thể có được những mối quan hệ duy trì lâu dài và bền vững.

Ngọc Trân biên tập (theo aboluowang)

Xem thêm: