Tiến sĩ Hendrie Weisinger và tiến sĩ Jack Schafer, những người dành nhiều năm cuộc đời nghiên cứu về tâm lý học, đã quan sát được ít nhất 4 “giải pháp áp lực” mà Tổng thống Trump vô tình hoặc cố ý sử dụng để có thể đương đầu với những căng thẳng triền miên.

Tiến sĩ Hendrie Weisinger – tác giả cuốn sách Performing under pressure (Tạm dịch: Làm việc dưới áp lực) đã từng nhận định: “Rõ ràng Tổng thống Donald Trump phù hợp với vị trí chủ chốt của Tòa Bạch Ốc, kế thừa người tiền nhiệm Obama hơn là thay thế huyền thoại Tom Brady [1] vào vai trò thủ quân của đội bóng bầu dục New England Patriots. Nhưng nếu như Trump đầu quân tại thị trấn Foxborough [2], tôi dám cá rằng ông ấy cũng sẽ không hề bị nghẹt thở trong các trận cầu quyết định. Tôi có thể tự tin nói điều này vì đã theo dõi biểu hiện của Ngài Donald Trump qua hai cuộc tranh cử đầu tiên của Đảng Cộng Hòa. Ông ấy hoàn toàn có tư chất mang về danh hiệu quán quân nếu tham dự giải đấu Super Bowl [3] (Tạm dịch: Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ). Cũng như Brady, Trump biết cách xua tan áp lực và thậm chí còn thông minh hơn, ông ấy biết “chơi đùa” với áp lực, đúng như cái tên của mình [4].”

4F4DADB8 8148 4F64 8BB7 38079C4467BDImg100 image
Tiến sĩ Hendrie Weisinger – tác giả cuốn sách Performing under pressure (Tạm dịch: Làm việc dưới áp lực)

Tư thế tự tin

Embed from Getty Images

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tư thế của bạn tác động trực tiếp đến não bộ và cách bạn cảm nhận về bản thân. Không như những ứng cử viên khác thường thu người lại và lọt thỏm phía sau bục phát biểu, Tổng thống Trump, với hình ảnh chiếc cà vạt quyền lực màu đỏ quen thuộc, luôn đứng thẳng, gây chú ý bởi sự hiện diện của chính mình, và giang rộng cánh tay bao quát hết người nghe trong khi tỏ rõ quan điểm bản thân. Chính tư thế tự tin đã làm nổi bật “dấu ấn cá nhân” của ông và cho phép ông thể hiện quan điểm một cách quả quyết trong những thời khắc quan trọng.

Theo tiến sĩ Jack Schafer, người ta thích Trump không phải những gì ông nói mà vì cách ông thể hiện lời nói. Dù nói đúng, nói sai hay công bình, Trump đều có lập trường của mình. Trump trả lời các câu hỏi với một sự tự tin dồi dào. Trump không lùi bước trước những đường hướng chính trị bảo thủ. Trump thường đảo ngược các chính sách một cách đột ngột nhưng số lượt thăm dò ý kiến của ông lại tăng vọt. Tại sao vậy? Vì không phải người ta chỉ lắng nghe những gì ông ấy nói, người ta đang “lắng nghe” cách ông nói.

Và thật may mắn, các nhà tâm lý cũng cho biết rằng giải pháp này không chỉ “dành riêng” cho Tổng thống, mỗi chúng ta đều có thể học hỏi. Bạn hoàn toàn có quyền “khoác” lên mình một dáng vẻ tự tin khi thuyết trình, khi thực hiện một cuộc gọi bán hàng hay thậm chí khi đi hẹn hò. Hãy dành một phút để thử các tư thế khác nhau trước gương và quyết định xem dáng vẻ nào khiến bạn cảm thấy tự tin nhất.

Không bận tâm quá nhiều về bản thân

Embed from Getty Images

Có nhiều cách để mô tả ông Trump, tiến sĩ Hendrie Weisinger cho biết, và một trong số đó là cho dù có bao nhiêu người nhìn vào ông ấy đi nữa, ông ấy cũng không hề chú ý về điều đó, ngược lại, ông ấy chỉ đơn giản là không bận tâm. Ông ấy đã thực hành quá nhiều lần kỹ năng “tiêm phòng” cho cảm xúc trước những áp lực mà chúng ta vẫn thường chịu đựng khi đối mặt với sự soi xét của người đời, đặc biệt là khi bạn thường xuyên xuất hiện trên những sân khấu lớn. Và rồi bước qua tất cả, ông ấy đã có những chương trình truyền hình thành công được hàng triệu khán giả đón nhận, ông ấy cũng nhiều lần góp mặt trong những buổi trò chuyện lớn trên tivi, và còn làm khách mời trong nhiều bộ phim – bao gồm một phân cảnh tại khách sạn Plaza trong phần 2 của bộ phim nổi tiếng “Ở nhà một mình”. Tiến sĩ Hendrie Weisinger chia sẻ: “Tình cờ lúc đó tôi cũng có mặt tại khách sạn Plaza và tôi đã va vào Ngài Donald Trump ngay tại sảnh, ông ấy đã rất duyên dáng, ông dành một phút để khen những đứa con “xinh đẹp” của tôi và em gái tôi.” Ông ấy là một người nổi tiếng và rõ ràng ông ấy tận hưởng điều đó, ông đã quen với việc đứng trước máy quay. Do đó, khi sân khấu truyền hình đổi thành sân khấu của những cuộc tranh luận và đối phó với các tay săn ảnh chính trị thì đối với ông ấy, đó là một khoảnh khắc vui vẻ hơn là một khoảnh khắc áp lực.

Mặt khác, hầu hết mọi người chúng ta đều có ý thức rất cao về bản thân khi phải đối diện trước đám đông, và thế là đầu óc chúng ta liên tục sinh ra những dòng suy nghĩ như: “Trông tôi như thế nào?” “Khán giả có thích tôi không?” Chính những lo lắng này đã khiến bạn phân tâm và không thể nào tập trung hoàn thành nhiệm vụ trước mắt. Kết quả dẫn đến những sai lầm ngớ ngẩn, chẳng hạn đột nhiên bạn quên mất một thông tin cần nhớ lại hay mắc lỗi với những việc mà bạn đã thực hiện hàng ngàn lần, đơn giản như lấy một cốc nước.

Lần tới nếu có buổi thuyết trình hay phỏng vấn, bạn hãy thử thực hành trước mặt người khác hoặc ít nhất là tự quay video lại xem. Trên thực tế, chiến lược này có thể giúp bạn “tự miễn dịch” với những bận tâm vô ích về hình ảnh của bản thân trong mắt người khác, chính những suy nghĩ quá mức này sẽ thường xuyên kéo bạn vào các áp lực vô hình. Hãy học hỏi Tổng thống Trump – vui thích khi được đứng trước máy quay, và chẳng bao lâu bạn sẽ thấy việc đối mặt trước đám đông cũng rất thú vị, đồng thời đó là cơ hội để bạn cải thiện bản thân, rồi bạn cũng sẽ học được cách “chơi đùa” với áp lực.

Không sợ hãi hay nghĩ đến hậu quả tiêu cực

Embed from Getty Images

Nhiều người thường biểu hiện rất tệ khi gặp áp lực vì họ cứ mãi lo sợ một màn trình diễn kém sẽ đưa đến hậu quả thảm hại. Quả đúng như vậy, thực tế là trong những hoàn cảnh vốn đã áp lực, bạn lại đưa thêm nỗi sợ hãi của bản thân vào sẽ khiến sự lo lắng của bạn tăng cao và những suy nghĩ bất an cứ thế tràn ngập trong tâm trí khiến bạn khó có thể tập trung vào thực tại. Bạn không còn chú ý vào nhiệm vụ trước mắt mà lại đi lo lắng về những viễn cảnh tương lai mà bạn không hề chắc chắn có xảy ra hay không. Dĩ nhiên, việc này ngăn không cho bạn có được những biểu hiện tốt nhất.

Các nhà nghiên cứu đã nhận ra, trái tim này của con người rất dễ hoảng sợ. Điều gì sẽ xảy đến nếu lúc đó Trump thất bại trong việc giành một phiếu đề cử của Đảng Cộng Hòa? Nếu thật sự là vậy, ông ấy lại trở về làm “Ngài Donald” như trước đây thôi. Trên thực tế, đối với ông ấy cũng chẳng có gì thay đổi. Ông vẫn sẽ kiếm được hàng trăm triệu đô la, tham dự bất kể chương trình nào mà ông muốn, xuất hiện trên sóng truyền hình vào đêm khuya, lấy được vé cho bất kỳ sự kiện nào mà không cần đặt trước và có thể biến trải nghiệm trong chiến dịch tranh cử của mình thành một cuốn sách bán chạy nhất.

Nói tóm lại, việc thất bại không đặt ra bất kỳ mối đe dọa tiêu cực nào, thậm chí cũng không hề ảnh hưởng đến cái tôi của ông ấy. Với một trái tim không gợn lo lắng và sợ hãi về những điều bất trắc có thể xảy ra, Trump cảm thấy ít áp lực hơn các ứng viên khác, và do đó có thể tập trung làm hết sức mình.

Còn với bạn thì sao? Có những thời điểm rất áp lực và có thể hậu quả tiêu cực thật sự sẽ xảy ra, nhưng bạn sẽ thấy bớt căng thẳng hơn nếu biết cách đặt những lo lắng đó qua một bên và tập trung để có được biểu hiện tốt nhất.

Trên thực tế, Trump đã giành chiến thắng, không chỉ với đề cử mà còn lấy được tấm vé chính trị tiến thẳng đến Tòa Bạch Ốc. Tiến sĩ Hendrie Weisinger chia sẻ: “Tôi không chắc ông ấy là vị Tổng thống thuộc kiểu mẫu nào, nhưng tôi chắc chắn ông ấy không giống với nhiều nhà điều hành khác, những người hay cảm thấy lo lắng và thậm chí thấy tội lỗi nếu phải sa thải nhân viên của mình. Trump đã có quá nhiều kinh nghiệm trong những việc này và chắc chắn đã không gặp khó xử khi phải nói với cựu Tổng thống Obama: “Ông cũng cần nghỉ ngơi rồi.”

Ăn thẳng nói thật

Embed from Getty Images

Các đường lối chính trị cố hữu có thể bóp nghẹt tự do ngôn luận nhưng không thể ngăn người ta nghĩ về những điều cấm đoán. Dần dà, những người không thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc thật của họ sẽ trở nên thất vọng. Càng nhiều tư tưởng bị cấm đoán đằng sau con đập chắn của các đường lối chính trị, sự thất vọng tích tụ càng nhiều. Tổng thống Trump đóng vai trò như một chiếc van giải phóng những áp lực dồn nén của xã hội. Trump dám nói những gì người bình thường không thể lên tiếng vì sợ đánh mất công việc, địa vị trong cộng đồng hay danh vọng của họ. Khi những áp lực tích tụ cuối cùng cũng được giải phóng, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái với chính mình. Có một Nguyên tắc Vàng trong tình bạn: “Nếu bạn muốn mọi người thích mình, hãy khiến họ cảm thấy thoải mái với bản thân.” Và khi Trump nói chuyện, ông ấy làm mọi người thấy thoải mái, vì thế họ thích ông.

Đối với những câu hỏi mang tính lựa chọn, Trump luôn trả lời thẳng vào vấn đề “có” hoặc “không”. Điều này rất hiếm thấy trong lĩnh vực chính trị. Các chính trị gia thông thường sẽ đưa ra những câu trả lời lấp lửng, nhiều hàm nghĩa hoặc đánh lạc đề, họ chỉ cung cấp một phần của sự thật và sẵn sàng chiều lòng người nghe trong nỗ lực kêu gọi càng nhiều phiếu ủng hộ càng tốt. Điều này không đúng với Trump, ông ấy luôn đưa ra những câu trả lời rõ ràng mặc cho phản ứng của người nghe.

Đoạn trích sau đây trong cuộc phỏng vấn 60 phút với nhà báo Scott Pelley thể hiện phong cách trả lời trực diện của Trump:

–       Scott Pelley: Nhưng có tồn tại một Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.

–       Donald Trump: Hiệp định đó không nên tồn tại. Nó là một thảm họa.

–       Scott Pelley: Nhưng nó vẫn đang còn ở đó.

–       Donald Trump: Được thôi, nhưng…

–       Scott Pelley: Nếu ông là Tổng thống, ông sẽ phải sống chung với nó.

–       Donald Trump: Xin lỗi, chúng tôi sẽ đàm phán lại hoặc chúng tôi sẽ phá bỏ nó. Bởi vì, ông biết đấy, mọi thỏa thuận đều sẽ có hồi kết.

–       Scott Pelley: Ông không thể cứ thế mà bẻ gãy các luật lệ.

–     Donald Trump: Xin lỗi, mọi thỏa thuận đến lúc đều sẽ có điểm dừng. Mọi thỏa thuận phải công bằng. Mọi thỏa thuận đâu đó đều có một điều khoản lừa đảo. Chúng ta đang bị lừa gạt bởi tất cả những quốc gia này.

–       Scott Pelley: Nó được gọi là thương mại tự do…

–       Donald Trump: Không, không phải vậy.

–       Scott Pelley: và đó là quan điểm chính trị cơ bản …

–       Donald Trump: Nó không phải

–       Scott Pelley: … của Đảng Cộng Hòa

–     Donald Trump: Scott, chúng ta cần thương mại công bằng. Không phải thương mại tự do. Chúng ta cần thương mại công bằng. Nó phải công bằng.

Đây chính là kiểu nói chuyện khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi hai bên có thể bày tỏ quan điểm thẳng thắn với nhau.

Hầu hết mọi người tưởng như ít đồng quan điểm với Tổng thống Trump, nhưng sự thật rất nhiều người Mỹ đã bày tỏ nguyện vọng của mình một cách gián tiếp thông qua ông. Thành công, sự nổi tiếng và sự tự tin của Tổng thống Trump đã lấp đầy cho giấc mơ chôn giấu của những người bình thường. Loại bỏ Trump sẽ khiến cho khát vọng của hầu hết người Mỹ trở nên vô nghĩa. Bạn có thể thấy ngạc nhiên khi lúc đó có nhiều người nói rằng họ sẽ không bầu cho Trump ở nơi công cộng nhưng lại chọn thẳng tên ông khi bức màn bỏ phiếu khép lại.

[1] Tom Brady: cầu thủ bóng bầu dục được xem là vĩ đại nhất của nước Mỹ. Ông đã gắn bó với đội bóng New England Patriots trong 20 năm và được suy tôn là cầu thủ bóng bầu hay nhất mọi thời đại. Tom Brady đã 9 lần tham dự trận Super Bowl (chung kết giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ) và thắng 6 trận, điều này chưa từng có trong lịch sử; 4 lần đoạt giải Cầu thủ hay nhất Super Bowl và thêm 3 giải Cầu thủ hay nhất khác của Liên đoàn Bóng bầu dục quốc Gia (NFL – National Football League).

[2] Thị trấn Foxborough: thị trấn thuộc tiểu bang Massachusetts nước Mỹ, nơi đóng quân của đội bóng New England Patriots.

[3] Super Bowl (tạm dịch: “Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ”): là trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL – National Football League), hiệp hội hàng đầu của bóng bầu dục Mỹ, kể từ năm 1967 và thường được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Hai dương lịch, gọi là Super Bowl Sunday (“Chủ nhật Siêu Cúp”). (Nguồn: Wikipedia)

[4] Trump: đây là một lối chơi chữ của người nói. “Trump” là tên của Tổng thống Donald Trump, đồng thời còn có nghĩa là đánh bại, chiến thắng ai đó hoặc một cái gì đó bằng cách biểu hiện tốt hơn, thường trong một cuộc chơi hoặc trận tranh đấu.

Đỗ Hoàng (t/h)

MỜI NGHE RADIO: Tinh thần quý tộc chân chính là gì?

Xem thêm: