Nếu muốn trở thành một lãnh đạo được tôn trọng, bạn không chỉ phải giỏi chuyên môn mà còn phải biết cách khích lệ, thấu hiểu nhân viên để giúp họ cảm thấy an tâm ở nơi làm việc. 

Khả năng lãnh đạo toàn diện là cam kết liên tục của bạn trong suốt vòng đời làm việc nhằm tạo ra sự an toàn về mặt tâm lý cho người lao động. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn trở thành một lãnh đạo tốt trong mắt nhân viên. 

nhà lãnh đạo
(Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

1. Kết nối công việc với sứ mệnh của công ty

Đại đa số người lao động thuộc thế hệ Millennial và Gen Z đều muốn gắn kết công việc của họ với một sứ mệnh góp phần mang lại lợi ích cho nhân loại. Vì vậy, nếu bạn muốn truyền cảm hứng cho nhân viên mới của mình thì hãy thường xuyên cho họ thấy công việc của họ có ý nghĩa như thế nào. Bạn hãy coi đây như công thức để tạo ra một nhân viên đầy nhiệt huyết. 

Đầu tiên, bạn hãy nói về vấn đề của thế giới mà công ty bạn đang cố gắng giải quyết. Tiếp theo, bạn hãy cho họ thấy tác động trực tiếp của nó đến các giải pháp mà công ty đang thực hiện. Cuối cùng, hãy giải thích cho nhân viên hiểu công ty và công việc của công ty đang tác động đến ai. Những lãnh đạo như vậy có khả năng tạo động lực rất lớn cho các nhân viên.  

2. Hãy cởi mở với những ý tưởng

Những ý tưởng tồi tệ nhất là những ý tưởng không được nói ra. Nhân viên của bạn có thể mới nhưng họ hoàn toàn có khả năng mang đến những ý tưởng sáng tạo giúp bạn nâng cao chất lượng công việc ở công ty. Vậy nên, bạn hãy động viên, khích lệ, giúp nhân viên cảm thấy an toàn về mặt tâm lý để họ thoải mái trình bày ý tưởng. 

Trong quá trình làm quen với nhân viên mới, bạn hãy luôn nhấn mạnh rằng bạn muốn nghe suy nghĩ của họ và đánh giá cao ý tưởng của họ. Những nhà lãnh đạo giỏi nhất luôn rất hào hứng với những ý tưởng bất ngờ vì họ hiểu rằng chính những ý tưởng này sẽ thúc đẩy sự đổi mới.

Một trong các công việc của người lãnh đạo là tạo điều kiện thuận lợi để biến suy nghĩ thành chiến lược. Trong thực tế, có rất nhiều ý kiến tồi ban đầu hóa ra lại là một ý tưởng thiên tài. Vì vậy, là một lãnh đạo, bạn hãy thường xuyên lắng nghe các ý tưởng mới và đảm bảo luôn quan sát, bắt kịp sự vận hành liên tục của thế giới. 

3. Thực hành giao tiếp minh bạch

Giao tiếp minh bạch là khả năng đối thoại cởi mở, chân thành và trực tiếp. Nhưng bạn hãy lưu ý: Luôn có một ranh giới mong manh giữa sự minh bạch và sự thô lỗ. Khi được thực hiện đúng cách, giao tiếp minh bạch là một trong những phương pháp cơ bản giúp bạn thể hiện khả năng lãnh đạo toàn diện và nhân viên mới sẽ đánh giá cao bạn vì điều đó. 

Khi bạn ngồi ở vị trí cao thì lời nói của bạn cũng rất có sức nặng. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến cách nhân viên phản ứng với những gì bạn nói và thực hiện điều chỉnh giọng điệu, ngôn ngữ sao cho phù hợp. Mỗi người đều có thói quen, sở thích giao tiếp khác nhau, vì vậy bạn hãy chú ý quan sát người đối diện để cuộc hội thoại diễn ra suôn sẻ. Và tất nhiên, bạn nên thể hiện sự đồng cảm khi giao tiếp với người khác.

nhà lãnh đạo
(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

4. Sự linh hoạt và sự đồng cảm

Tính linh hoạt là chìa khóa của tương lai. Tất cả chúng ta đều đã hiểu được tầm quan trọng của hệ thống làm việc linh hoạt trong những năm qua, điều này sẽ tiếp tục tồn tại trong thế giới hậu đại dịch.

Lịch làm việc tại công ty và làm việc từ xa linh hoạt cho phép nhân viên có thêm thời gian để chăm sóc cho gia đình. Google và Facebook cho phép nhân viên làm việc theo phong cách kết hợp bắt đầu từ mùa thu năm 2021. Các công ty như Slack và Twitter cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Tuy nhiên, kể từ khi Elon Musk nắm quyền điều hành Twitter (hiện đã đổi thành X) thì phong cách làm việc của công ty cũng đã thay đổi. 

Mỗi nhân viên đều có hoàn cảnh khác nhau, vì vậy các nhà lãnh đạo cần thể hiện sự đồng cảm với nỗi khó khăn riêng của từng người. Trong các cuộc họp, bạn hãy nhấn mạnh công ty rất quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên để giúp họ cảm thấy an tâm hơn khi làm việc.

5. Phản hồi mang tính xây dựng và khích lệ

Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng và khích lệ sẽ giúp các bạn làm việc lâu dài với nhau. Khi nhìn vào một bản kế hoạch, có rất nhiều lãnh đạo chỉ nói là họ không thích nó nhưng lại không giải thích rõ ràng lý do tại sao. Điều này khiến nhân viên cảm thấy mất phương hướng và lo lắng. 

Giả sử nhân viên của bạn đang thực hiện một đầu việc nhưng nó không đạt tiêu chuẩn. Bạn hãy bắt đầu nhận xét từ những gì bạn ưng ý rồi sau đó mới nói đến những cái họ cần sửa. Sự khích lệ tích cực sẽ giúp nhân viên của bạn ghi nhận phản hồi một cách thoải mái và không bị nhụt chí. 

Phẩm chất này cũng cho thấy bạn là một lãnh đạo luôn ủng hộ nhân viên và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ trong công việc. Nếu bạn và các lãnh đạo khác đều hành xử như vậy thì không chỉ đội nhóm mà cả công ty của các bạn đều sẽ phát triển tốt hơn. 

Nhìn chung, bạn hãy thể hiện sự tôn trọng và trân trọng đối với nhân viên của mình – cả với tư cách cấp trên cấp dưới và giữa con người với con người. Làm một lãnh đạo tốt, tạo ra đội nhóm làm việc hiệu quả, xây dựng văn hóa tích cực trong công ty, tất cả sẽ giúp công việc kinh doanh của bạn trở nên thịnh vượng.