Dù đã chán công việc hiện tại, chúng ta vẫn có thể giữ im lặng và tiếp tục làm việc cho đến ngày có thể thực sự rời đi. Tình trạng này cũng có thể xảy ra với các mối quan hệ hoặc hôn nhân – từ bỏ trong im lặng.

hon nhan 1 1
Giữ im lặng và tiếp tục sống trong tình trạng không hài lòng có thể gây ra căng thẳng, lo lắng và khiến hôn nhân không hạnh phúc trong lâu dài. (Ảnh: CandyBox Images/Shutterstock)

Theo Suzanne Degges-White, cố vấn và giáo sư được cấp phép tại Đại học Bắc Illinois, khi đã xác định từ bỏ trong yên lặng, mọi người thường sẽ chỉ làm những điều tối thiểu để duy trì mối quan hệ đó. Nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra có thể là bởi họ cảm thấy không được lắng nghe, buồn chán hoặc đang có một mối quan hệ sai trái. Nhưng vì im lặng nên chúng ta có thể sẽ không nhận ra ý định muốn chia tay của nhau. 

Dưới đây là 6 dấu hiệu thường xuất hiện ở những người đang im lặng từ bỏ mối quan hệ – cho dù họ có nhận thức được điều đó hay không.

1. Họ không muốn thân mật với bạn

Degges-White cho biết một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc lặng lẽ từ bỏ là không còn muốn thân mật nữa. Bạn hoặc nửa kia không còn muốn nắm tay đi dạo, cùng nhau xem phim hoặc chào nhau vào buổi sáng.

“Có vẻ như bạn không còn muốn ở một mình với người này nữa”, cô nói.

2. Họ cố tình dành thời gian xa bạn

Ngủ giường riêng hoặc đi du lịch một mình có thể là dấu hiệu cho thấy sự độc lập lành mạnh trong một mối quan hệ. Nhưng nếu giữa các bạn liên tục xuất hiện nhiều khoảng cách như vậy thì có thể nửa kia của bạn đang cố tình muốn tách nhau ra. Theo Degges-White, nhiều người thậm chí còn tham gia vào cách hoạt động mà nửa kia chắc chắn sẽ không thấy hứng thú chỉ để không phải ở cạnh nhau. Ví dụ như họ sẽ đi chơi với bạn bè vào cuối tuần hoặc thường đi ra ngoài vào buổi tối.

hon nhan
Khi giữa các bạn xuất hiện liên tục nhiều khoảng cách và không đồng thuận, đó có thể là dấu hiệu cho thấy một trong hai người đang cố tình muốn tách ra hoặc không còn quan tâm đến mối quan hệ nữa. (Ảnh: silverkblackstock/Shutterstock)

3. Họ không quan tâm đến việc bạn đang làm

Khi có một mối quan hệ lành mạnh, chắc chắn các cặp đôi sẽ có thái độ cởi mở, muốn nghe/kể với nhau về những sự việc diễn ra trong ngày của mình. Họ sẽ thường xuyên chia sẻ những niềm đam mê hoặc sở thích với nhau. Ngược lại, những người muốn từ bỏ mối quan hệ sẽ có thái độ “Tôi làm việc của tôi, anh làm việc của anh”. Họ không còn quan tâm xem bạn đã có một ngày như thế nào nữa.

4. Họ không muốn tranh cãi với bạn

Những cuộc tranh cãi lành mạnh là một phần quan trọng trong một mối quan hệ lành mạnh. Tuy nhiên, nếu nửa kia không buồn tranh cãi với bạn, họ chỉ đơn giản là mặc kệ, thì rất có thể họ đang âm thầm từ bỏ mối quan hệ này rồi.

“Họ thậm chí còn không muốn nghĩ đến việc tranh cãi với bạn. Họ cảm thấy chuyện đó là vô nghĩa, mất thời gian, tốn năng lượng. Đó là dấu hiệu của sự thờ ơ”, Degges-White nói. 

Cũng giống như việc lặng lẽ từ bỏ công việc, bạn sẽ không cố gắng cải thiện tình hình bằng cách từ chối hoặc yêu cầu thêm từ công ty, bạn chỉ đơn giản là muốn từ bỏ. Bạn coi việc đó là một nỗ lực vô ích.

hon nhan 3
Nếu nửa kia không buồn tranh cãi với bạn, họ chỉ đơn giản là mặc kệ, thì rất có thể họ đang âm thầm từ bỏ mối quan hệ này rồi. (Ảnh: Prostock-studio/Shutterstock)

5. Họ không muốn trở thành “kẻ xấu”

Theo Degges-White, “không muốn trở thành kẻ xấu” là một trong những lý do phổ biến khiến mọi người muốn từ bỏ một mối quan hệ trong im lặng. Bạn đang ở trong một mối quan hệ có nhiều xung đột, mà xung đột thì có xu hướng leo thang. Nửa kia của bạn muốn giữ im lặng vì họ sợ cuộc tranh luận sẽ bùng nổ đến mức không thể kiểm soát được. Họ không muốn trở thành người khơi mào cho một cuộc chia tay hoặc ly hôn.

6. Họ muốn giữ một cuộc hôn nhân “trao đổi”

Trên thực tế, có rất nhiều người đã chán mối quan hệ của mình nhưng không muốn ly hôn vì những lý do khách quan như tôn giáo, văn hóa hay tài chính. Họ nhất định không chia tay mà muốn duy trì hiện trạng hòa bình.

Theo Degges-White, duy trì một cuộc hôn nhân mang tính trao đổi đôi khi cũng là một lựa chọn tốt.

“Miễn là cả hai có cùng một quan điểm, họ có thể sống với nhau như bạn bè để giúp mối quan hệ trở nên bền vững hơn”, cô nói.