6 “vùng đất cấm bí ẩn” ở Trung Quốc
- Minh Ngọc
- •
Khi nhắc đến vùng đất cấm bí ẩn trên thế giới, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “Tam giác Bermuda” ở Đại Tây Dương. Thật ra tại Trung Quốc – quốc gia cổ đại và chứa đựng nhiều điều huyền bí của phương Đông, cũng có những vùng đất bí ẩn tương tự như thế. Những nơi này thường xuyên xảy ra các hiện tượng kỳ dị như đắm tàu, người bị mất tích, máy móc bị vô hiệu hóa v.v…
1. Vùng nước miếu Ông Lão ở hồ Bà Dương
Hồ Bà Dương ở phía Bắc tỉnh Giang Tây là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và cũng chính là hồ lớn thứ hai của nước này. Vùng nước bí ẩn này nằm gần miếu Ông Lão thuộc khu vực hồ Bà Dương. Đây là một vùng nước dài hẹp, nối hồ Bà Dương với cửa sông Trường Giang, bắt nguồn từ núi Tùng Môn ở phía Nam và kết thúc tại huyện Tinh Tử ở phía Bắc, có tổng chiều dài là 24 km.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, có hàng trăm thuyền bè đã bị mất tích tại đây. Vụ mất tích lớn nhất trong số đó là chiếc tàu chở hàng nặng hơn 2000 tấn của Nhật Bản có tên “Kobe Maru” vào năm 1945. Sau khi đi vào vùng nước này, chiếc tàu đột nhiên bị chìm xuống đáy hồ mà không ai hay biết. Sau đó, Hải quân Nhật đã cho thợ lặn lặn xuống đáy hồ để điều tra. Nhưng sau khi quay trở lại, người này tỏ ra rất sợ hãi và không lâu sau thì bị rối loạn tâm thần.
2. “Hắc Trúc Câu” bí ẩn ở Tứ Xuyên
Sâu trong khu rừng ở phía Tây Nam bồn địa Tứ Xuyên, có ẩn giấu một vùng đất bí ẩn được người dân địa phương đặt tên là “Tư Khoát”, nghĩa là hẻm núi chết chóc. Nơi đây còn được gọi là “Hắc Trúc Câu”. Nhiều năm qua, do từng xảy ra nhiều trường hợp người và động vật bị mất tích hoặc thiệt mạng sau khi đến đây, cùng với việc khu vực này nằm ở vĩ độ 30 ° Bắc, vì thế nơi đây được gọi là “Bermuda của Trung Quốc”.
Được biết, năm 1950, một đoàn quân hơn 30 người của Quốc dân Đảng không còn một ai sống sót sau khi đi xuyên qua Hắc Trúc Câu. Năm 1966, 3 người lính thuộc Đội đo đạc và bản đồ quân đội của ĐCSTQ được cử đi mua lương thực đã bị mất tích khi đi qua Hắc Trúc Câu. Năm 1976, 3 thành viên của đại đội kiểm lâm Tứ Xuyên cũng mất tích ở đây. Đến năm 2007, có một đài truyền hình đến Hắc Trúc Câu để ghi hình chương trình, họ thả 4 con chim bồ câu vào bên trong. Kết quả là 7 ngày sau, những con chim bồ câu đều biến mất không tung tích.
Kể từ năm 2014, Sở Tài nguyên và Đất đai tỉnh Tứ Xuyên đã tổ chức cho các chuyên gia và học giả thực hiện nghiên cứu đặc biệt về Hắc Trúc Câu, nhằm vén bức màn bí mật về nơi này. 2 năm sau, các chuyên gia công bố kết quả nghiên cứu cho biết ở Hắc Trúc Câu có một dải địa từ khác thường dài 60 km.
Các chuyên gia phân tích rằng đá ở Hắc Trúc Câu đa phần là đá bazan có chứa nhiều nguyên tố sắt. Do đó nơi đây sản sinh ra một dải từ trường vô cùng khác biệt, khiến nam châm, la bàn đều bị vô hiệu hóa. Trường hợp địa từ khác thường này rất có khả năng là nguyên nhân khiến nhiều người bị mất tích và thiệt mạng.
3. “430 km cách xa lộ Lan Tân” ở Cam Túc
Cách xa lộ Lan Tân 430 km có một đoạn đường cao tốc mà mặt đường ở đó rất bằng phẳng và thông thoáng. Xét về lý thì đoạn đường này chắc hẳn sẽ rất ít khi xảy ra tai nạn. Nhưng khu vực này lại thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn lật xe. Xe đang di chuyển hết sức bình thường thì đến khu vực này đôi khi sẽ đột nhiên bị lật xe. Có hàng chục vụ tai nạn bất ngờ khiến người mất xe tan như thế này đều xảy ra hàng năm. Đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân do đâu khiến khu vực này trở thành “Tam giác quỷ” của Trung Quốc.
Có người cho rằng thiết kế của đoạn đường này chắc chắn có vấn đề và kiến nghị cần cải tạo. Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, nhưng tình trạng nêu trên vẫn không được cải thiện. Sau này có người phát hiện ra rằng trong những vụ tai nạn lật xe xảy ra ở đây, hướng xe bị lật luôn là hướng Bắc. Dựa theo điều này, có người cho rằng có khả năng đoạn đường bí ẩn này có một dải từ trường rất lớn, gây ảnh hưởng đến người và các thiết bị điện tử trên xe khi đi qua khu vực này. Từ trường khiến tinh thần của con người trở nên rối loạn và xe bị mất kiểm soát nên gây ra tai nạn. Tuy cách giải thích này này nghe có vẻ hợp lý, nhưng hiện vẫn chưa được các nhà khoa học xác nhận.
4. “Lop Nur” ở Tân Cương
Ở Lop Nur có rất nhiều lời đồn kỳ lạ, khiến nơi đây bị phủ một lớp màn bí mật.
“Lop Nur” nằm ở phía Đông Bắc huyện Nhược Khương của Tân Cương. Đây từng là hồ nước mặn lớn thứ hai của Trung Quốc, là nơi sản sinh ra con đường tơ lụa và phố cổ Lâu Lan huy hoàng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay hồ này đã trở nên khô cằn và chỉ còn lại một lớp bề mặt muối cùng rất nhiều bí ẩn không có lời giải đáp.
Trên đường đi thỉnh kinh ngang qua khu vực này, hòa thượng Pháp Hiển thời Đông Tấn, từng viết: “Trong sa mạc có nhiều gió nóng, người gặp phải sẽ chết, không một ai toàn mạng quay về”. Rất nhiều người đã chết vì khát, khi chỉ còn cách suối nước vài bước chân, điều này thật sự rất khó hiểu. Nhiều năm về trước, nhà khoa học Bành Gia Mộc đã mất tích một cách bí ẩn ở đây, càng khiến Lop Nur bị phủ lên một lớp màn bí mật.
5. “Bồn cơm khô” ở Cát Lâm
“Bồn cơm khô” nằm ở huyện Giang Nguyên trong khu vực dãy núi Trường Bạch của tỉnh Cát Lâm. Khu vực này không chỉ là một bồn địa lớn, mà là bồn địa lớn gồm nhiều bồn địa nhỏ, nối tiếp nhau. Nghe nói tổng cộng có 9981 bồn địa nối tiếp nhau, bồn địa lớn bao quanh bồn địa nhỏ. Điều bí ẩn nhất là sau khi vào trong khu vực này, la bàn hay nam châm đều không thể sử dụng được, khiến con người bị lạc đường. Những ai đến đây đều vào được mà không ra được. Dù đi về phía trước hay đi bao xa, thì cuối cùng họ cũng sẽ quay trở lại nơi ban đầu.
Đến nay nguyên nhân hình thành và các hiện tượng bí ẩn của “Bồn cơm khô” này vẫn chưa có một lời giải đáp chính xác nào. Có người cho rằng có khả năng nơi này được hình thành bởi vùng lõm do các khối thiên thạch rơi xuống vào thời cổ đại. Vì thiên thạch có từ trường rất mạnh, nên con người sẽ bị ảnh hưởng sau khi đi vào đây, và xuất hiện các hiện tượng như rối loạn đồng hồ sinh học, hỏng la bàn, rối loạn trí nhớ và các hiện tượng khác. Cuối cùng họ sẽ bị lạc đường. Một số người còn nói rằng họ đã tìm thấy một khối đá kỳ lạ ở đó. Đây chính là điều cốt lõi khiến con người mất phương hướng, nhưng sau đó họ quay lại tìm cũng không thể tìm thấy.
6. “Vũng Mê Hồn” ở núi Ngõa Ốc, Tứ Xuyên
“Vũng Mê Hồn” ở núi Ngõa Ốc thuộc thành phố My Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, nằm ở vĩ độ 30° Bắc bí ẩn. Nó có diện tích khoảng hơn 1000 mẫu, được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ và tre nhọn dày đặc và không có lối vào. Tại khu vực này, những ngọn đồi thấp giống y hệt nhau. Sau khi vào trong sẽ có hiện tượng kim la bàn xoay vòng tròn, hỏng la bàn, đồng hồ ngừng hoạt động, chóng mặt, đầu óc căng thẳng v.v…
Về những hiện tượng dị thường ở “Vũng Mê Hồn” này, có người cho rằng là do ông Trương Lăng, người lập ra thuyết “5 đấu gạo” thời Đông Hán, đã tạo ra bát quái mê hồn trận ở đây khi truyền giáo ở núi Ngõa Ốc. Có người nói rằng là do từ trường khổng lồ tự nhiên ở bên dưới lòng đất gây ra. Ngoài ra cũng có người cho rằng do chướng khí phát ra từ gỗ chết dưới lòng đất. Do những sự bí ẩn và kinh hoàng của nơi này, khi phát triển các nguồn tài nguyên của núi Ngõa Ốc, chính quyền địa phương đã phải chỉ định nơi này là khu vực hạn chế du lịch, nhằm ngăn không cho khách du lịch vào nhầm.
Những vùng đất cấm bí ẩn và nguy hiểm được giới thiệu trên đây đều khiến mọi người rất tò mò. Có lẽ một sức mạnh mà chưa ai biết đến tồn tại bên trong đó. Nếu không có các kiến thức chuyên môn hoặc người dẫn đường chuyên nghiệp, thì mọi người tuyệt đối không được tự mình mạo hiểm đến những nơi này.
Từ khóa Trung Quốc huyền bí Vùng đất cấm bí ẩn