Rất nhiều gia đình Ấn Độ thở dài vì có thể không nhận được số tiền hơn 650 USD cho mỗi gia đình có người thân tử vong vì Covid-19 do không có giấy tờ chứng minh.

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ ập đến tàn phá đất nước hồi tháng 4, tháng 5, Ankit Srivastava đã đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, cố gắng tìm sự giúp đỡ cho người mẹ đau yếu của mình. Tuy nhiên, các bệnh viện ở thành phố Varanasi của Ấn Độ đã hết chỗ, oxy, thuốc men, xét nghiệm – mọi thứ.

“Họ nói với chúng tôi rằng mọi nơi đều đang rất tệ, bệnh nhân phải nằm trên sàn nhà và không có giường nào còn trống cả và mẹ tôi đã không qua khỏi”, người đàn ông 33 tuổi nói với CNN.

tang le o an do
(Ảnh minh họa: PradeepGaurs/shutterstock)

Tuần này, chính phủ Ấn Độ công bố đền bù 50.000 INR (khoảng 670 USD) cho gia đình của các nạn nhân Covid-19. Con số này tương đương với thu nhập của phần lớn người dân Ấn Độ trong nửa năm, theo ước tính gần đây nhất của chính phủ về thu nhập bình quân đầu người năm 2019-2020.

Về lý thuyết, chương trình bồi thường sẽ giúp ích cho những người như anh Srivastava. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng số người chết vì Covid-19 thực sự có thể cao hơn gấp nhiều lần con số thống kê chính thức là hơn 450.000 người. Điều đó đồng nghĩa gia đình của rất nhiều nạn nhân có thể sẽ không nhận được tiền vì họ không có giấy chứng tử hoặc không chứng minh được nguyên nhân cái chết là vì Covid-19.

Các gia đình có thể nhận được khoản tiền này nếu người thân của họ chết trong vòng 30 ngày kể từ ngày được chẩn đoán mắc Covid-19, bất kể chết tại bệnh viện hay tại nhà, theo hướng dẫn đã được Tòa án Tối cao phê duyệt ngày 4/10.

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu tiền đền bù, gia đình của nạn nhân Covid-19 phải cung cấp giấy chứng tử ghi rõ nguyên nhân tử vong là Covid-19 và điều này chẳng hề đơn giản với nhiều người ở Ấn Độ, bởi ngay cả trước đại dịch, Ấn Độ cũng đã không thống kê đầy đủ. Hệ thống y tế thiếu thốn, lạc hậu khiến chỉ 86% trường hợp tử vong trên toàn quốc được khai báo trong hệ thống của chính phủ.

Theo tiến sĩ Hemant Shewade, chuyên gia y học cộng đồng, chỉ có 22% trong số tất cả trường hợp tử vong được khai báo có ghi rõ nguyên nhân tử vong do bác sĩ chứng nhận. Vấn đề đó đã trở nên nghiêm trọng hơn trong đại dịch, với các nghiên cứu cho thấy hàng triệu người như mẹ của Srivastava không được tính vào số người chết vì Covid-19.

Hồi tháng 7, Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ ước tính rằng trong đại dịch, Ấn Độ có thể có thêm từ 3,4 đến 4,9 triệu người chết so với những năm trước. Điều này có nghĩa là con số chính thức của chính phủ về Covid-19 có thể thấp hơn nhiều lần so với thực tế.

Ngay cả khi nạn nhân có giấy chứng tử, rất nhiều người không được xác nhận rõ ràng nguyên nhân tử vong là Covid-19, vì họ không được chẩn đoán chính thức – Jyot Jeet, chủ tịch của SBS Foundation có trụ sở tại Delhi, tổ chức đã tiến hành hỏa táng miễn phí trong đợt bùng phát dịch thứ hai của Ấn Độ – cho biết.

Thay vào đó, nhiều giấy chứng tử của nạn nhân Covid-19 ghi nhận rằng “họ chết vì suy phổi, bệnh hô hấp, ngừng tim”, ông nói thêm.

Chính phủ Ấn Độ đã hứa sẽ không có gia đình nào bị từ chối. Dẫu vậy, vài ngày sau khi kế hoạch đền bù được công bố, các quy tắc vẫn chưa rõ ràng, gây ra căng thẳng cho nhiều người Ấn Độ đang phải vật lộn để nuôi gia đình sau khi mất đi người trụ cột trong nhà.

Chính phủ cho biết sẽ lập các ủy ban cấp huyện xem xét và kiểm tra hồ sơ y tế của người đã qua đời. Nếu ủy ban này xác định Covid-19 đúng là nguyên nhân tử vong, họ sẽ cấp một giấy chứng tử mới ghi rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết nào về tiêu chí mà ủy ban sẽ sử dụng để đánh giá nguyên nhân tử vong, hay gia đình sẽ cần cung cấp bằng chứng nào.

“Tôi không nghĩ tiền sẽ đến tay”, cô Pooja Sharma nói trong nước mắt. Chồng cô qua đời vì Covid-19 vào tháng 4/2021 khiến cô rơi vào trạng thái bất lực và cô đơn, không biết làm cách nào để chu cấp cho 2 đứa con nhỏ của mình.

Cô Sharma nói rằng giấy chứng tử của chồng cô có ghi rõ Covid-19 là nguyên nhân tử vong, nhưng cô vẫn có thể phải đối mặt với một trận chiến khó khăn.

Chương trình hứa hẹn các gia đình sẽ được đền bù trong vòng 30 ngày kể từ khi chứng minh được gia đình họ đủ điều kiện để nhận tiền. Tuy nhiên, các sáng kiến ​​trước đây của chính phủ – cả trước và trong đại dịch – luôn bị bủa vây trong sự trì trệ và bộ máy quan liêu.

Jeet, chủ tịch SBS Foundation, cho biết: “Các cộng đồng nghèo hoặc kém may mắn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đầu tiên là từ Covid-19 và thứ hai là từ hệ thống”.

chết vì Covid-19
(Ảnh minh họa: Par KAISARMUDA/Shutterstock)

Các gia đình thường ngán ngẩm trước những thủ tục phức tạp, bao gồm thu thập giấy tờ thích hợp, điền biểu mẫu, liên lạc với các quan chức cấp huyện, và cung cấp thông tin y tế. Điều tra dân số gần đây nhất của đất nước vào năm 2011 cho thấy 73% người Ấn Độ biết chữ. Tại các vùng nông thôn, chỉ hơn 50% phụ nữ có thể đọc và viết.

Sharma cho biết cô đã đăng ký một chương trình hỗ trợ khác từ tháng 6. “Tôi điền vào tất cả giấy tờ với sự giúp đỡ của những người khác. Tôi đến văn phòng chính phủ mỗi ngày. Tôi chưa nghe bất cứ điều gì từ họ và thực sự không kỳ vọng lắm việc tiền sẽ đến tay”, cô nói.

Cô thông tin thêm rằng sẽ làm hồ sơ để đăng ký chương trình đền bù mới, nhưng không tự tin sẽ nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Nhiều người chia sẻ cảm giác vỡ mộng của họ giống như Sharma, và cảm thấy rằng khoản đền bù là quá ít và quá muộn.

Hoài Anh (Theo CNN)

Xem thêm: