Để có thể trở thành người có phẩm chất đạo đức cao thượng và được mọi người yêu mến thì trong khi nói chuyện và hành xử đều cân nhắc mọi chuyện. Áp dụng “Quy tắc 3 phút” này bạn sẽ thấy cuộc đời thay đổi theo hướng tuyệt vời như thế nào.

quy tắc 3 phút
Áp dụng “Quy tắc 3 phút” để thay đổi cuộc đời. (Nguồn: Moshbidon/ Shutterstock)

1. Khi nói, hãy cân nhắc trong 3 phút

Có câu: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”.

Lời đã nói ra giống như bát nước đổ đi, căn bản là không thể lấy lại. Nói là một nghệ thuật, thế nên một câu nói ra có thể khiến người nghe bật cười, cũng có thể khiến người nghe giật mình.

Nhiều người thường hay dễ dàng nói ra một số từ mà không cần suy nghĩ. Cho dù không có ác ý nhưng cũng dễ làm tổn thương người khác và gây tai họa cho chính mình.

Có một câu chuyện cổ kể rằng: Lang Gia Vương thị (thế tộc họ Vương tại quận Lang Gia) là một trong những gia tộc nổi bật nhất trong lịch sử Trung Quốc, gia tộc này có một phương châm 6 chữ vô cùng sáng giá, lưu truyền mãi cho hậu thế: “Ngôn nghi mạn, tâm nghi thiện” có nghĩa là: nói nên chậm, tâm nên Thiện.

Ông Vương Trị là tổ tiên của gia tộc họ Vương, ông bởi vì tuân theo 3 chữ đầu tiên “Ngôn nghi mạn”, mới có thể thuận lợi vượt qua mọi cửa ải gian nan trong cảnh quan trường hiểm ác. Từ một vị quan nhỏ, ông đã trở thành quan đại thần của triều đình.

Bởi vậy, trước khi nói, ở trong tâm trí nhất định phải suy xét thấu đáo và nghĩ kỹ trước khi phát ra thành lời. Những gì phải nói, thì nên nói như thế nào, suy nghĩ về hậu quả đối với bản thân và những người khác khi chúng ta nói. 

Một khi đã nói ra thì cũng phải có phương pháp, không thể tùy tiện nói bừa: Nếu có thể, hãy nói ít đi, đừng nói quá nhiều. Nếu có thể, hãy nói chậm lại, đừng nói quá nhanh. Nếu có thể, hãy nói nhẹ nhàng hơn và đừng bao giờ nói ra những lời khó nghe. 

Cảnh giới cao của một bậc có tu dưỡng chính là thể hiện ở việc họ có thể giữ được cái miệng của mình hay không.

2. Khi tức giận, hãy bình tĩnh trong 3 phút

Trong cuộc sống, có một số điều không vui nhất định sẽ xảy ra. Vì vậy, hãy học cách kiểm soát cảm xúc và không để cơn tức giận nổi lên.

Khi tức giận, người ta dễ có những hành động bốc đồng. Những gì chúng ta nói và làm vào lúc tâm trạng bất ổn này chỉ khiến tổn thương người khác và chính mình.

Trước khi cựu binh bộ thượng thư nam kinh Vương Dương Minh dẹp yên cuộc nổi dậy chống lại Vương Ninh, thì có rất nhiều lão tướng đối với ông là không phục. Họ thường bày binh để bao vây ông bên ngoài doanh trại, lợi dụng mọi cơ hội để gây rối.

Nhưng ông vẫn ngồi vững vàng trong trại và khẳng khái nói: “Những cảm xúc thiên lệch như tức giận là khó tránh khỏi trong lòng con người. Nhưng nếu không biết kiềm chế được cơn tức giận nhỏ thì sẽ tạo thành những cơn tức giận vô độ.”

Và cách tốt nhất để kiểm soát cơn giận chính là xoa dịu nó. Thay vì vội vã và sau đó phải hối tiếc, thì hãy để bản thân bình tĩnh trong 3 phút và đưa ra quyết định sau khi cảm xúc đã nguôi ngoai một chút.

Trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày, hãy cố gắng tiết chế bản thân và học cách kiềm chế cảm xúc của mình. Sau một thời gian dài, vấn đề sẽ không phình to và đến mức cực đoan.

Học cách đối phó với nó một cách lãnh đạm, để rồi nhận ra rằng những điều vô lý trước đây không đáng để bản thân phải tức giận chút nào.

3. Hành sự trong mọi chuyện đều sớm 3 phút

‘Sách Lễ’ có câu: “Mọi việc nên được dự liệu từ trước, nếu không thì sẽ vô ích”.

Khi làm bất cứ chuyện gì, nhất định phải có sự chuẩn bị từ trước. Chuẩn bị trước thì sẽ dễ dàng gặt hái được thành công, bởi vì nếu chúng ta luôn đi sau thì chúng ta có thể sẽ là người thất bại. Một khi hình thành thói quen để mọi chuyện muộn màng, cuối cùng người chịu thiệt thòi chính là bản thân mình.

Một ông lão đã nói với danh thần khai quốc Trương Lương rằng: “5 ngày nữa vào buổi sáng, ngươi hãy đến trên cầu gặp ta”.

Ông Trương Lương nhanh chóng đáp ứng và đến đúng hẹn vào 5 ngày sau. Nhưng ông không ngờ rằng ông lão ấy đã đến sớm hơn và đang đứng đợi ông từ lâu.

Khi ông lão nhìn thấy ông bèn khiển trách: “Ta đã hẹn với ngài như vậy, tại sao còn dám đến trễ? 5 ngày nữa hãy đến gặp ta sớm!” Nói xong, ông lão bỏ đi không ngoảnh lại.

5 ngày sau, ông Trương vừa nghe tiếng gà trống gáy, liền vội vàng lên đường đến chỗ hẹn. Lần này, thấy ông đã đến sớm như vậy, ông lão kia gật đầu một cách hài lòng. Ông lão lấy ra một cuốn ‘Thái Công Binh Pháp’ và đưa cho ông Trương, đây là một cuốn sách vô cùng nổi tiếng. Nhờ nghiên cứu kỹ cuốn sách mà cuối cùng ông Trương đã đạt được sự nghiệp to lớn.

Làm mọi việc trước 3 phút đối với người khác cũng là một kiểu tôn trọng. Hãy tạo ấn tượng tốt và để mọi người thấy được sự chân thành của bạn. Những người như vậy sẽ luôn được chào đón ở bất cứ nơi đâu họ đến.

Làm mọi việc trước 3 phút cũng là một loại trách nhiệm đối với bản thân. Đây chính là bạn đang dành cho bản thân một khoảng thời gian hòa hoãn. Nó được coi như một khoảng “thời gian vàng” để giúp chúng ta không nóng vội mà luống cuống trước tất cả mọi tình thế. Khi gặp bất cứ tình huống bất ngờ nào bạn cũng có thể bình tĩnh giải quyết.

4. Khi đối xử với người khác, hãy xem xét nội tâm trong 3 phút

Lão Tử nói: “Người hành Đạo chẳng trách cứ người khác”.

Một trong những điểm yếu của bản chất con người là thói quen hướng ngoại, nhìn ra ngoài, luôn nhìn chằm chằm vào lỗi của người khác nên không thể nhìn thấy lỗi của mình.

Trong tác phẩm tiểu thuyết ‘Thế Thuyết Tân Ngữ’ ghi chép lại rằng: Chu Xử khi còn trẻ đã rất kiêu ngạo và vô lý. Tuy nhiên, anh ta lại tự tô vẽ bản thân thành một hào hiệp, quyết tâm bài trừ “tam ác” cho dân làng.

Dân làng kể với anh rằng có hai thứ ác đầu tiên chính là hổ trên núi và thuồng luồng dưới biển.

Sau đó Chu Xử đã tự mình lên núi bắn hổ, xuống biển giết thuồng luồng, đi đã 3 ngày mà chưa về. Dân làng tưởng rằng anh đã bỏ mạng nên mở tiệc ăn mừng. Khi Chu Xử nghe tin liền tỉnh ngộ, hiểu ra rằng mình chính là ác ma thứ ba cùng với hổ và thuồng luồng.

Kể từ đó, anh ăn năn hối cải, bỏ ác, hướng thiện, cuối cùng trở thành một đại danh tướng.

Khi đối xử với mọi người, hãy học cách dùng một con mắt nhìn thế giới và nhìn bản thân bằng con mắt còn lại. Chỉ trích người khác sẽ chỉ khiến bản thân trở nên rất kém cỏi. Nếu có thời gian để phàn nàn về người khác thì tốt hơn hết là nên cố gắng hết sức để thay đổi bản thân.

Triết gia Mạnh Tử nói: “Nếu không thể làm gì, thay vào đó hãy tự hỏi bản thân mình.”

Khi gặp sự cố, trước hết hãy tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Không khước từ, không trốn tránh, bởi vì kinh qua mỗi thất bại đều là một cơ hội để trưởng thành.