Quốc gia vùng Tây Âu vừa ban hành một đạo luật gây tranh cãi nhằm bảo vệ quyền nghỉ ngơi và riêng tư của các nhân viên công ty sau giờ làm.

shutterstock 1657938115
(Ảnh minh họa: Drazen Zigic/ Shutterstock)

Theo quy định vừa có hiệu lực vào tuần trước, người sử dụng lao động không được liên lạc với nhân viên vì mục đích công việc sau giờ tan ca. Hành vi này được xem là quấy rầy sự riêng tư của nhân viên và gia đình của họ sau giờ làm và sẽ bị xử phạt trừ tình huống đặc biệt, theo BBC.

Nếu cố tình vi phạm, họ có thể phải đối mặt với một số hình phạt. Cấp trên cũng bị cấm giám sát nhân viên khi làm việc tại nhà.

“Người sử dụng lao động cần tôn trọng quyền riêng tư của người lao động, gồm cả thời gian họ nghỉ ngơi và dành cho gia đình”, luật mới quy định.

Nhiều chủ doanh nghiệp choáng váng hơn khi quy định mới còn yêu cầu công ty phải cho phép những người có con nhỏ được lựa chọn làm việc tại nhà đến khi đứa trẻ 8 tuổi mà không được phép gây khó dễ. Công ty cũng sẽ phải thanh toán tất cả các khoản chi phí phát sinh liên quan đến công việc khi làm việc tại nhà như tiền điện, tiền Internet cho nhân viên.

Tuy nhiên, quy định này hiện không áp dụng với các công ty có ít hơn 10 nhân viên. Các nghị sĩ Bồ Đào Nha cũng bác bỏ đề xuất cho phép người lao động có quyền “ngắt kết nối“, tức là tắt thiết bị liên lạc trong lúc nghỉ làm.

Chính sách mới của Bồ Đào Nha là một phần của luật quy định làm việc tại nhà, nhằm thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn.

Ngoài ra, đây còn là động thái điều chỉnh để phù hợp với xu hướng ngày càng nhiều người ‘work from home’ do tác động của dịch COVID-19. Giới chức nước này nhận định có nhiều lợi ích khi làm việc tại nhà, song muốn điều chỉnh luật lao động cho phù hợp.

Theo Ana Mendes Godinho, Bộ trưởng Lao động và an sinh xã hội Bồ Đào Nha, chính phủ muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc làm việc từ xa và thu hút các lao động mới từ xa đến quốc gia châu Âu này.

“Làm việc từ xa có thể là phương thức thay đổi cuộc chơi nếu phát huy được ưu điểm và hạn chế nhược điểm. Chúng tôi đang nỗ lực biến Bồ Đào Nha thành một trong những nơi phù hợp nhất trên thế giới dành cho ‘dân du mục kỹ thuật số’ và những người lao động từ xa đến sinh sống và làm việc” – bà Ana Mendes Godinho phát biểu trong một hội nghị công nghệ ở Lisbon tuần trước.

Tuy nhiên, quy định được cho là không có được nhiều sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nghiệp đoàn. Họ lo ngại việc năng suất lao động của nhân viên giảm sút và chi phí tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ sản phẩm và hiệu quả hoạt động, nhất là trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài hiện nay.

Hoài Anh

Xem thêm: