Con cái đi học cả ngày, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng ít có dịp để nói chuyện nên thường tranh thủ giờ cả gia đình ngồi ăn cơm để dạy con, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tuy nhiên cách dạy con trên bàn ăn có thể mang đến nhiều tác hại nếu không sử dụng khéo léo.

Vài tìm hiểu về cách giáo dục con trên bàn ăn
(Ảnh: Dragon Images, Shutterstock)

Nội dung của cuộc trò chuyện mang đến tâm trạng chán nản cho trẻ thông thường là: “Con được mấy điểm bài kiểm tra?”, “Con nhà người ta thì ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ, sao con hư thế?”, v.v.. Trong hoàn cảnh này, liệu đứa trẻ còn muốn ăn cơm nữa không? Qua một thời gian lâu, trẻ sẽ đem việc “ăn cơm”“bị dạy dỗ” liên hệ với nhau, và cảm thấy khó chịu trước bữa ăn.

Đứa trẻ khi bị cha mẹ dạy dỗ hay quở mắng quá nhiều sẽ sinh ra tâm trạng chỉ muốn mau chóng thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt, ăn vội vội vàng vàng cho xong bữa, nuốt cũng nuốt vội. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Đôi khi, cha mẹ khiển trách quá khắc nghiệt khiến trẻ bật khóc. Trẻ vừa ăn vừa khóc rất có nguy cơ bị hóc, nghẹn.

Vậy nên dạy con về những điều gì trên bàn ăn?

1. Ý thức tham gia

Trong bữa cơm, cha mẹ nên dạy trẻ biết cách mang đũa, thìa đến cho mọi người. Sau khi ăn xong, hãy dạy trẻ biết cách phụ dọn dẹp, lau bàn… hay bất cứ công việc nhỏ nào mà trẻ có khả năng làm được.

Bằng cách tham gia vào việc nhà, trẻ sẽ dần dần phát triển tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, hãy để các em biết rằng các thành viên trong gia đình cần biết chia sẻ với nhau, nhận lấy trách nhiệm, không thể mãi hưởng sự phục vụ từ người khác.

2. Phép tắc ăn uống

Một đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt thường biết cách quan sát trên bàn cơm có những ai và món ăn gì. Cha mẹ cần dạy cho con những phép lịch sự cơ bản trên bàn ăn như: chủ động giúp người lớn dọn bàn, nhường chỗ cho người già, không được kéo các món ngon về phía mình, không được bới bới chọn chọn đồ ăn, không được nếm thức ăn rồi bỏ lại vào đĩa… Phép tắc lịch sự trong ăn uống sẽ giúp trẻ có thói quen tốt và biết cách ứng xử khi ra ngoài xã hội.

Ngoài ra, làm bất cứ việc gì cũng phải có giới hạn về thời gian. Trẻ lúc nhỏ ăn cơm cứ lề mề chậm chạp, lớn lên nhiều việc cũng sẽ như vậy, hình thành thói quen xấu kéo dài.

3. Tạo không khí tốt

Cha mẹ nên tạo một không khí đầm ấm trên bàn ăn. Trước khi ăn hãy tắt TV, để các thiết bị điện tử ra một bên để gia đình có thể thật sự ở bên nhau, kể cho nhau nghe về chuyện trường lớp, công việc…

Bữa cơm gia đình là thời điểm giúp thu hẹp khoảng cách với con cái, là thời điểm tốt để gây dựng, nuôi dưỡng bầu không khí gia đình ấm áp và hài hòa. Bởi thế các bậc cha mẹ hãy cố gắng nói những điều vui vẻ hơn với con, để các con có thể được khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Những hoàn cảnh thích hợp để dạy con

Việc giáo dục con là xuyên suốt trong cuộc sống của con, không chỉ là trên bàn ăn hay một thời điểm cụ thể nào đó. Chỉ cần cha mẹ tâm lý, hiểu con, thì sẽ lựa chọn được phương cách và thời gian thích hợp.

1. Khen ngợi con, tốt nhất là trước bữa ăn

Cha mẹ nên tận dụng thời gian trước bữa ăn để khích lệ trẻ. Nhờ đó trẻ chuẩn bị ăn trong trạng thái tinh thần và thể chất thoải mái, vui vẻ. Còn như việc nói ra những điểm không tốt để con cải thiện thì trước hay trong bữa ăn chỉ nên làm ở mức nhẹ nhàng, có thể dùng cách nói chuyện thoải mái hơn, không khiến trẻ cảm thấy nặng nề quá.

2. Giáo dục con những đạo lý nho nhỏ và cụ thể

Khi trẻ được lấy ví dụ bằng những việc làm cụ thể thì chúng sẽ lý giải sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn. Ví như khi đang cùng con dắt thú cưng đi dạo, bạn có thể nói với con rằng: “Con yêu, con nhìn xem, con chó nhỏ này rất vui khi được đi chơi, chứ để nó ở nhà một mình cả ngày, nó sẽ buồn chán lắm. Con nhớ thường xuyên dắt nó đi dạo nhé”.

3. “Đóng cửa” dạy con

Không nên quát mắng, phê bình, xử phạt trẻ trước mặt rất nhiều người, cần phải suy xét tới lòng tự tôn của đứa trẻ. Tâm hồn của trẻ rất nhạy cảm và mỏng manh, trừng phạt lỗi lầm trẻ trước chốn đông người sẽ gây tổn thương nghiêm trọng tới lòng tự trọng của trẻ, ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Trong nhiều trường hợp, trẻ không muốn thừa nhận sai lầm và thường cảm thấy xấu hổ.

Khi trẻ phạm sai lầm, bạn nên gọi con vào phòng riêng với thái độ bình tĩnh, trao đổi công bằng với trẻ. Bạn sẽ nhận thấy rằng trẻ bớt băn khoăn hơn, sẵn sàng mở rộng lòng mình, nói ra những suy nghĩ của mình.

4. Tâm sự cùng con trước khi ngủ

Trẻ em có quyền riêng tư, cũng có những bí mật, có một số điều xấu hổ, sợ hãi không dám nói ra. Ví dụ: trẻ đã lấy trộm thứ gì đó nhưng không dám thừa nhận; hay khi tới tuổi dậy thì, cơ thể trẻ có một số thay đổi và trẻ không dám nói ra… Để trẻ giữ tất cả bí mật trong lòng không phải là điều tốt, vì vậy cha mẹ nên cố gắng giúp đỡ và giải khai cho trẻ.

Thời điểm trước khi đi ngủ là cơ hội tốt nhất để làm điều này, bởi vì khi trẻ lên giường chuẩn bị ngủ, tâm lý phòng bị của chúng sẽ giảm xuống, chúng dễ dàng hơn khi nói với cha mẹ một số vấn đề phức tạp trong lòng.

Vì vậy, nếu bạn nhận ra trẻ gần đây đang buồn phiền không rõ lý do, bạn có thể cùng con ngồi trên giường tâm sự một cách chân thành cởi mở, cố gắng gợi ý cách giải quyết để giúp trẻ vượt qua khó khăn.

Thanh Vân

Xem thêm:

Mời xem video: