Bộ phim truyền hình Mỹ “Gilmore Girls” khắc họa tình mẹ con thân thiết. Họ nói chuyện với nhau về mọi thứ, họ vừa là mẹ con nhưng cũng vừa là những người bạn. Tuy nhiên, ngoài đời thực, nhiều bậc cha mẹ lại cảm thấy phiền lòng trước bầu không khí gia đình lạnh lùng, xa cách. Nhưng đừng lo lắng, các chuyên gia sẽ chỉ bạn 3 lời khuyên hữu ích để xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái mà mọi người đều ngưỡng mộ. 

mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Giao tiếp hiệu quả, bao gồm sự tương tác chất lượng trong gia đình, là điều rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái. (Ảnh: polkadot_photo/ Shutterstock)

Nhân viên xã hội lâm sàng người Mỹ Jourdan Travers đã viết trên trang web Psychology Today rằng, việc thiết lập một hoàn cảnh giao tiếp cởi mở trong đó cha mẹ và con cái có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ của mình có thể giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa đôi bên.

Travers tin rằng giao tiếp hiệu quả bao gồm sự tương tác chất lượng trong gia đình, điều này rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái.

Cô nói, trong giai đoạn trẻ đang phát triển tính cách, đứa trẻ có thể xa cách cha mẹ hoặc tìm kiếm những nguồn an ủi thay thế vì sợ bị phán xét hoặc thường xuyên bất đồng quan điểm.

Mặc dù việc trẻ tìm kiếm các phương tiện để thể hiện là điều tốt, nhưng mối quan hệ căng thẳng trong gia đình có thể khiến trẻ trở nên cáu gắt khó chịu với các chủ đề nhạy cảm. Điều này sẽ khiến tâm lý trẻ bị tổn thương, từ đó mà lạm dụng chất gây nghiện, đồng thời làm giảm lòng tin và sự an toàn hoặc gây ra cảm giác tự ti và nghi ngờ bản thân cho trẻ.

Vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một hoàn cảnh cởi mở và thoải mái, để các thành viên có thể giao tiếp tự do, không có e ngại. Nếu muốn có một mối quan hệ cha mẹ con cái tốt và hòa thuận, bạn nên chú ý đến 3 điểm sau: 

1. Làm cha mẹ có quyền lực nhưng sáng suốt

Mặc dù vẫn chưa có cẩm nang cơ bản nào để nuôi dạy con cái hoàn hảo, nhưng một điểm quan trọng rút ra từ nhiều năm nghiên cứu của Travers là không phải tất cả các phong cách nuôi dạy con hiệu quả đều lành mạnh. Cha mẹ nên hiểu sự khác biệt giữa độc đoán và quyền lực.

Travers cho rằng, cách nuôi dạy con độc đoán áp dụng những phương pháp trực tiếp chi phối và kiểm soát mọi hành vi của trẻ; trong khi đặc điểm của cách nuôi dạy con quyền lực được thể hiện ở việc tôn trọng tôn ti và trật tự của luân lý đạo đức, trẻ vẫn có thể có quyền tự chủ của bản thân.

Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Journal of Child and Family cho thấy, việc thay thế cha mẹ độc đoán bằng cha mẹ uy quyền sẽ mang lại 5 lợi ích lớn cho trẻ, bao gồm: 

  • Cha mẹ trợ giúp con đạt được sự độc lập về mặt cảm xúc .
  • Cha mẹ cho con quyền tự do bày tỏ ý kiến ​​và chia sẻ kinh nghiệm.
  • Cha mẹ giúp con xây dựng cảm giác an toàn và bồi dưỡng khả năng phục hồi cảm xúc.
  • Cha mẹ thúc đẩy con thể hiện bản thân một cách lành mạnh.
  • Cha mẹ giúp con phát triển những quan điểm độc đáo.

2. Xây dựng thói quen gia đình quy củ 

shutterstock 1793500474
Bạn có thể cùng trẻ đi ăn tối, định kỳ tổ chức những hoạt động gia đình và tạo ra những khoảnh khắc tương tác quý giá hàng ngày từ đó có được những cuộc giao tiếp hiệu quả.(Ảnh: takayuki/ Shutterstock)

Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tạp chí Journal of Family Psychology cho thấy, nhiều gia đình phải đối mặt với một thách thức đáng kể: Cần xây dựng những cuộc trò chuyện có ý nghĩa với con cái của họ. 

Nhà tâm lý học Jackie Nelson, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết, việc trải qua những căng thẳng cao độ trong cuộc sống, chẳng hạn như môi trường gia đình hỗn loạn, sẽ khiến cha mẹ mất khả năng kiểm soát, họ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tương tác với con cái một cách tích cực và có trách nhiệm. 

Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của thói quen gia đình có quy củ và thường xuyên để tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện dễ dàng và hiệu quả. Bạn có thể cùng trẻ đi ăn tối, định kỳ tổ chức những hoạt động gia đình và tạo ra những khoảnh khắc tương tác quý giá hàng ngày. 

Những phương pháp này sẽ tạo ra một môi trường gia đình ổn định, thúc đẩy quá trình giao tiếp hiệu quả, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

3. Thể hiện sự tin tưởng và kiên nhẫn 

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên Tạp chí British Journal of Developmental Psychology cho thấy trẻ em có thể bắt đầu chú ý đến việc thể hiện bản thân ngay từ khi còn học mẫu giáo, hơn nữa trẻ sẽ tỏ ra tích cực và cởi mở trong môi trường thoải mái hoặc tiếp xúc thông điệp tích cực.

Đối với một số bậc cha mẹ, việc dạy con thành thật với mình không phải là điều dễ dàng. Sự quan tâm quá mức của họ có thể gây ra xung đột, đặc biệt nếu con cái họ cư xử không như mong đợi. 

Tuy nhiên, để củng cố sự giao tiếp cởi mở và mang lại không gian an toàn cho trẻ, cha mẹ cần phải kiềm chế những cảm xúc tiêu cực và hoài nghi, đồng thời học cách tin tưởng và lắng nghe trẻ.

Cha mẹ ước thúc bản thân theo cách này không chỉ có thể tạo ra bầu không khí tin cậy mà còn tạo điều kiện cho con cái thoải mái tâm sự riêng tư, từ đó hướng dẫn con một cách hiệu quả và đảm bảo hạnh phúc cho chúng. 

Travers kết luận rằng giao tiếp hiệu quả là nền tảng để duy trì mối quan hệ cha mẹ và con cái lành mạnh và bền chặt. Thực hành 3 điểm chính trên sẽ giúp thu hẹp khoảng cách ngăn cản sự giao tiếp sâu sắc và gây nguy hại cho mối quan hệ cha mẹ và con cái.