Bạn có thể thay đổi bản thân để tốt hơn, nhưng bạn cần thành thật với bản thân mình, liệu bạn đã thật sự muốn thay đổi chưa? Hay chỉ đang để hài lòng người khác? Khi bạn đi ngược lại với cảm xúc thực của bản thân, trong sâu thẳm bên trong bạn sẽ tạo ra lực phản kháng khiến bạn đau khổ. Bạn cần thêm một bước nữa, cho đến khi thực sự sẵn sàng để thay đổi.

thay đổi bản thân
(Ảnh: Shutterstock)

Thay đổi vì bản thân mà không phải vì áp lực từ ai khác

Kiểu nhân cách bên trong của mỗi người đều có giá trị và ý nghĩa riêng, không thể nói là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Nếu bạn không muốn thay đổi hoặc chưa sẵn sàng cũng không sao, đây là quyền tự do của bạn, hãy tôn trọng suy nghĩ ​​này.

Bất cứ lúc nào, chỉ khi bạn muốn thay đổi, thì hãy tiến hành thay đổi. Chỉ khi bạn sẵn sàng thì đó mới là thời điểm hữu hiệu nhất để thực hiện mong muốn của mình.

Nếu một người không gây nguy hiểm cho người khác, bản thân không cảm thấy đau đớn và không muốn thay đổi, thì người khác không có quyền gây áp lực khiến người đó phải thay đổi. Bất cứ lúc nào, bạn luôn là chủ nhân của chính mình.

Nếu bạn cho rằng tính cách của bản thân bị chi phối bởi người khác và ngần ngại có nên thay đổi chúng hay không, thì hãy thử những gợi ý sau đây:

Bước đầu tiên để thay đổi: Đặt câu hỏi “Thay đổi vì ai?”

Bạn không cần phải làm hài lòng bất kỳ người có quyền lực nào cả, bạn chỉ đơn giản là vì bản thân bạn, thay đổi và hoàn thiện bản thân. Bạn hãy thành thật hỏi bản thân xem bạn có muốn thực hiện một số thay đổi hay không. Hãy chắc chắn rằng bạn đang làm điều này vì bản thân mình.

Hãy cố gắng lắng nghe tiếng nói của con tim. Nếu bạn không muốn thay đổi hoặc vẫn còn do dự, hãy tôn trọng cảm giác này và đừng ép bản thân phải tiến về phía trước. Hãy đợi cho đến khi bạn sẵn sàng thực hiện những thay đổi.

Một cô gái đến gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn, cô ấy nói: “Bạn bè tôi nói tôi không có chủ kiến và cần được tư vấn tâm lý nên tôi đến đây để nhờ tư vấn.”

Trong quá trình tư vấn, bác sĩ phát hiện cô ấy là người có thói quen phục tùng, không bao giờ bày tỏ quan điểm của mình trong các mối quan hệ, như thể cô ấy không có ý kiến ​​gì. Kỳ lạ hơn nữa là cô ấy không cảm thấy như thế là đau khổ. Nguyên nhân cô đến tư vấn là bởi vì bạn bè luôn nói với cô cho rằng cô có vấn đề và cần được tư vấn.

Cô cảm thấy nếu không đến tư vấn thì bạn bè sẽ rời xa cô, không có bạn bè sẽ thật cô đơn! Vì vậy, bác sĩ đã hỏi cố một số câu hỏi như: “Bạn có muốn thay đổi không? Rốt cuộc bạn thay đổi là vì ai?” 

Trong nội tâm cô dường như có một giọng nói rằng không muốn thay đổi. Nhưng cô không muốn thuận theo giọng nói này, vì nếu không thay đổi thì sẽ không còn bạn bè nữa, vì vậy nên cô cần phải thay đổi, cô phải thay đổi theo yêu cầu của bạn bè. 

Khi nói về cảm xúc, chủ đề này lập tức bị gián đoạn, bởi vì cô rất thất vọng và chán nản. Bác sĩ nói với cô: “Cô thấy đấy, cô cũng có sức mạnh, có sức mạnh phản kháng. Dù không thể diễn đạt bằng lời, nhưng hành động của cô đang làm được điều đó”.

Lúc này cô mới thở phào nhẹ nhõm. Cô nói: “Đúng, tôi không muốn thay đổi. Nhưng tôi buộc phải thay đổi vì áp lực từ họ”. Cô luôn cho rằng mình không có chủ kiến, nhưng thực ra, chỉ là cô chỉ không dám bộc lộ ra mà thôi.

Đó là bởi vì sự yếu đuối và phụ thuộc vào người khác đã trở thành chuyện thường tình trong các mối quan hệ của cô. Vì bị ép buộc phải thay đổi nên trong tiềm thức của cô vẫn luôn phản kháng lại việc tư vấn. (Ở bề mặt cô ấy có vẻ rất hợp tác, nhưng ở mức độ hành vi và cảm xúc, cô ấy rất phản kháng. Cô ấy vẫn giữ được chủ kiến còn lại của mình trong sự phản kháng này).

Trên thực tế, mỗi người đều cần phải đưa ra quyết định cho chính mình. Cũng giống như cô gái này, cô ấy có thực sự muốn đến tư vấn tâm lý vì người khác không? Nhìn bề ngoài thì là đồng ý tư vấn. Nhưng thực chất là vì bạn bè yêu cầu cô đến, nên cô mới đáp ứng nhu cầu của họ.

Cơ sở hành vi của cô ấy là sự lo lắng về việc không có bạn bè. Cô rất sợ bị bạn bè bỏ rơi, sợ cô đơn, cảm giác này rất đau khổ, đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến cô phải tìm người tư vấn.

Khi sếp nói với bạn: “Nếu bạn không hoàn thành tốt công việc kinh doanh này thì đừng đến làm việc nữa”. Bạn có cảm thấy mình đang làm việc chăm chỉ cho sếp không, chỉ vì muốn hài lòng sếp chứ không phải thật sự vì công việc không? Thực ra cần hiểu rằng sếp và bạn có chung lợi ích và mọi người đều cần bạn làm tốt công việc kinh doanh này. Cũng giống như cô gái này và những người bạn của cô, họ cảm thấy rằng việc thay đổi cách tương tác sẽ giúp ích cho tình bạn của họ. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể không thực hiện thay đổi nào, bởi vì bạn mới là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.

shutterstock 2026351277
Khi thực sự nhìn thấy mong muốn bên trong của bạn và nỗ lực vì nó, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Smit/ Shutterstock)

Bước thứ hai để thay đổi: Bạn đã sẵn sàng chưa?

Nhiều khi, chúng ta không muốn đối mặt với những điểm yếu của chính mình và nói rằng chúng ta thực hiện những thay đổi vì áp lực từ người khác. Nhưng đừng bao giờ quên rằng bạn có quyền tự do lựa chọn.

Vậy bạn hãy suy nghĩ xem, bạn có thường xuyên làm theo những gì người khác yêu cầu bạn làm không? Thực sự nhìn thấy mong muốn bên trong của bạn và nỗ lực vì nó, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Điều này thực sự cần có sự chuẩn bị, giống như câu chuyện ở trên, trước khi tư vấn, bác sĩ đã giúp khách hàng xác nhận xem liệu họ đã thực sự sẵn sàng hay chưa và liệu họ có thể bắt đầu tư vấn hay không.

Điều này rất quan trọng. Có được sự chuẩn bị này, khi cần đưa ra một quyết định nào đó, bạn sẽ ít đối đầu và phản kháng chống lại sự thay đổi hơn. Ngược lại, nếu bắt đầu mà không có sự chuẩn bị trước thì trước mắt bạn sẽ là khó khăn trùng trùng.

Vì vậy, bạn cần chuẩn bị tinh thần trước khi bắt đầu thay đổi. Nhưng bạn không bao giờ có thể đợi cho đến khi bạn hoàn toàn sẵn sàng mới bắt đầu, bạn chắc chắn sẽ gặp phải nhiều khó khăn và tình huống khẩn cấp khác nhau trong quá trình thay đổi. Vì thế “sẵn sàng” luôn là một khái niệm tương đối.

Cách đây vài năm, có một cô gái vừa mới tốt nghiệp đến tìm bác sĩ tư vấn. Mọi lựa chọn trong cuộc sống trước khi tốt nghiệp đại học của cô ấy đều do bố mẹ sắp đặt. Mặc dù cô đã đạt được những kết quả ấn tượng ở một lĩnh vực nào đó nhưng bố mẹ cô luôn dặn dò: “Con cần phải làm tốt hơn nữa, con phải đứng đầu huyện, đứng đầu cả nước, đứng đầu châu Á, thậm chí đứng đầu thế giới”. 

Cuối cùng, đến một ngày, cô không còn muốn thuận theo ý bố mẹ nữa. Cô cần một công việc để duy trì cuộc sống. Khi đó, cô cảm thấy mệt mỏi với việc chạy đua thành tích và cảm thấy mọi việc mình làm trước đây đều là vì bố mẹ. Bác sĩ nói với cô ấy: “Từ giờ trở đi, mỗi bước đi của em hãy vì bản thân em chứ đừng chỉ vì bố mẹ nữa.”

Phản hồi này khiến cô rất phấn khích, chuyên ngành mà trước đây cô chán nản bỗng trở nên có hứng thú với cô. Cô không còn ghét chuyên ngành của mình, ngược lại còn muốn phát triển sự nghiệp của mình hơn nữa. 

Sau đó, cô có được cơ hội việc làm và trải nghiệm sau này ngày càng truyền cảm hứng hơn. Cô chuyển từ một thị trấn nhỏ đến một thành phố lớn và thu nhập của cô tăng vọt. Hiện tại cô đã định cư ở một thành phố lớn, bố mẹ cô ấy rất tự hào khi nhìn thấy những thay đổi của con gái mình. Họ không còn yêu cầu cô ấy thuận theo ý mình nữa, thậm chí còn giúp cô ấy mua nhà ở thành phố đó.

Từ việc làm hài lòng bố mẹ để có chỗ đứng trong gia đình, đến việc sử dụng những kỹ năng đã học được để thể hiện tài năng ở các thành phố lớn; từ việc được bố mẹ không ngừng nâng cao kỳ vọng cho đến khi bố mẹ phải tự hào về mình. Cuộc hành trình kỳ thú của cô gái được ví như một bộ phim vậy.

Có thể bạn sẽ hỏi: Cô gái này đã hoàn toàn sẵn sàng thay đổi vào thời điểm đó chưa? Tất nhiên là không, cô chỉ cảm thấy đau khổ, ngột ngạt và ủy khuất. Cô không muốn tiếp tục sống như thế này, cô thậm chí còn không biết tư vấn tâm lý là gì nhưng cô sẵn sàng thử những điều mới và chấp nhận mạo hiểm.

Bước thứ ba để thay đổi: Cần có thời gian

Vậy thì, “khi nào bạn có thể bắt đầu thay đổi?” Ngay khi bạn gần như sẵn sàng, bạn hãy vừa cố gắng vừa đồng thời cảm nhận những thay đổi. Khi bạn muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, hãy lắng nghe tiếng nói của con tim: “Liệu tôi có thực sự muốn thay đổi không?” Nếu bạn muốn thay đổi, hãy nắm bắt những nguồn lực xung quanh và để chúng lấp đầy bạn.

Nếu bạn không muốn thay đổi hoặc chưa sẵn sàng cũng không sao, đây là quyền tự do của bạn, hãy tôn trọng suy nghĩ​​ này. Hãy thay đổi bất cứ khi nào bạn muốn, đây mới là phương thức hiệu quả nhất.

Để thay đổi bản thân, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần tự tin và trung thực để đối mặt với thay đổi. Tất cả chúng ta đều biết thay đổi là điều khó khăn, đặc biệt là thay đổi hành vi, tính cách, đó là một quá trình lâu dài.

Nếu ai đó mộng tưởng về sự thay đổi chỉ sau một đêm hoặc nó sẽ có hiệu quả như một loại linh đan diệu dược, thì bạn chắc chắn sẽ thất vọng. Bởi vì mọi thay đổi về chất đều được tích lũy từ những thay đổi về lượng.

Sẽ có rất nhiều nỗi đau và dày vò trong suốt chặng đường này, đồng thời sẽ có rất nhiều cảm xúc mà bạn không thể chịu đựng nổi. Hãy nhìn quá trình thay đổi từ góc độ phát triển, lâu dài, điều này sẽ giúp bạn mở rộng không gian của riêng mình. Khi bạn biết điều gì sẽ xảy ra trong suốt chặng đường và có hiểu biết nhất định về quá trình này, thì sự lo lắng và sợ hãi sẽ được giảm nhẹ.

Đối mặt với chính mình có nghĩa là đối mặt với sự tiêu cực, bất lực và sợ hãi bên trong con người bạn. Tuy nhiên, có một số người không dám đối mặt với sự thật. Họ luôn tìm cách chạy trốn bản thân mình. Bởi lẽ việc trốn thoát có thể mang lại cho con người cảm giác an toàn ngắn hạn, nên mọi người thường vẫn sẽ chọn cách trốn thoát theo thói quen hoặc thậm chí theo bản năng. Đôi khi bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi hoặc đau đớn, việc trốn thoát có thể bảo vệ bạn, nhưng cứ mãi chạy trốn sẽ làm tổn thương chính bạn.

Hãy nhớ rằng, bạn là một người độc lập và bạn cần hiểu rõ về bản thân mình. Chỉ như vậy, bạn mới có thể dần dần vững vàng và không còn phụ thuộc vào người khác trong tương lai.

Theo Epoch Times

Mộc Lan biên tập