Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo bắt chặt tay và nói với cô: “Chào mừng đến với nước Mỹ, cảm ơn cô đã đến gặp tôi”, Mina đã khóc.

“Tôi rất cảm động, cảm giác giống như cũng có người tôn trọng tôi, có người lắng nghe câu chuyện của tôi, nghe thỉnh cầu của tôi. Bởi vì ở Trung Quốc, dù chỉ là cảnh sát, họ cũng không chịu nghe tôi nói, hỏi tôi cần gì, (quan tâm) chuyện gì đã xảy ra với tôi, tôi chẳng là gì cả.”

Cô gái Duy Ngô Nhĩ: "Tôi đã mất tất cả, không thể im lặng thêm nữa"
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo bắt tay với cô Mina. (Ảnh: Twiter Pompeo)

Mina là một cô gái 29 tuổi người dân tộc Duy Ngô Nhĩ may mắn sống sót thoát khỏi trại tạm giam Tân Cương lưu vong đến Mỹ. Vào hôm 26/3, tại văn phòng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cô đã trình bày với Ngoại trưởng Pompeo và một số quan chức chính phủ khác về sự ngược đãi và tra tấn mà mình phải chịu ở trại tạm giam.

Trước đó, cô đã từng trình bày những chuyện này tại Quốc hội Hoa Kỳ và Câu lạc bộ báo chí Quốc gia Hoa Kỳ. Mina cho hay, cô bị bắt 3 lần ở Trung Quốc và phải chịu khổ hình, sau đó bị giam cùng mấy chục người phụ nữ khác trong nhà giam chật hẹp, trong khoảng thời gian đó đã có 9 người tử vong. Điều khiến cô đau lòng nhất đó là trong thời gian bị giam cầm, đứa con trai nhỏ tuổi của cô đã chết một cách khó hiểu dưới sự giám sát của chính quyền.

Nước mắt của cô Mina và sự đau đớn khi tan cửa nát nhà, mất người thân của cô khiến rất nhiều người xúc động, nhưng đồng thời điều này cũng “chọc giận” chính quyền Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho hay, những gì cô Mina nói là lời nói dối không đúng sự thật, nhưng các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN vẫn kiên trì đưa tin về sự việc này.

Vào ngày hôm sau, Mina đã nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) thông qua điện thoại rằng, ban đầu cô không hề có đủ dũng khí để đứng lên, khi vừa đến Hoa Kỳ, cô vẫn sống trong sự ám ảnh và sự sợ hãi cực độ.

“Ba tháng khi vừa đến đây, tôi không hề bước chân ra khỏi cửa, không gặp bất cứ ai. Hễ nhìn thấy cảnh sát, xe cảnh sát và chó là tôi sẽ vô cùng sợ hãi. Tôi sợ bóng tối, ban đêm khi ngủ đều phải để đèn sáng.”

3 tháng sau, cô quyết định lấy hết dũng khí để lên tiếng.

“Tôi đã mất tất cả rồi, công việc, bố mẹ, chồng, quê hương, bạn học trước đây và cả những sự bất công mà tôi gặp phải khi ở Trung Quốc, rất nhiều những người vô tội. Vì vậy tôi không thể nhắm mắt để những việc này qua đi, bởi vì tôi cũng là một người mẹ, một người phụ nữ.”

Khi ở trại tạm giam, Mina đã từng mất đi niềm tin vào cuộc sống.

“Tôi cảm thấy mình không thể nhìn thấy mặt trời được nữa, không thể gặp hai con của mình nữa và phải kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 28”. Cô nghẹn ngào một lúc rồi nói tiếp, “Tôi cũng muốn tự sát, nhưng tôi không làm được khi ở trong nhà giam, không có vật gì để khiến tôi nhanh chết đi được.”

Mina đã không chết, nửa năm trước cô đã đến sống tại ngoại ô thành phố Washington nhờ sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ. Cô cho hay, bây giờ cô không phải sống cho bản thân mình.

“Mạng sống thứ hai này của tôi chính là mạng sống của rất nhiều những người đang phải chịu sự tra tấn bên trong trại giam. Họ cần tôi lên tiếng. Tôi có thể không nói gì, tôi có thể nuốt xuống, nếu sống như vậy, bố mẹ tôi, anh chị em tôi ở quê nhà sẽ được bình an. Nhưng khi nghĩ đến những người vô tội bị hành hạ ấy, tôi không thể sống như thế này được, bởi vì mỗi ngày tôi còn yên lặng, khi nhắm mắt lại, hình ảnh của họ lại hiện ra trước mắt tôi.”

Mina mong được gia đình tha thứ, dù cô không biết giờ họ ở đâu, liệu có còn sống hay không.

Khi sống ở Hoa Kỳ, Mina vẫn lo lắng cho sự an toàn của mình, dù sự lo lắng này đã giảm dần trong một tháng qua.

Cô nói với VOA rằng: “Giọng nói của tôi, hình ảnh của tôi đều được công khai, tôi rất lo chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì đó với mình.”

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã gặp mặt hai phóng viên người Duy Ngô Nhĩ trong nhóm tiếng Uyghur của Đài phát thanh Á châu Tự do Washington là Coulee và Kege. Cả ba người họ đều có nhiều người thân bị chính quyền Trung Quốc giam giữ và tra tấn.

Ông Mike Pompeo khen ngợi việc họ dũng cảm lên tiếng trước sự ngược đãi của Trung Quốc và hứa rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ chấm dứt sự đàn áp của Trung Quốc đối với Hồi giáo cũng như các tôn giáo khác.

Phát ngôn viên của  Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Paradino đã lên tiếng rằng: “Câu chuyện về những người may mắn sống sót này chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm người may mắn sống sót khác từ cuộc đàn áp Tân Cương của chính quyền Trung Quốc. Họ lên tiếng thay cho hàng trăm người Tân Cương không thể lên tiếng cho bản thân, không có tự do hoạt động, suy nghĩ, không thể theo tín ngưỡng cơ bản nhất của mình.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải lập tức trả tự do cho gia đình của họ và tất cả những người bị bắt giam một cách vô cớ ở trại tạm giam.

Theo VOA
Minh Ngọc

Xem thêm: