Là một trong những nhân viên đầu tiên của Meta, CTO Bosworth luôn tự đối phó với khối công việc đồ sộ. Anh mong mọi người hãy nhìn nhận thực tế, không nên lãng mạn hóa văn hóa khởi nghiệp.

CTO Bosworth
CTO Andrew Bosworth của Meta nói về quá trình hình thành văn hóa khởi nghiệp ban đầu trong một cuộc phỏng vấn trên Lenny’s Podcast. (Ảnh minh họa: StockEU/ Shutterstock)

Trong cuộc phỏng vấn trên Lenny’s Podcast, giám đốc công nghệ của Meta, Andrew “Boz” Bosworth đã có những chia sẻ thực tế về cuộc sống khởi nghiệp.

Vào những ngày Facebook mới bắt đầu, các thành viên trong nhóm đều làm việc với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết. Họ giống như một nhóm bạn thân thiết làm việc, ăn uống cùng nhau và chỉ sống cách văn phòng khoảng 1,6 km. Bosworth – một trong những kỹ sư đầu tiên của Facebook đã có rất nhiều kỷ niệm quý giá với đội nhóm ngày ấy. 

Bây giờ, khi nhìn lại, anh thấy cuộc sống khởi nghiệp rất thú vị, rất quý giá, nhưng nó không hào nhoáng như nhiều người nghĩ.

Theo Bosworth, những câu chuyện thành công ở công ty khởi nghiệp thường được lãng mạn hóa nên mọi người không biết mọi chuyện thực sự diễn ra như thế nào sau cánh cửa.

“Mọi người hiếm khi được nghe về việc một người phải hy sinh như thế nào để làm được loại công việc đó”, vị CTO cho biết.

Bosworth cho biết anh đã từ bỏ việc giao tiếp xã hội và không thể tham gia nhiều hoạt động trong suốt độ tuổi 20 của mình. Theo anh, mọi chuyện có lẽ còn khó khăn hơn đối với Mark Zuckerberg – người đã thành lập công ty ở tuổi 19.

Bosworth không thể ăn uống lành mạnh, không có sở thích, liên tục tăng cân và uống rượu rất nhiều. Anh làm việc 120 giờ một tuần và không ngủ quá 4 giờ một ngày trong suốt 2 năm.

Khi làm việc trên hệ thống thiết bị chống thư rác, anh phải kiểm tra trang web 4 giờ một lần để đảm bảo không có cuộc tấn công nào. Nếu có, anh buộc phải thức và giải quyết vấn đề. Nếu không, anh có thể quay lại ngủ trong 4 tiếng.

“Họ không nói về những điều đó trong phim”, Bosworth nói.

Bosworth là kỹ sư đầu tiên của Facebook nên anh đã tự mày mò cách làm việc, xung quanh không có chuyên gia nào giúp đỡ anh cả. Khi gặp vấn đề, anh không thể hỏi bộ phận công nghệ thông tin, bộ phận nhân sự hay bất cứ đồng nghiệp nào. Anh chỉ có thể tự mình tìm giải pháp, giống như cách anh xử lý hệ thống chống thư rác. Anh khuyên những người quan tâm đến văn hóa khởi nghiệp nên học hỏi và tận dụng các quản lý/ lãnh đạo của họ càng nhiều càng tốt.

Sau tất cả những khó khăn, hiện Bosworth là giám đốc của một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, anh cũng muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là con đường phù hợp với tất cả mọi người.

“Có những người cũng làm điều tương tự, có thể họ làm việc chăm chỉ hơn, có thể họ thông minh hơn, có thể họ làm tốt hơn. Nhưng cuối cùng họ vẫn không đạt được thành công như họ muốn và đó là một sự hy sinh lớn”, Bosworth nói.

Bosworth rất thích sự nhiệt huyết, lòng đam mê của những người chọn làm việc tại công ty khởi nghiệp. Văn hóa khởi nghiệp rất phù hợp với những người coi rủi ro là một điều lành mạnh, một thử thách cần được chinh phục. Anh chỉ muốn mọi người lưu ý rằng con đường này rất khó khăn, không hề hào nhoáng như trên phim ảnh.