Ai cũng mong muốn gặt hái thành công, nhưng có những người thậm chí còn mong muốn đạt được thành công một cách nhanh chóng. Để đáp ứng tâm lý này, trong xã hội và Internet ngày càng tràn ngập những “sản phẩm cấp tốc”, dường như có thể trở thành chuyên gia vào ngày mai mà không cần kiến ​​​​thức cơ bản. Thực tế thì liệu có con đường tắt nào dẫn tới thành công không?

shutterstock 1912284115
Liệu có con đường tắt nào dẫn tới thành công? (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Ở các biển hiệu của các trung tâm luyện thi hay trên mạng xã hội nhan nhản các tiêu đề như “Ôn thi cấp tốc trong 1 tháng”, “Trở thành chuyên gia trong 3 tháng”… Tất nhiên, chúng sẽ thu hút các bậc phụ huynh đang rất nóng lòng muốn con mình thành tài nhanh chóng. Bởi điều họ nghĩ là: Muốn giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát, họ cần phải chạy đua với thời gian. 

Các khóa học cấp tốc có thực sự hiệu quả? 

Để xóa tan sự nghi ngờ của phụ huynh, những chiến dịch tiếp thị nhanh chóng này thường quảng bá một phương pháp học tập “độc đáo”, ngụ ý rằng nếu dựa vào bí quyết nhanh chóng này, bạn có thể đi đường tắt và nhanh chóng dạo bước trên con đường thành công. Vì vậy, các bậc cha mẹ đã mạnh dạn cho con tham gia các khóa học cấp tốc, kết quả là họ phải tốn rất nhiều tiền, cuối cùng phát hiện rằng mình bị lừa, hơn nữa còn khiến con trẻ mất đi hứng thú vào việc học.

Ví dụ, phương pháp viết thư pháp cấp tốc độc đáo là gì? Nó không gì khác hơn là rèn luyện nghệ thuật thư pháp trở thành một kỹ năng, không cần luyện tập lặp đi lặp lại từng nét cơ bản, các quy tắc viết chữ, sắp xếp bố trí thành chữ hoàn chỉnh, mà chỉ cần rèn luyện kỹ năng viết nhanh và gọn. 

Các lớp học vẽ cấp tốc thậm chí giống như những dây chuyền sản xuất hàng loạt, với cách vẽ y chang nhau, những tác phẩm gương mặt, mũi, mắt,… giống như đúc. Những khóa học cấp tốc kiểu như vậy đang bóp nghẹt trí tưởng tượng của trẻ và khiến chúng không thể tận hưởng niềm vui vẽ tranh hay sáng tạo những tác phẩm của riêng mình. Trong quá trình huấn luyện khuôn mẫu như vậy, con trẻ sẽ dần đánh mất đi niềm hứng thú ban đầu. Vậy thì thà phụ huynh đừng để con tham gia còn hơn. 

shutterstock 1622932090
Ép con phải thành công nhanh chóng ngược lại sẽ khiến trẻ sẽ dần đánh mất đi niềm hứng thú ban đầu.(Ảnh: BearFotos/ Shutterstock)

Đạo Đức Kinh nói: “Thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc”, ý nghĩa là ít một chút thì chắc chắn là có thu hoạch, nhiều quá thì thường khó thành công. Hơn nữa, chỉ khi tâm trí bình tĩnh thì mới có thể tiếp thu kiến thức, không ngừng phát triển bản thân và tận hưởng cuộc sống. Để đạt được thành công thực sự, hãy gạt bỏ ý nghĩ vội vàng để có kết quả nhanh chóng. Khi thấy mình đang quá gấp rút, hãy nhắc bản thân rằng “chậm lại một chút, thong thả lại một chút”. 

“Nhanh tức là chậm” và “tinh thần vụng về” của Tăng Quốc Phiên

Ông Đoàn Vĩnh Bình là chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia BBK và là một ông trùm người Mỹ gốc Hoa, đã thu được lợi nhuận khổng lồ khi đầu tư vào NetEase, GE, Apple và các công ty khác, đồng thời trở thành một trong những “nhà đầu tư giá trị” nổi tiếng của Trung Quốc. Ông tóm tắt kinh nghiệm đầu tư của mình là: Fast is low (nhanh tức là chậm). Ông nói: Cao thủ không phải là người hoàn hảo nhất, mà là người điềm tĩnh nhất. Ông dẫn ví dụ về “tinh thần vụng về” của Tăng Quốc Phiên để minh họa điều này.

Tăng Quốc Phiên, một vị trọng thần nổi tiếng vào cuối nhà Thanh. Ông nói rằng: “Kẻ vụng về nhất, lại có thể là người khéo léo nhất. Bởi vì kẻ vụng về biết rằng mình thua kém người khác, vì vậy tự bản thân sẽ biết hành động khiêm tốn”

Chính bản thân Tăng Quốc Phiên cũng không tham lam những lợi ích nhỏ nhặt hoặc dựa vào những thủ đoạn kỹ xảo, mà đánh trận một cách thiết thực và vững chắc. Ông chủ trương không đánh những trận chiến mà không có sự chuẩn bị và không chắc chắn. Ông sẽ luôn nỗ lực nghiên cứu tình hình hai phe, triển khai chiến đấu, tiếp tế hậu cần, ứng cứu trong trường hợp có tình huống bất lợi, v.v. Chỉ khi đã tính toán kỹ lưỡng mọi mặt, ông mới đưa ra quyết định chiến đấu. Nếu không ông sẽ không hành động. 

Kỳ thực, dù đầu tư để kiếm tiền hay ra trận, chậm một chút không phải là chịu bất lợi hay thua thiệt, mà ngược lại là một sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo để có thể thành công trong tương lai. Điều này hẳn là cũng đúng với việc định hướng học tập cho trẻ.

Sự mù quáng của việc mong cầu “chiến thắng từ vạch xuất phát” 

Khi các vận động viên thi đấu, việc giành lợi thế ngay từ đầu để kiểm soát tình thế trận đấu quả thực rất hữu ích. Tuy nhiên, những vận động viên có kinh nghiệm sẽ không quá chú ý đến vạch xuất phát và bỏ qua những yếu tố quan trọng hơn như chiến lược tổng thể, kỹ năng, sức chịu đựng, v.v.

Điều tương tự cũng xảy ra với sự phát triển của trẻ. Tất cả mọi đứa trẻ đều không giống nhau, mỗi đứa trẻ đều có tư chất và đặc điểm riêng. Cuộc sống của mỗi người cũng sẽ không giống nhau, có người nổi tiếng khi còn trẻ, có người có tài nhưng thành đạt muộn. Sự trưởng thành của một đứa trẻ là một quá trình lâu dài và phải phù hợp với quy luật thể chất và tinh thần của trẻ. Nếu bạn mù quáng muốn con bạn chiến thắng ngay từ vạch xuất phát, kết quả có thể khó mà tưởng tượng được. 

Chậm lại một chút để nắm trong tay chiến thắng một cách vững chắc 

Cha mẹ đều mong muốn con mình thành rồng thành phượng, nóng lòng mong con đạt được thành công, dường như đang khuyến khích để con cố gắng mỗi ngày, nhưng lại vô tình rơi vào những cái bẫy coi trọng thành tích và cạnh tranh. Đồng thời cũng xem nhẹ tính cách, sở thích của con cái và tước đoạt cơ hội khám phá của trẻ, điều này cũng sẽ kìm hãm khả năng phát triển tiềm năng bên trong của trẻ.

So với những thành tích nổi bật, cha mẹ nên chú ý hơn đến khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của con. Những năng lực này chỉ có thể được phát triển dần dần trong môi trường tự do, chứ không thể bộc lộ qua một sớm một chiều được.

shutterstock 395681131
Đạo Đức Kinh nói: “Thiểu tắc đắc, đa tắc hoặc”, ý nghĩa là ít một chút thì chắc chắn là có thu hoạch, nhiều quá thì thường khó thành công. (Ảnh: DenisProduction.com/ Shutterstock)

Những đứa trẻ sống chậm sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự kiên trì và chỉ trong sự “chậm rãi” mới có đủ điều kiện để phát triển lành mạnh. Khi truy cầu tốc độ thì không thấy được những điều quan trọng, cuối cùng sẽ không đạt được gì. Nếu chỉ thấy lợi ích ngắn hạn thì không đạt được những điều vĩ đại. Một đứa trẻ nếu bị dẫn dắt với tâm lý nóng vội như vậy sẽ trở nên lo lắng, thiếu kiên nhẫn và nhanh chóng mất hứng thú, nhiệt tình với bất cứ việc gì trong vòng vài phút. Thực chất đây là cảm xúc nổi loạn của trẻ. 

Chu Hi là một nhà Nho học và nhà giáo dục thời Nam Tống, đã học thiền từ khi còn là một cậu bé. Tuy nhiên, chỉ ở tuổi trung niên, ông mới nhận ra rằng thành công nhanh chóng không phải là một điều tốt, thành công chỉ có thể đạt được sau khi làm việc chăm chỉ. Ông cho rằng, việc học cần phải chi tiết chứ không nên hời hợt, có nền tảng vững chắc, không nên quá tham vọng, thà làm việc chăm chỉ còn hơn là thủ đoạn bất chính.

Dù là việc học hay làm việc gì cũng đừng đi đường tắt. Nếu gặp khó khăn thì tạm thời đi đường vòng cũng không phải là không được. Nếu đi đường tắt, bạn sẽ phát hiện rằng càng đi, bạn càng cách xa mục tiêu. Trong xã hội hiện đại và hối hả ngày nay, điều đặc biệt quan trọng là trẻ cần biết cách duy trì tâm thái lành mạnh và phát triển tâm lý điềm tĩnh. Cha mẹ thông minh biết rằng cần để con mình chậm lại và trưởng thành vững chắc bằng những nỗ lực không ngừng. 

Vision Times tiếng Trung

Ngữ Yên biên tập