Cô ấy còn hơn cả một người sống sót… Cô ấy là một phụ nữ dũng cảm, cương quyết, kiên định, liều lĩnh và giàu cảm xúc, đã quyết định dấn thân và kể lại những trải nghiệm kinh hoàng tồi tệ nhất tại hang ổ của ISIS để từ đó giúp những người khác không phải nếm trải điều tồi tệ tương tự” – Samantha Power, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc và là Người Phụ nữ của năm 2014 đã có lời giới thiệu ngắn gọn như vậy về Nadia Murad.

(Ảnh: JASON SCHMIDT)
Nadia Murad được Nghị viện châu Âu trao tặng giải thưởng Sakharov về tự do tư tưởng và tự do ngôn luận vào năm 2016. (Ảnh: JASON SCHMIDT)

Khi Nadia Murad (23 tuổi) thoát khỏi sào huyệt của ISIS vào mùa thu năm 2014, cô đã phải chạy trốn qua nhiều con phố của thành phố Mosul, Iraq để tìm kiếm một ngôi nhà có thể che chở cho cô.

Sự khủng bố kinh hoàng đang phía sau cô – đó là 3 tháng bị giam giữ và tra tấn. Còn tự do đang ở phía trước nếu cô chọn đúng cánh cửa để gõ. Cuộc sống của cô phụ thuộc vào sự lựa chọn đó, liệu những người bên trong ngôi nhà cô sẽ gõ cửa có thể giúp đỡ cô hay sẽ gửi cô về lại cho những người đàn ông đã bắt cóc và hãm hiếp cô? Cô đã hít một hơi thật sâu và gõ cửa…

“Tôi đã không tin rằng trong số 2 triệu người ở Mosul lại có ai đó cũng đủ tử tế để sẵn sàng giúp đỡ, nhưng gia đình này đã làm như vậy”, Murad nói.

Sau khi cho cô vào nhà, họ đã lắng nghe câu chuyện của cô, và sau đó đưa cô ra khỏi thành phố như một trong những thành viên của gia đình họ. Đối với cô, đó là một bài học về sức mạnh cứu độ của lòng tốt và sự can đảm dám đứng lên vì chính nghĩa. Đây là bài học mà chính bản thân cô hiện nay truyền đến cho người dân thế giới.

nadia_amal.png
(Ảnh: M. STAN REAVES/REX/SHUTTERSTOCK)

Nadia Murad là người gốc Yazidi, tín đồ của một tôn giáo cổ xưa ở miền bắc Iraq. Cô là một trong 6.700 phụ nữ và các cô gái trẻ đã bị bắt cóc ngay tại nhà của mình bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS. Trong 2 năm rưỡi qua, nhóm phiến quân cực đoan này đã làm các video chặt đầu các nhân viên cứu trợ nước ngoài và các nhà báo, chúng cũng tiến hành diệt chủng người Yazidis và các nhóm thiểu số khác để chiếm đóng lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Hiện nay, với tinh thần can đảm và hành động mạnh mẽ của mình, Nadia Murad đang cố gắng đưa ISIS ra công lý.

Cô nói: “Đối với tôi, công lý không phải là để đánh bại họ. Họ là những kẻ máu lạnh, không quan tâm đến cái chết. Họ thậm chí còn dám cho nổ tung cả con cái của mình”.

Thay vào đó, cô đang kiện những kẻ khủng bố lên Tòa án quốc tế và muốn các chiến binh cực đoan nghe được những câu chuyện của các nạn nhân.

Murad chia sẻ: “Tôi muốn họ lắng nghe cậu bé 5 tuổi mà họ đã bắt cóc, cô bé 9 tuổi mà họ cưỡng hiếp và bà mẹ 30 tuổi có con bị giết”. Cô tin rằng, điều đó là bước đầu tiên để chấm dứt nạn diệt chủng. “Bằng cách lắng nghe các nạn nhân của họ, tôi muốn họ cảm nhận được những gì họ đã làm”.

Nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền Kati Marton nói rằng những tội ác này thường bị bỏ qua, nhưng Murad đang làm cho điều này được chú ý trên toàn cầu.  

Kati Marton nói: “Nadia, một nhân chứng dũng cảm và hùng hồn về sự tàn bạo của ISIS, là tiếng nói của một phong trào mới. Cô ấy làm cho Hoa Kỳ và Tòa án Hình sự Quốc tế phải quan tâm”.

>> Tướng Ả Rập Xê Út: Ủng hộ chính quyền Trump chống IS và cứng rắn với Iran

Murad sinh ra lớn lên trong một làng quê yên bình được gọi là Kocho, nép mình trong những ngọn núi phía bắc Iraq.

“Đó là một ngôi làng xinh đẹp và điều đẹp nhất trong đó là nhà tôi và gia đình tôi”, Murad hồi tưởng lại.

Vào tháng 8/2014, ISIS bắt đầu tấn công khu vực nơi Murad sinh sống, và nhiều người Yazidis đã chạy trốn khỏi núi Sinjar tới nơi an toàn cho đến khi có các cuộc không kích của Hoa Kỳ mới giúp họ vượt biên tới Kurdistan.

Murad và 600 người làng của cô đã không gặp may mắn. Vào ngày 15/8, các tay súng ISIS trong xe tải Toyota màu trắng treo cờ đen đã xâm chiếm ngôi làng và chia tách phụ nữ khỏi nam giới. Phụ nữ được đưa tới trường học, nơi họ chỉ có thể nhìn qua cửa sổ khi các chiến binh cực đoan tấn công đàn ông và các cậu bé, trong đó có cả 6 anh em của Nadia. Bên trong, cô ấy nghe tiếng súng mà không thể làm gì.

Sau đó, các chiến binh tiếp tục chia đôi nhóm phụ nữ trẻ và già hơn. Murad và các chị em của cô đã bị bắt làm nô lệ tình dục, trong khi mẹ cô do quá già nên đã bị hành quyết. Bị tống lên xe buýt, những phụ nữ trẻ đã liên tục bị hãm hiếp suốt quãng đường về lãnh thổ nơi phiến quân chiếm đóng.

Nhà nước Hồi giáo cực đoan ISIS đã tiến hành diệt chủng người Yazidis và các nhóm thiểu số khác để chiếm đóng lãnh thổ ở Iraq và Syria.

Trong những tuần sau, một số cô gái đã bị xích lại với nhau, bán đấu giá, và trao tay qua 20 đến 30 người đàn ông. Nhiều người đã tự tử. Murad cố gắng trốn thoát nhưng bị bắt lại, bị đánh, hãm hiếp và bị dí điếu thuốc lá đang cháy vào người. Do bị biệt giam, cô không biết thông tin về các chị em mình, tháng ngày bị bắt và nơi cô ở.

Một ngày, vào khoảng sau 3 tháng bị giam giữ tại Mosul, cô đã nhìn thấy một cánh cửa mở và chạy trốn. Khi đó, cô đi theo những người buôn lậu vào tới Kurdistan, cuối cùng đến được Zakho, một trại tị nạn ở khu vực người Kurd ở Duhok.

Ở đó, Murad gia nhập vào nhóm cùng hàng trăm phụ nữ và bé gái bị tổn thương khác đã trốn khỏi lãnh thổ ISIS. Một cách kỳ diệu, chị gái của cô là Dimal, 28 tuổi, cũng đã trốn thoát và đến được trại tị nạn. Hầu hết những phụ nữ này không có gì: không tiền, không thức ăn, không có áo cho mùa đông sắp tới. Những người cha và anh em trai của họ đã bị thảm sát. Các bà mẹ của họ bị mất tích hoặc vẫn còn bị nô dịch bởi ISIS. Cho đến ngày nay họ vẫn không có cơ hội trở về nhà; ở đó giờ không còn gì ngoài đống tàn tro.

Nhưng có một điều mà các cô gái trẻ ở trại tị nạn có thể làm: kể những câu chuyện của họ. Yazda, một tổ chức phi chính phủ được thành lập để hỗ trợ người Yazidi, đã thu thập lời khai của những nạn nhân may mắn sống sót, kết hợp với nhau để vẽ lên bức tranh bi thương của 5.000 người. Murad nhận thấy rằng, bằng cách nói ra trải nghiệm của mình, có thể giúp ích cho người khác.

Cô nói: “Tôi muốn mọi người biết đây không phải là điều chỉ xảy ra với Nadia. Chuyện này đã xảy ra với hàng ngàn cô gái. Tôi muốn cả thế giới biết điều đó”.

Nhận thấy sức mạnh trong tiếng nói của Murad, Yazda đã đưa cô đến Hoa Kỳ để gửi thông điệp tới Liên Hiệp Quốc. Cô bây giờ đã trở thành một nhà lãnh đạo trong nỗ lực đưa ISIS ra công lý về tội diệt chủng ở Syria và Iraq tại Toà án Hình sự Quốc tế. Các nhà hoạt động nhân quyền như luật sư Amal Clooney cũng đã tham gia vào vụ kiện của cô.

Murad Ismael, Giám đốc điều hành của Yazda nói:

“Nadia là một người đặc biệt với trái tim và tinh thần tuyệt vời. Cô ấy không bao giờ sống vì mình, cô sống và hành động vì người khác. Đây là cách để cô ấy sống với nỗi đau đó”.

Nadia Murad Basee Taha tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về nạn buôn bán người trong hoàn cảnh xung đột. (Ảnh: Liên Hợp Quốc)
Nadia Murad Basee Taha tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về nạn buôn bán người trong hoàn cảnh xung đột. (Ảnh: Liên Hiệp Quốc)

Vào tháng 4/2016, Murad nhận được tin tức đau lòng: cháu gái Kathrine 19 tuổi bị bắt cóc của cô đã trốn thoát được những kẻ bắt cóc, nhưng lại dẫm phải mìn (IED) do ISIS gài bẫy và chết. Murad quay trở lại miền bắc Iraq để viếng cháu gái và phát hiện điều đáng ngạc nhiên nhất: Cô được hàng ngàn nạn nhân của ISIS sống trong các trại tị nạn chào đón.

Murad Ismael nói: “Mọi nơi cô ấy qua, cô ấy đều được vây quanh bởi các cô gái trẻ. Cô ấy là người hùng của họ”.

Và Murad hứa sẽ tiếp tục lên tiếng, dù ở Iraq hay Stuttgart, Đức – nơi cô sống cùng với Dimal và những người sống sót khác hoặc tại New York – nơi cô đã cầu xin Liên Hiệp Quốc can thiệp.

“Nếu việc chặt đầu, nô lệ tình dục, hãm hiếp trẻ em, và hàng triệu người phải di tản không buộc bạn hành động thì khi nào bạn sẽ hành động đây?”, cô đặt câu hỏi.

Murad mong muốn cô đã không phải làm công việc này. Cô không thích ánh đèn sân khấu và chỉ luôn khao khát có được cuộc sống và gia đình yên bình như xưa.

Cô nói: “Thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi là khi được ở trong làng cùng với mẹ, chứ không phải là lúc gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới như hiện nay”.

Tuy nhiên, cô đã trở thành một tiếng nói mạnh mẽ và ISIS đã nhận thấy điều đó. Nhóm này đã phát đi những lời đe doạ về cái chết của cô, một số người thân trong gia đình cô đã bị bắt giam. ISIS đã thực hiện một chiến dịch tẩy não các cậu bé và biến chúng thành các chiến binh nhí – cháu trai của Murad, bây giờ mới 13 tuổi, là một trong số đó.

Hồi hè 2016, khi đang ở nhà tại Stuttgart, cô đã nhận được một cuộc điện thoại đặc biệt. Đó là cháu trai của cô, gọi điện thông qua phần mềm WhatsApp và ra lệnh cho cô trở lại lãnh thổ của IS. “Chúng tôi biết cô đang làm gì. Chúng tôi đã nhìn thấy cô trên TV”, cậu ta nói. Sau đó, người chỉ huy lấy điện thoại và đe dọa: “Không ai có thể ngăn chúng tôi, và cô cũng không thể làm được”. Murad không chùn bước, cô nói: “Anh và những người bạn của anh sẽ bị đưa ra công lý”.

Bất chấp những mối đe dọa đó, Murad không dừng lại. Cô đã bắt đầu một sáng kiến toàn cầu chống lại nạn diệt chủng tại trang web mang tên cô: nadiamurad.org. Mục đích trước tiên là giúp đỡ những phụ nữ Yazidi đang bị mắc kẹt trong các trại tị nạn ở Iraq trong khi mùa đông khắc nghiệt lại tiếp tục đến. Sau đó, cô hy vọng sẽ chiến đấu chống lại nạn diệt chủng tại bất cứ nơi nào nó xảy ra trên thế giới.

Cô khẳng định:

“Tôi không sợ họ. Họ có thể làm gì hơn nữa với tôi? Bây giờ trong tôi không còn chỗ cho nỗi sợ hãi nữa!”.

Theo glamour.com
Minh Anh

Xem thêm: