Đao Lang – một ca sĩ nổi tiếng trên internet tại Trung Quốc – gần đây phát hành album mới có tên “Sơn ca liêu tai” (There are few folk songs), trong đó có ca khúc “Điên đảo ca” gây nổi sóng dư luận, chỉ ra nhiều hiện tượng ngạo ngược trong xã hội Trung Quốc ngày nay.

1. Người bán rau không ăn rau của mình bán, đầu bếp không ăn đồ ăn của quán ăn mình nấu

Không còn nhiều hàng tốt giá rẻ, hầu hết các loại rau bán trên thị trường Trung Quốc đều có thuốc trừ sâu, chỉ một lượng nhỏ không có thuốc trừ sâu được người bán giữ lại để tiêu dùng trong nhà.

Thực phẩm xuất khẩu ra nước ngoài không có bất kỳ chất phụ gia nào, nhưng sản phẩm bán trong nước là không thể thiếu chất phụ gia. Chỉ có các đầu bếp mới biết bếp đồ ăn của một nhà hàng có sạch sẽ hay không, bản thân họ cũng cảm thấy kinh tởm.

2. Không còn phân biệt nam và nữ

Đàn ông đua nhau khoe sắc kiểu nữ tính, số đàn ông có nam tính thực sự rất hiếm. Ngược lại, khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng bắt gặp những “đả nữ” giỏi hút thuốc nhậu nhẹt, một chút bất hòa là đánh nhau, những cô gái ngoan hiền ngày càng hiếm.

3. “Gái ế” ở đô thị ngày càng nhiều, nhưng “trai ế” ở nông thôn không dám ngó

Ngày nay, “gái ế” Trung Quốc chủ yếu tập trung ở thành thị, còn “trai ế” chủ yếu sống rải rác ở nông thôn.

Xem trọng tình người và đạo làm người đã trở thành dĩ vãng, thay vào đó là sự kén chọn về ngoại hình, học vấn, tiền lương và thậm chí cả cha mẹ. Hệ quả là các đô thị tràn ngập phụ nữ lớn tuổi sống độc thân, trong khi hàng chục triệu đàn ông ở nông thôn không tìm được vợ.

4. Trước viện dưỡng lão không bóng người, trước nhà trẻ luôn đông phụ huynh

Có câu “trăm thiện lấy hiếu làm đầu”, nhưng thực tế Trung Quốc ngày nay thì “ông nội như cháu, cháu như cụ tổ”. Ngày nay trẻ em Trung Quốc ngày càng được nuông chiều, cảnh 6 người lớn vây quanh một đứa trẻ là cảnh thường thấy trong các gia đình. Cha mẹ cả đời vất vả vì con cái, đến tuổi già cần được nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải tiếp tục bận rộn.

5. Xưa nói ai thật thà là khen, nay nói ai thật thà là chửi

Người thực sự có năng lực thường không được bố trí công việc, kẻ được bố trí công việc thì không xem trọng công việc. Kẻ giỏi nịnh nọt dễ thăng quan tiến chức; người chỉ biết làm việc thì không những bị người khác coi thường, còn dễ bị ám hại sau lưng.

6. Kẻ thiếu nợ như ông nội, người cho vay như con cháu

Trước khi mượn tiền thì nói lời ngon ngọt, sau khi mượn được tiền lập tức như trở thành một người khác, khi bạn muốn họ trả lại thì bạn sẽ thành kẻ thù của họ. Vốn dĩ nếu biết giữ chữ tín thì lúc mượn lại không khó, nhưng hiện tượng phổ biến hiện nay là: Kẻ thiếu nợ thì kiêu như ông nội, người cho mượn thì khiêm cung như con cháu của kẻ nợ mình.

7. Hàng trăm người bạn trên điện thoại nhưng như không quen ai

Dù bạn bè quen biết ngày càng nhiều, nhưng lúc muốn tâm sự thì không biết tâm sự cùng ai. Do cách truyền tin thời hiện đại rất nhanh khiến việc giao tiếp rất thuận tiện, vòng tròn quan hệ xã hội của mọi người không ngừng được mở rộng. Mở danh bạ điện thoại có ít nhất hàng trăm người bạn, nhưng kiểm tra nhiều người trong số họ thì nhiều khi không thể nhớ đã thêm họ làm bạn bè lúc nào.

8. Người nổi tiếng trên Internet kiếm tiền nhanh và kiếm được nhiều tiền hơn cả các nhà khoa học

Nhiều bạn trẻ bây giờ nếu hỏi thích minh tinh nào thì nói rành rọt, còn nếu hỏi hâm mộ nhà khoa học nào thì bối rối không biết trả lời sao. Những người nổi tiếng trên Internet kiếm tiền rất dễ dàng, họ có thể kiếm được hàng trăm triệu trong một buổi phát sóng trực tiếp.

Biết họ rất dễ kiếm tiền và không thiếu tiền, tại sao bạn lại cứ luôn ban tặng cho họ số tiền lương ít ỏi hàng tháng của bạn [vì những thứ nhảm nhí]?

9. Trước tìm mọi cách để sinh thêm con, bây giờ bị ép cũng không muốn

Thậm chí một số thanh niên không sẵn sàng muốn kết hôn lập gia đình. Trước đây chính quyền chỉ cho phép sinh một con, nhiều người thà chấp nhận nộp phạt để sinh thêm con, bây giờ được phép sinh 2 con và khuyến khích 3 con nhưng nhiều người thậm chí còn không muốn có 1 con.

10. Yêu chó mèo hơn cha mẹ

Bây giờ đa số bạn trẻ chỉ yêu chó mèo chứ không yêu trọng người già, họ có thể sẵn sàng chi tiền nuôi thú cưng hơn chi cho chăm sóc cha mẹ; bọn trẻ rất chăm tắm rửa cho thú cưng nhưng chẳng bao giờ rửa chân cho cha mẹ .

Rõ ràng đạo lý làm người bị đảo lộn như vậy đang thành nỗi nguy hiểm cho sinh tồn của loài người!

Khải Lạc, Vision Times

48