Dù nhận được mức lương hơn 7 tỷ đồng ở tuổi 29, kỹ sư Google vẫn thấy hối tiếc về những điểm này trong tấm CV của mình.

ky su google
Được 3 gã khổng lồ công nghệ để mắt tới tấm CV, thế nhưng, ở năm 2024, Sahil Gaba vẫn muốn điều chỉnh một số điểm không vừa ý trong CV cũ của mình (Ảnh: Bumble Dee/ Shutterstock)

Sahil Gaba (đến từ Ấn Độ) vốn là một thạc sĩ ngành kỹ thuật cơ khí nhưng đã chuyển hướng sang học khoa học máy tính vì thấy ngành này cơ hội việc làm tốt hơn.

Trong lúc chuẩn bị tốt nghiệp thạc sỹ, Sahil Gaba bỗng nhận thấy sức hấp dẫn của khoa học máy tính nên đã quyết định thử sức với nó. Anh đã dành ba, bốn tháng để học lập trình.

“Lúc đó tôi khá lạc quan. Tôi đến thị trường việc làm để kiếm một công việc, nhưng tôi không thể vào được các công ty Big Tech”, anh nói.

Cuối cùng, anh nhận được công việc kỹ sư phần mềm tại một công ty fintech nhỏ ở Chicago. Tuy vậy, anh nhanh chóng nhận thấy môi trường công ty không phù hợp với nhu cầu muốn liên tục cập nhật, học hỏi các kỹ năng mới của mình.

“Tôi khao khát được làm việc ở Big Tech”, anh nói.

Với mục tiêu rõ ràng như vậy, anh quyết tâm dành cả buổi tối để học các công nghệ mới và trau dồi kỹ năng phỏng vấn của mình.

Sau 2 năm làm việc tại công ty ở Chicago và hàng trăm lần bị từ chối sau đó, anh đã có công việc đầu tiên ở Big Tech: Vị trí kỹ sư phần mềm tại Amazon.

Trong vòng 18 tháng kể từ khi bắt đầu làm việc tại Amazon, anh đã nhận được lời đề nghị từ Meta, Uber và Google – tất cả chỉ cách nhau vài tuần. Cuối cùng, anh nhận lời làm việc tại Google với mức lương khởi điểm khoảng 300.000 USD một năm. Lúc đó anh 29 tuổi.

Tấm CV đã giúp Gaba được 3 gã khổng lồ công nghệ để mắt tới. Thế nhưng, ở năm 2024, anh vẫn muốn điều chỉnh một số điểm không vừa ý trong CV cũ của mình.

1. Mục đầu tiên nên là kinh nghiệm chứ không phải kỹ năng

Gaba viết bản CV này trước khi nhận được công việc ở Amazon. Lúc đó, do kinh nghiệm làm việc chưa vững nên anh đã đặt mục kỹ năng lên đầu tiên. Giờ nhìn lại, anh tin rằng đưa kinh nghiệm lên đầu sẽ hợp lý hơn. Anh vẫn sẽ liệt kê các kỹ năng của mình nhưng chỉ ở mức độ bổ sung thêm.

2. Tập trung vào cái mới

Tiếp theo, Gaba sẽ hạn chế nói về những thành tích ở trường đại học. Anh nói: “Những danh hiệu và giải thưởng đó đã có từ rất lâu rồi. Nếu gần đây bạn không đạt được thành tựu nào mới thì bạn nên bỏ qua chúng. Logic tương tự áp dụng cho các phần như khóa học đã học”.

3. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản

Gaba của năm 2024 ưu tiên việc diễn đạt dễ hiểu thay vì sử dụng ngôn ngữ cầu kỳ khó nắm bắt. Trước đây anh cố tình dùng những từ viết tắt vì nghĩ chúng thú vị. Nhưng bây giờ thì anh đã biết dùng từ ngữ khó hiểu có thể khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm.

4. Không chú trọng đến bằng cấp

“Tôi đã học hành chăm chỉ để lấy được tất cả những tấm bằng đó, nhưng tôi biết trong môi trường làm việc thực tế thì chúng không quan trọng lắm”, anh nói. Anh đặt mục trình độ học vấn ở phía bên phải của trang vì hầu hết mọi người đều có xu hướng đọc từ trái sang phải, như vậy thì họ sẽ nhìn những điểm quan trọng hơn trước.

5. Sở thích

Gaba giữ lại mục sở thích vì có thể nó sẽ tạo nên sự đột phá trong buổi phỏng vấn: “Nếu bạn và họ có điểm chung thì rất có thể một cuộc thảo luận sẽ nổ ra. Đó sẽ là nơi bắt đầu của một khởi đầu nồng nhiệt”, anh nói.

Hiện tại, Gaba đang làm việc tại văn phòng Google ở Seattle với vị trí kỹ sư phần mềm.