Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta thường đối diện với nhiều phiền não, vì vậy lo lắng là điều không thể tránh được. Nhưng khi càng cố gắng loại bỏ nó thì vấn đề lại càng nghiêm trọng hơn. Về vấn đề này, chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp, thay vì bực tức khi không thể thoát khỏi nó, tốt hơn hết bạn nên chung sống hòa bình với nó. 

lo lang 2 1
Chuyên gia đưa ra 5 cách để chung sống hòa bình với sự lo lắng. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Seth J. Gillihan, nhà tâm lý học người Mỹ và là tác giả của hàng loạt sách tâm lý học, viết trên trang Psychology Today rằng, sự lo lắng thường giống như một vị khách thô lỗ không mời mà đến, dù bạn có bảo nó rời đi thì nó vẫn sẽ ở đó trong một thời gian dài. Bất kể nó xuất hiện dưới hình thức nào thì đều có thể khiến bạn kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần.

Gillihan còn viết rằng, mặc dù một số mẹo có thể giúp vượt qua sự lo lắng, nhưng những phương pháp này không nhất định có hiệu quả với tất cả mọi người và ngay cả khi có hiệu quả, chúng cũng có thể đảm bảo luôn thành công mỗi lần sử dụng. Do đó, ông đưa ra 5 chiến lược để đối phó với sự lo lắng và xây dựng mối quan hệ khác với nó:

1. Quan sát sự lo lắng

Gillihan cho biết sự lo lắng thường len lỏi vào đầu bạn, khiến tâm trí mất kết nối với cơ thể và ngày càng chiếm nhiều sự chú ý cũng như năng lượng của bạn. Hãy quay lại và xem điều gì đang xảy ra với cơ thể của mình. Khi nhận thấy bất cứ cảm giác nào như lạnh, nóng, vui, lo lắng hoặc tràn đầy năng lượng thì hãy cho phép bản thân bình tĩnh lại. Cố gắng làm cho những quan sát của bạn trở nên trung lập nhất có thể, không đưa ra những đánh giá “tốt” hay “xấu”. Hãy xem hiện tại sự lo lắng trong cơ thể bạn trông như thế nào.

2. Để sự lo lắng xâm nhập 

Chiến lược này có vẻ đặc biệt. Việc đấu tranh với sự lo lắng có thể không loại bỏ được nó, mà thậm chí có thể khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Hãy để nó yên một thời gian và xem điều gì sẽ xảy ra. Hãy cho nó biết rằng nó có thể ở lại bao lâu tùy thích còn bạn vẫn cứ làm những việc khác. Ngay cả khi nó vẫn tồn tại, thì cũng không cần phải tốn sức để xua đuổi nó.

lo lang 3
Hãy cho phép sự lo lắng tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần nỗ lực đối phó ngay lập tức. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

3. Làm những việc tiếp theo

Hãy tự hỏi mình, việc gì cần hoàn thành và chuyển sự tập trung của bạn từ việc giải tỏa cảm xúc sang chú ý làm việc tiếp theo. Hãy thực hiện sự chuyển hướng chú ý một cách nhẹ nhàng nhất có thể, không cần tự phê bình hay trách bản thân. Hãy tự hỏi mình một cách nhẹ nhàng, mình nên làm gì? Như đã đề cập trong chiến lược số 2, sự lo lắng sẽ luôn tồn tại. Bạn nên học cách để thích nghi và sống chung với nó.

4. Hít thở và lắng nghe 

Lo lắng là một lời cảnh báo để thu hút sự chú ý của bạn. Nên dừng lại một chút và nhìn vào bên trong nội tâm của bản thân, lắng nghe cơ thể và tâm trí của bạn, có thể chúng đang cố nói với bạn điều gì đó. Không cần suy nghĩ hoặc cố gắng giải quyết nó. Chỉ cần lắng nghe bằng trái tim, mà không phải bằng đôi tai, hơn nữa hãy dựa vào bản năng nhiều hơn là phán đoán.

Hãy cho bản thân một chút thời gian và không gian để lắng nghe những gì ẩn giấu bên dưới những suy nghĩ và cảm xúc rắc rối đang làm bạn lo lắng. Ngay cả khi không thể tìm ra câu trả lời, thì việc dừng lại và nhìn vào bên trong cũng rất hữu ích. Nó giúp bạn có thể thấu hiểu được cảm xúc thực tại và bình tĩnh để đưa ra giải pháp tốt hơn cho những việc đang gặp phải. Đồng thời, cũng có thể tĩnh tâm để tạm thời không bị sự lo lắng chi phối và làm chủ cảm xúc của bản thân.

lo lang 1
Hãy lắng nghe bằng trái tim, mở lòng để thấu hiểu và cảm nhận cảm xúc một cách chân thành và bình tĩnh để đưa ra giải pháp tốt hơn cho những việc đang gặp phải. (Ảnh: Antonio Guillem/ Shutterstock)

5. Đặt câu hỏi về nhận định của bạn 

Có một nguyên tắc chỉ đạo đằng sau những chiến lược này, đó là thay đổi nhận thức về mối quan hệ của bạn với sự lo lắng. Mọi người thường có xu hướng dùng cách thức cố định để đối phó với sự lo lắng, thường là mọi người sẽ cố gắng hết sức để loại bỏ sự lo lắng. 

Kỳ thực, nên bắt đầu thay đổi suy nghĩ của mình. Khi cảm thấy lo lắng và muốn bình tĩnh lại, bạn cần hòa giải với sự lo lắng của chính mình. Khi cảm thấy băn khoăn tại sao sự lo lắng không biến mất, hãy nhắc nhở bản thân rằng, sự lo lắng luôn tồn tại và không nhất định biến mất. Giải quyết lo lắng không phải việc mà bạn nên tập trung vào, bởi việc bạn cảm thấy lo lắng cũng không sao. 

Gillihan khuyên thử nghiệm 5 phương pháp này và xem liệu chúng có giúp ích gì cho bạn không. Hãy cẩn thận đừng đánh giá hiệu quả của chúng bằng việc liệu chúng có khiến bạn bớt lo lắng hơn hay không. Mặc dù cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhưng cảm xúc không phải là thước đo cuối cùng cho cuộc sống. Bạn nên dành năng lượng để hoàn thành những việc mang lại giá trị thực sự cho cuộc sống của mình.