Lì xì đầu năm là một nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời tại các nước Á Đông. Mọi người thường đặt tiền vào những bao lì xì đỏ để mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ, con cháu…với mong muốn cầu chúc sức khỏe, bình an và may mắn. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, phong tục lì xì mừng tuổi đã không còn giữ được nét truyền thống vốn có. Vì vậy mà thế hệ sau không còn hiểu được ý nghĩa nguyên gốc cũng như các chuẩn mực nhất định trong việc tặng bao lì xì.

li xi 8 1
Lì xì – mừng tuổi đầu năm là một tục lệ truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán tại các nước Á Đông, trong đó có cả Việt Nam. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, nghĩa là được lợi, được tiền tài và được may mắn. Vì vậy, nhận lì xì đồng nghĩa với việc nhận được may mắn, tốt lành trong ngày đầu năm.

Thời cổ đại, cứ sau bữa cơm chiều cuối năm, người lớn trong gia đình sẽ đem tiền mừng tuổi đựng trong bao màu đỏ đã chuẩn bị sẵn tặng cho con cháu. Dụng ý lúc ban đầu của mừng tuổi tiền là để trấn ác khu tà. Người xưa tin rằng những lúc giao thời, chuyển đổi trạng thái thì thường thường âm dương không ổn định, dễ xuất hiện ma quỷ hại người. Dịp giao thừa là một bước chuyển lớn từ năm cũ sang năm mới, vì vậy lại càng như thế. Do đó từ xưa đã có rất nhiều tục lệ dùng để đuổi tà, trấn áp những thứ xấu tệ, ví dụ như tục đốt pháo, cắm cây nêu, tặng lì xì, v.v.

Ngày nay người lớn không hiểu được ý nghĩa ban đầu của việc mừng tuổi. Trẻ con cũng mang tâm lý muốn được lì xì nhiều hơn, chưa có ý thức biết ơn, cũng không biết tiết kiệm.

1. Nguồn gốc của tục lì xì đầu năm mới

Mừng tuổi, lì xì là tên gọi của phong tục trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông và Việt Nam. Phong tục này có từ xa xưa, bắt nguồn từ Trung Quốc.

Theo truyền thuyết, vào đêm giao thừa, quỷ đói thường sẽ xuống núi gây náo loạn, khiến trẻ em sợ hãi đến nỗi chúng không thể ngủ ngon vào ban đêm. Con quỷ này không sợ dao hay súng, mà sợ màu đỏ vui tươi và âm thanh leng keng của đồng xu, vì vậy người lớn bỏ đồng xu vào phong bì màu đỏ và đặt dưới gối của trẻ em, để ma quỷ không dám đến gần, trẻ sẽ có thể ngủ yên. Sau đó, dân làng mới vỡ lẽ ra rằng, theo lời thỉnh cầu Thần Phật giúp đỡ bảo hộ những đứa trẻ từ dân làng, các vị tiên đã âm thầm hoán đổi những đồng xu này. Con quỷ khi nhìn thấy ánh sáng chói lóa của bao lì xì đựng đồng tiền của các vị tiên thì liền bỏ chạy vì hoảng sợ.

Từ đó có phong tục phát lì xì vào đêm giao thừa. Tiền lì xì năm mới mang ý nghĩa tốt lành, người ta thường tin rằng có thể xua đuổi tà ma, đắc được bình an.

shutterstock 1887802360
Tục lệ mừng tuổi đã xuất hiện từ thời xa xưa và được bắt nguồn từ Trung Quốc, mang ý nghĩa tốt lành và người ta thường tin rằng có thể xua đuổi tà ma, mang lại bình an cho con trẻ. (Ảnh: Onjira Leibe/ Shutterstock)

2. Ý nghĩa của bao lì xì ngày Tết

Ý nghĩa của việc trao và nhận lì xì không nằm ở số tiền mà cốt ở tình cảm tốt đẹp và những lời cầu chúc chân thành mà mọi người dành cho nhau. Việc đựng tiền trong phong bao vừa kín đáo vừa tế nhị, tránh những so bì không đáng có.

Lì xì cho trẻ nhỏ để chúc trẻ bình an, ngoan ngoãn, mạnh khỏe và vâng lời cha mẹ. Lì xì những người lớn tuổi như ông bà, cha mẹ là để thể hiện lòng kính trọng, lòng biết ơn, chúc sức khỏe và sống thọ cùng con cháu.

Ngày nay, lì xì không chỉ giới hạn trong gia đình, người thân mà ngay cả bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, nhân viên cũng thường lì xì cho nhau kèm theo những lời chúc sang năm mới mọi việc luôn diễn ra như ý, thành công và phát đạt.

Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp đó, phong tục lì xì ngày Tết của người Việt trở nên ấm áp, chân thành và kéo dài hàng nhiều đời như vậy.

3. Những quy tắc của người xưa đối với bao lì xì

Người xưa mừng tuổi năm mới không chỉ dừng lại ở việc bỏ tiền vào bao lì xì và nói lời cầu chúc mà còn có những quy tắc riêng với những hàm ý sâu xa.

Không niêm phong miệng bao lì xì đỏ vào năm mới

Đó là vì niêm phong có nghĩa như “chỉ có một lần”, nó được hiểu nôm na rằng người nhận không có thêm tuổi mới để được tiếp tục mở những bao lì xì vào năm sau nữa, điều này mang ý không lịch sự. Trong khi việc mở bao đỏ lại tượng trưng cho sự “trường thọ”, mỗi năm có thể khỏe mạnh để chào đón năm mới và được nhận bao lì xì. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của việc này.

li xi 7
Phong bao lì xì không dán kín giúp người nhận có một năm an nhàn, thuận lợi, may mắn trong cả cuộc sống gia đình và công việc. (Ảnh: Tuan.Anh/ Shutterstock)

Số chẵn là số may mắn, nhưng không bao gồm số 4

Bởi vì mọi người thường nói “những điều tốt đẹp thường đến theo cặp” và “song hỷ lâm môn”, cho nên họ dùng những số tiền có mệnh giá liên quan đến các con số 2, 6 và 8 để lì xì với mong muốn cầu chúc mọi người may mắn và cát tường.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong các số chẵn thì nên tránh số 4, vì số 4 đồng âm với âm “tử” trong hán tự, cho nên khi tặng bao lì xì thì cần tránh những con số có liên quan đến số này, đây đều là những con số không may mắn.

Người Việt khi lì xì đều bỏ những tờ tiền có mệnh giá từ 10.000 đến 500.000, đa phần đều chưa biết đến ý nghĩa của các con số may mắn. Trong khi các con số như 12.000, 16.000, 120.000, 160.000, 180.000, 200.000, 220.000, 260.000, 280.000, 600.000, 660.000, v.v. đều có ý nghĩa cho sự cát tường như ý. Vậy nên, Tết năm nay, bạn hãy dùng những con số may mắn này cho bao lì xì đỏ nhé. Ngoài ra, số 9 là số lẻ nhưng lại có cách phát âm giống như “cửu”, nghĩa là vĩnh cửu lâu dài, vì vậy bạn cũng có thể chọn số tiền có liên quan đến số 9 cho bao lì xì đỏ để tặng những người lớn tuổi.

Chọn bao lì xì đỏ phù hợp

Ngày nay, trên bao lì xì có rất nhiều lời chúc tốt lành, cho nên việc lựa chọn bao lì xì có lời chúc phù hợp cũng là thể hiện sự chu đáo. Ngoài ra, không nên dùng phong bao đỏ có nội dung ngoài lề như “Thành tích học tập”, “gặp tình yêu mới”, “sớm có người yêu”, “sớm kết hôn” để tặng cho ông bà và bố mẹ.

Không sử dụng lại bao lì xì của năm cũ

Khi chuẩn bị bao lì xì đỏ cho Tết Nguyên Đán, nên chú ý xem hoa văn và chữ in trên phong bì đỏ có phù hợp với thời gian của năm mới không. Không nên sử dụng bao đỏ có in năm hoàng đạo cũ hoặc sử dụng lại bao đỏ đã qua sử dụng. Bao lì xì năm mới vẫn nên là mới toanh để mọi người nhận được bầu không khí tươi mới và vui vẻ.

Sử dụng tiền giấy mới

Ngoài việc sử dụng bao lì xì màu đỏ mới, người ta thường sử dụng tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Mặc dù đó không phải là một điều bắt buộc, nhưng với những tờ tiền mới sẽ có một diện mạo và cảm giác hoàn toàn mới hơn.

Ngoài ra, bạn còn có thể đổi thêm những tờ mệnh giá 50.000 mới, tờ tiền này có màu sắc khá gần với màu đỏ, điều đó cũng sẽ làm tăng thêm niềm vui và sự may mắn.

Giữ bao lì xì đỏ cho ngày Tết Nguyên Tiêu

Đừng vội tiêu tiền lì xì sau khi nhận được và cũng đừng vứt phong bao đỏ ngay lập tức. Theo phong tục truyền thống, 15 ngày sau Tết nguyên đán là đến Tết nguyên tiêu, tức là ngày 15 tháng 1 âm lịch. Cho nên, hãy để bao lì xì đỏ mà bạn nhận được dưới gối. Từ đêm giao thừa kéo dài 15 ngày cho đến Tết Nguyên Tiêu, nó tượng trưng cho những phước lành và may mắn nhận được trong năm mới sẽ còn kéo dài tiếp tục trong suốt cả năm.

Số tiền mừng tuổi phải phù hợp

Số tiền mừng tuổi trong bao lì xì đỏ tặng cha mẹ và người lớn tuổi nên tăng lên hàng năm, với ý nghĩa là “dồi dào, thịnh vượng, và vĩnh cửu”. Ngoài ra khi tặng bao lì xì cho người lớn tuổi, hãy chúc họ sức khỏe và trường thọ.

Số tiền mừng tuổi dành cho các em nhỏ là như nhau, nên đồng đều và không phân biệt độ tuổi.

Số tiền mừng tuổi cho trẻ em không được nhiều hơn số tiền mừng cho người lớn tuổi. Đây là một một phương diện thể hiện sự tôn trọng và lịch sự đối với người lớn tuổi.

“Tái chế” bao lì xì đỏ Tết Nguyên đán

Ngoài việc vứt bỏ những chiếc bao lì xì đỏ đã qua sử dụng, nếu hình thức bên ngoài của chúng còn mới và không có hoa văn hay lời chúc Tết của năm cũ, bạn vẫn có thể tặng nó cho các cặp đôi mới cưới hoặc em bé một tháng tuổi để truyền lại lời chúc phúc.

4. Phong tục lì xì dần biến tướng

Cùng với nhịp sống hiện đại, phong tục lì xì chúc tết đầu năm mới không còn giữ được giá trị thuần túy vốn có. Những bao lì xì đang dần bị vật chất hoá do sự thực dụng của con người hiện đại. Mọi người ngày càng quan tâm đến giá trị của “lõi” lì xì thay vì những giá trị tinh thần.

Hơn nữa, trẻ em cũng vì ít được tiếp cận và biết đến những giá trị truyền thống, lại bị tiêm nhiễm bởi người lớn cho nên trẻ cũng hình thành lối suy nghĩ lệch lạc về văn hoá lì xì.
Có thể nói rằng, ngày nay lì xì không phải là “phong tục lì xì” nữa mà là “thủ tục lì xì”, bởi nó đã trở thành thứ dùng để trả nợ, ngoại giao và duy trì các mối quan hệ. Có người chỉ chờ đến dịp này để “đi tết” sếp với mong muốn được cân nhắc thăng chức…v.v. Trên thực tế nếu người lớn có các hành vi như vậy thì việc trẻ nhỏ có cái nhìn sai là điều đương nhiên.

5. Cha mẹ dạy con quy tắc nhận bao lì xì ngày tết

Thời hiện đại, trong tư tưởng của nhiều trẻ con, việc đón chờ đến đầu xuân năm mới là cơ hội để được “thu hoạch”, và là dịp kiếm được nhiều tiền tiêu cho bản thân mà không cần xin cha mẹ. Khi gặp người lớn, điều trẻ mong chờ đầu tiên là người lớn sẽ tặng bao lì xì. Thậm chí có trẻ còn trực tiếp mở bao trước mặt người lớn để xem số tiền mình nhận được là bao nhiêu. Nhận được nhiều thì tỏ ra rất vui vẻ còn nếu số tiền ít quá thì tỏ vẻ không hài lòng.

Nhiều người còn nói vui với nhau rằng: Tiền lì xì của con là tiền nợ của cha mẹ. Bởi lẽ khi người khác lì xì cho con của họ bao nhiêu họ cũng phải lì xì lại số tiền tương ứng cho con của người kia như vậy hoặc thậm chí hơn vậy. Do đó việc đầu tiên cha mẹ cần làm là giải thích và giáo dục cho con hiểu rõ ý nghĩa của bao lì xì, để từ đó con không đặt nặng vào vấn đề giá trị của đồng tiền và hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày Tết, chứ không phải xem Tết như một dịp “kiếm tiềm” cho bản thân.

Để tết năm nay cả gia đình và con trẻ đều có một cái tết đầy ý nghĩa nhân văn và vui vẻ, thì cha mẹ đừng quên dạy con một số phép tắc khi nhận bao lì xì từ người lớn tuổi dưới đây.

Kể về nguồn gốc lì xì

Trẻ em vô cùng trong sáng và ngây thơ, đặc biệt là rất yêu thích những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Vì vậy cha mẹ hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện nguồn gốc của phong tục lì xì. Hãy cài đặt tiềm thức cho con về sự thuần chân tốt đẹp của phong tục này. Từ đó trẻ sẽ hiểu và có thể ước thúc bản thân hành xử đúng đắn hơn.

Nhận bao lì xì từ người lớn bằng 2 tay

Một số trẻ cho rằng việc được lì xì vào ngày đầu năm mới là điều hiển nhiên, vì thế, khi nhận lì xì thì chỉ biết lấy bằng một tay, đây là hành vi rất vô lễ. Thay vào đó, cha mẹ hãy dạy trẻ khi được lì xì cần nhận bằng hai tay và mỉm cười để bày tỏ lòng biết ơn với người lớn tuổi.

li xi 3
Trẻ nhỏ khi nhận lì xì từ người lớn cần nhận bằng hai tay và bày tỏ sự tôn trọng, lòng biết ơn. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Không coi trọng mệnh giá

Cha mẹ hãy dạy con không nên quan trọng mệnh giá trong bao lì xì. Bởi đây là một món quà người lớn muốn dành tặng con với lời cầu chúc sức khỏe và bình an.

Thái độ biết ơn

Cha mẹ nên dạy con khi được nhận lì xì thì cần có thái độ trân trọng, vui mừng, niềm nở, biết nói lời cảm ơn và biết gửi lời chúc Tết đến người đã tặng lì xì cho mình.

Gửi lời chúc

Cha mẹ hãy dạy con một vài lời chúc tết ý nghĩa và đơn giản để trẻ chúc tết với ông bà và người lớn tuổi.

li xi 4
Dạy con trẻ những lời chúc Tết đơn giản nhưng chân thành sẽ làm cho ông bà vui mừng và cảm thấy trân trọng. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Không so sánh tiền lì xì với người khác

Đôi khi con của bạn và nhiều trẻ khác cùng nhận được bao lì xì và nó sẽ mở ra để so sánh số tiền với bạn khác. Tuy nhiên điều này khiến người lì xì cảm thấy rất ngại ngùng. Vì vậy cha mẹ cần chú ý dạy con không nên cư xử như vậy.

Không đòi thêm tiền lì xì

Có những đứa trẻ thường hay đòi ông bà, cha mẹ thêm tiền lì xì, điều này là thiếu tôn trọng và còn làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.

Không mở bao lì xì trước mặt người lớn tuổi

Việc mở bao ở trước mặt người lớn tuổi là rất vô lễ. Đôi lúc sẽ khiến người khác cảm thấy khó xử và xấu hổ. Vì vậy hãy nhớ dạy con tránh làm điều này. Sau khi nhận được phong bao lì xì từ người lớn tuổi, con nên chúc phúc lại, đừng vội mở phong bì màu đỏ, khi về đến nhà hãy mở ra.

li xi 5
Cha mẹ hãy cho con trẻ biết rằng viêc mở bao lì xì trực tiếp trước mặt người tặng được xem là hành động thô lỗ, thể hiện sự không tôn trọng với người tặng. (Ảnh: GOLFX/ Shutterstock)

Dạy trẻ chi tiêu tiền lì xì hợp lý

Đây là cơ hội để cha mẹ hướng dẫn con cách chi tiêu hợp lý. Bên cạnh việc sử dụng tiền lì xì cho các nhu cầu bản thân, cha mẹ cũng có thể khuyên con dành một phần để làm từ thiện hoặc để giúp đỡ các bạn khó khăn.

Trải qua bao nhiêu năm, tục lì xì mừng tuổi trong ngày đầu năm mới vẫn không thay đổi. Những chiếc phong bao lì xì đã trở thành cầu nối gắn kết mọi người, thể hiện tình cảm, sự ấm áp, bình an và may mắn trong năm mới. Dù thời đại ngày nay có thay đổi thế nào thì những giá trị văn hóa truyền thống từ lâu đời này vẫn in sâu trong lòng người Việt và luôn gìn giữ để thế hệ tiếp theo không làm mai một đi những tinh hoa mà ông cha ta đã để lại.

Trúc Nhi, Tuệ Nhi t/h