Một nghiên cứu được thực hiện đối với các gia đình ở Úc, Singapore và Hồng Kông cho thấy, việc sống cùng và chăm sóc con cháu giúp ông bà nhanh nhẹn và minh mẫn hơn.

shutterstock 2068345874
(Nguồn: Evgeny Atamanenko/ Shutterstock)

Không nghi ngờ gì khi việc chăm sóc cháu mang lại cho ông bà cuộc sống ý nghĩa hơn, giúp họ nâng cao giá trị bản thân, kết nối với xã hội, cũng như khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

Trong một nghiên cứu của mình, bà Ebbeck, giáo sư danh dự của Đại học South Australia, đã nghiên cứu mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình ở Úc, Singapore và Hồng Kông. Bà nhận thấy rằng trong nền văn hóa châu Á, ông bà thường sống cùng con cái và đóng vai trò tích cực trong việc giáo dục và nuôi dạy các cháu. Điều này không chỉ giúp bố mẹ đỡ vất vả mà còn giúp ông bà trở nên nhanh nhẹn và minh mẫn hơn.

Mặt khác, trẻ em được hưởng mối quan hệ gần gũi và kính trọng ông bà, được học hỏi về truyền thống gia đình, văn hóa và nghe những câu chuyện từ ông bà.

Ở Hồng Kông và Singapore vẫn còn tồn tại truyền thống Nho gia về lòng hiếu thảo và sự kính trọng dành cho người cao tuổi. Ngược lại, nhiều người cao tuổi ở Úc dành những năm cuối đời sống xa con cháu hoặc ở viện dưỡng lão.

“Kết quả là họ thường cô đơn và không gắn bó với các cháu,” bà Ebbeck cho biết.

“Mối quan hệ giữa ông bà và các cháu không phải là một hiện tượng mới. Nhưng vai trò gia tăng của phụ nữ trong lực lượng lao động, chi phí chăm sóc trẻ em cao và một loạt các yếu tố khác đã khiến ông bà trở thành những người chăm sóc trẻ quan trọng.” 

“Trong một xã hội đang già đi, nơi các bậc cha mẹ phải làm việc lâu hơn, chúng ta phải tìm cách tạo ra sự hợp lực giữa các thế hệ,” bà Ebbeck nói thêm.

Một nghiên cứu trước đó về phụ nữ sau mãn kinh ở Úc cho thấy việc trông cháu chỉ một lần/tuần sẽ giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer vì tương tác với trẻ mới biết đi và đang tập nói, làm kích thích các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về khả năng biểu tượng, toán học và ngôn ngữ.

Một nghiên cứu ở Berlin với hơn 500 người từ 70 tuổi trở lên tham gia cũng cho thấy, những người giúp trông cháu có thể cải thiện tuổi thọ của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trong khoảng thời gian 20 năm, nguy cơ tử vong đối với ông bà chăm cháu thấp hơn 1/3 so với những người không chăm cháu.

Ở Úc, một số đơn vị tuyển dụng tiên phong đã đưa ra các chính sách nghỉ phép cho những người được ‘lên chức’ ông bà như 5 ngày nghỉ phép có lương hoặc tối đa 12 tháng nghỉ phép không lương để ở nhà chăm sóc cháu.