Theo thống kê, hơn 6,6 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, lướt web hay chơi game. Tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh, việc nghiện điện thoại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, như trầm cảm, vô sinh và trí não chậm phát triển, v.v.

shutterstock 1924926521
Nghiện điện thoại thông minh tương tự như hầu hết các rối loạn gây nghiện khác, nhưng rủi ro ngấm ngầm và lan rộng hơn. (Ảnh: Master1305/ Shutterstock)

Nghiện điện thoại di động cản trở sự phát triển trí não của trẻ

Nghiện ngập được định nghĩa là một hành vi vui thích, do tiếp xúc nhiều lần dần dần dẫn đến mất kiểm soát và dẫn đến những hậu quả tiêu cực hơn nữa. Các nghiên cứu đã chỉ ra, nghiện điện thoại thông minh cũng giống như hầu hết các bệnh gây nghiện khác. Điện thoại thông minh nhỏ gọn, dễ thao tác và có thể mang theo người, nên phổ biến và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Úc (ABS) công bố vào tháng 4 cho thấy, 90% trẻ em dành ít nhất 1 giờ mỗi tuần trên màn hình, số trẻ em dành hơn 20 giờ mỗi tuần cũng tăng lên. Trong khi tỷ lệ trẻ em từ 5 – 14 tuổi sử dụng màn hình không đổi (90%) so với năm 2017-2018, thì thời lượng sử dụng lại tăng lên.

Bà Michelle Ducat, người đứng đầu bộ phận thống kê giáo dục tại Cục Thống kê, cho biết 40% trẻ em dành từ 10 – 19 giờ trên màn hình. Số trẻ em sử dụng màn hình hơn 20 giờ một tuần đã tăng từ 16% lên 24%.

shutterstock 1093181789
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những học sinh sử dụng điện thoại di động trong một thời gian dài không chỉ bị suy giảm khả năng ngôn ngữ, mà còn gần như ngừng phát triển trí não trong vòng 3 năm. (Nguồn: OHishiapply/ SHutterstock)

Giáo sư Ryuta Kawashima, Viện trưởng Viện Khoa học Y khoa Đại học Tohoku, Nhật Bản, kiêm chuyên gia về não bộ, đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài 3 năm trên 224 học sinh tiểu học.

Kết quả cho thấy, học sinh sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài không chỉ bị suy giảm trí nhớ, khả năng ngôn ngữ, mà thời gian phát triển não bộ trong 3 năm gần như dừng lại. Nếu thường xuyên sử dụng điện thoại di động mỗi ngày trong 3 năm trung học cơ sở, não bộ sẽ tương đương với trình độ của học sinh tiểu học lớp 6.

Ông Kawashima cho biết, qua khảo sát hơn 70.000 học sinh tiểu học và trung học ở Nhật Bản, trẻ em sử dụng điện thoại di động càng lâu thì điểm số càng giảm sút.

Trong cuốn sách của mình, ông giải thích rằng giao tiếp trực tiếp sẽ kích thích não hoạt động theo nhiều cách khác nhau, giúp chúng tích cực làm việc. Tuy nhiên, cách giao tiếp đơn giản trên Internet lại ít kích thích não hơn, chỉ có một phần của não hoạt động. Ông nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua tác động tiêu cực của điện thoại thông minh đối với con người.

Nghiện điện thoại di động có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm

Một nghiên cứu năm 2019 trên 6.595 thanh thiếu niên Hoa Kỳ được công bố trên JAMA Psychiatry cho thấy, những người sử dụng mạng xã hội hơn 30 phút đến 3 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc các triệu chứng nội tâm hóa, như lo lắng và trầm cảm gấp 1,89 lần so với những người không sử dụng mạng xã hội.

Sử dụng điện thoại từ 3 – 6 giờ mỗi ngày nguy cơ này sẽ tăng 2,47 lần, trên 6 giờ mỗi ngày nguy cơ tăng 2,83 lần. Càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, sẽ càng cảm thấy lo lắng, trầm cảm và cô đơn.

Mặc dù có thể sử dụng mạng xã hội thông qua máy tính. Nhưng vì sự tiện dụng, trong hầu hết các trường hợp, mọi người sử dụng mạng xã hội thông qua phần mềm điện thoại di động.

Một cuộc khảo sát khác cho thấy, những người kiểm tra mạng xã hội thường xuyên nhất trong một tuần có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2,7 lần so với những người kiểm tra mạng xã hội ít nhất. Những người dành nhiều thời gian nhất trong ngày cho mạng xã hội có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 1,7 lần so với những người dành ít thời gian hơn.

Nghiện mạng xã hội giống như nghiện cờ bạc, ma túy

Một nghiên cứu mới của Canada vào tháng 7 cho thấy, nghiện mạng xã hội cũng gây hại như các dạng nghiện khác, như nghiện cờ bạc và lạm dụng chất kích thích.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 750 người Canada trong độ tuổi từ 16 – 30. Kết quả cho thấy, những người trẻ thường xuyên truy cập mạng xã hội trên điện thoại thông minh sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để ở lại trên mạng xã hội, như:

  • Khoảng 40% chấp nhận bỏ cà phê, rượu và trò chơi điện tử;
  • 30% chấp nhận không tập thể dục, xem TV hoặc ăn ở những nhà hàng yêu thích trong cả năm;
  • Gần 10% chấp nhận bị vô sinh hoặc giảm 1 năm tuổi thọ;
  • 5% và 3% chấp nhận mất đi 5 -10 năm tuổi thọ;
  • Dưới 5% chấp nhận bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hoặc mắc bệnh đe dọa đến tính mạng như ung thư;
  • 10% – 15% chấp nhận tăng 15 cân Anh, cạo đầu, từ bỏ bằng lái xe, ngừng đi du lịch, sống không có điều hòa, chứ nhất quyết không từ bỏ mạng xã hội.

Một nghiên cứu khác cho thấy, khả năng chấp hành, phản ứng thị giác, phản ứng thính giác và tự ức chế của những người có mức độ nghiện điện thoại thông minh cao kém hơn so với những người có mức độ nghiện thấp. Vì sợ mắc lỗi và trì hoãn, nhóm nghiện nặng cũng có điểm số ngày càng thấp.

shutterstock 2048274533
Nghiện mạng xã hội cũng có sức tàn phá như các hình thức gây nghiện khác, như nghiện cờ bạc và lạm dụng chất gây nghiện. (Ảnh: Hananeko_Studio/ Shutterstock)

Là một trong những nền tảng xã hội phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên, TikTok bị phát hiện có các thuật toán được cá nhân hóa để đề xuất nội dung có hại và đẩy các video sử dụng ma túy, nội dung khiêu dâm đến người dùng vị thành niên.

Nghiên cứu của một tổ chức phi lợi nhuận của Anh cho thấy, TikTok có thể đẩy nội dung có hại tiềm ẩn liên quan đến tự tử và rối loạn ăn uống cho thanh thiếu niên trong vòng vài phút sau họ tạo tài khoản.

Dân biểu Mỹ Mike Gallagher đã mô tả TikTok gây nghiện là “fentanyl kỹ thuật số”, bởi vì nó gây nghiện và kiểm duyệt tin tức trong khi thu thập dữ liệu người dùng. Những ảnh hưởng xấu của TikTok đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên đã thu hút sự chú ý của các bậc cha mẹ và các nhà lập pháp.

Làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc vào điện thoại

Ông Kawashima kêu gọi sinh viên tránh xa điện thoại di động khi học, và giới hạn thời gian sử dụng điện thoại thông minh dưới 1 giờ mỗi ngày.

Cục Sức khỏe Tâm thần của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan cũng đề xuất việc điều trị nghiện Internet có thể được chia thành 2 phương pháp khác nhau.

Một là giúp những người nghiện Internet hiểu rõ bản thân, khám phá bằng sự đồng cảm, và thay đổi thông qua liệu pháp tâm lý, nhằm cải thiện tình trạng nghiện Internet.

Hai là can thiệp y tế. Người nghiện điện thoại thông minh thường mắc các bệnh tâm thần khác như trầm cảm, lo âu… Việc điều trị các bệnh tâm thần cũng có thể cải thiện tình trạng nghiện Internet.

Ông Ngô Khôn Hồng (Kuen-HongWu), Giám đốc Bộ phận Điều trị Nghiện tại Viện điều dưỡng Đào Viên của Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, kiến nghị một số cách cai nghiện đơn giản như sau:

  • Sử dụng thời gian giải trí cho các hoạt động mà bạn quan tâm;
  • Sử dụng một ứng dụng giúp bạn kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại thông minh;
  • Tắt tất cả các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ;
  • Bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống, như tắt điện thoại khi ăn và để điện thoại ở nhà khi đi dạo. Điều này cũng có thể giúp giảm tần suất kiểm tra điện thoại;
  • Lên kế hoạch nghỉ giải lao định kỳ, tắt thông báo tin nhắn trên điện thoại di động, máy tính, v.v. và dần dần tránh xa các thiết bị công nghệ.

Bình Minh (t/h)