“Dù con tôi đã mất nhưng cuộc sống của thằng bé vẫn có tác động đến những người khác. Tôi cảm thấy được an ủi”. 

tang sua 2
(Ảnh: Shutterstock)

Câu chuyện bắt đầu trong chuyến khám thai ở tuần thứ 18 của cô Brittany Kolb. Vợ chồng cô đến gặp bác sĩ để chụp giải phẫu và được thông báo là dạ dày của đứa trẻ đang nằm ở trong lồng ngực. Đây là dấu hiệu cho thấy đứa bé có thể mắc thoát vị cơ hoành bẩm sinh (CDH).

Thoát vị cơ hoành bẩm sinh ở thai nhi là bệnh lý xảy ra do quá trình hình thành cơ hoành ở bào thai không được hoàn thiện. Khiếm khuyết trong quá trình này sẽ để lại khe hở trên cơ hoành của trẻ. Điều này dẫn đến hệ quả lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn. Các tạng trong ổ bụng của bệnh nhân như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành. Tỷ lệ sống sót đối với trẻ sơ sinh bị CDH là 50%.

Bé Elias chào đời vào tháng 4 vừa qua. Cậu bé được đặt nội khí quản, đặt máy thở và được đưa thẳng đến NICU (Đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh). Ba ngày sau, bác sĩ áp dụng ECMO cho bé (ECMO là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng).

Bố mẹ của bé Elias phải được sự cho phép của bác sĩ mới được phép chạm vào con. Bởi vì bé đang ở trong trạng thái dễ bị kích động và chỉ số sức khỏe sẽ nhanh chóng suy giảm.

Sức khỏe của bé Elias khá lên trong vài tuần rồi lại tiếp tục đi xuống. Các bác sĩ cho biết não của bé Elias đã bị tổn thương quá nhiều, không còn biện pháp y tế nào có thể can thiệp được. Vợ chồng cô Brittany Kolb vẫn hy vọng vào một phép màu.

Cuối tháng 4, bé Elias 3 tuần tuổi qua đời. Lúc này vợ chồng cô Brittany mới được ôm con vào lòng mà không bị vướng bởi các sợi dây và ống trong phòng điều trị.

Sau đó, ngực của cô Brittany trở nên căng cứng và đau đớn vì sữa lên. Nhưng khi đưa dụng cụ hút vào ngực, cô càng cảm thấy đau buồn bởi con trai cô đã không còn để uống sữa nữa.

Một chuyên gia tư vấn cho con bú đã đến phòng bệnh và khuyên cô Brittany vắt sữa ra rồi tặng cho những bà mẹ có nhu cầu. Sau khi suy nghĩ kỹ, cô cảm thấy ý tưởng này rất trọn vẹn, cô nhận ra rằng mình đã tích trữ một lượng sữa đáng kể đang được lưu trữ trong NICU. Điều này sẽ giúp cho những đứa trẻ ốm yếu không dung nạp được sữa công thức hoặc những đứa trẻ bị thiếu sữa mẹ được hưởng dinh dưỡng trọn vẹn từ nguồn sữa mẹ. Đây là cách để cô tôn vinh và ghi nhớ bé Elias, đứa con vừa qua đời.

tang sua 1
(Ảnh: Shutterstock)

“Tôi nghĩ điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những đứa trẻ khác. Tôi rất vinh dự được tặng sữa cho các em bé yếu ớt đang có nhu cầu” – Cô nói.

Cô Brittany đã liên hệ với Mother’s Milk Bank Austin (Ngân hàng Sữa mẹ Austin) để được kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu. Trong thời gian đó, cô đã vắt sữa dần để cất vào tủ đông. Cô có nhiều sữa đến nỗi phải mang đến bảo quản nhờ ở nhà bạn bè. Tổng kết lại, cô đã quyên tặng hơn 17 lít sữa mẹ.

Dù đã biết trước, cô Brittany vẫn suy sụp nặng nề sau sự ra đi của con trai sơ sinh. Nhờ hoạt động tặng sữa, cô đã thấy thoải mái hơn: “Dù con tôi đã mất nhưng cuộc sống của nó vẫn có tác động đến những người khác. Tôi cảm thấy được an ủi”. 

Theo Insider
Minh Minh

Xem thêm: