Gia quy, gia huấn là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, gia tộc, là nền tảng giáo dưỡng của mỗi người. Người xưa và các bậc thánh hiền đều rất coi trọng gia huấn, họ đã để lại những bài học quý báu cho hậu nhân.

gia quy
Nội hàm giáo dưỡng của cổ nhân Trung Quốc từng được nhiều quốc gia học hỏi, nhưng giờ đây đã trở thành một phần thiếu sót phổ biến của nhiều người. (Ảnh: Matyas Rehak/ Shutterstock)

Trung Quốc cổ đại được mệnh danh là “Lễ nghi chi bang”, những gia quy được truyền lại cho đến ngày nay không chỉ là phép xã giao mà còn phản ánh sự giáo dưỡng của một người. Người xưa nói: “Vô dĩ quy củ bất thành phương viên”, ý nghĩa rằng không dùng khuôn thước thì không thành được vuông tròn. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, một số bậc cha mẹ không biết nhiều về những lời dạy quý báu của người xưa, do đó, họ thiếu sót trong việc áp dụng các nguyên tắc giáo dục cho con cái. Một số nguyên tắc dưới đây rất đáng để suy ngẫm:

Gia quy trên bàn ăn

  1. Khi gia đình dùng bữa chung, các trưởng bối (người có thứ bậc cao) thường sẽ ngồi ở giữa, vợ chồng thường ngồi cạnh nhau, những người khác ngồi theo thứ tự, con cái nào được ưu ái có thể được ngồi cạnh trưởng bối, nhưng không cao hơn trưởng bối.
  2. Khi cả gia đình cùng ăn, trưởng bối chưa động đũa thì người nhỏ hơn không được động đũa.
  3. Khi ăn cơm không được chép miệng, mà cần khép miệng lại, nhai kỹ, tránh phát ra tiếng húp canh.
  4. Không cắm đứng đũa vào cơm, tránh việc khiến cho người ta liên tưởng đến việc thắp nhang.
  5. Không nên dùng đũa để gõ nồi, bát, vì hành động này giống như đang ăn xin vậy.
  6. Khi ăn, hai tay phải đặt trên bàn ăn, dùng tay để cầm bát, không thể để một tay dưới bàn.
  7. Khi đang ăn, không thay đổi chỗ ngồi, bưng bát chạy loanh quanh.
  8. Không cắn đũa.
  9. Không khuấy trộn, lựa phần ngon, mà chỉ nên gắp những thức ăn trước mặt.
  10. Khi làm khách ở nhà người khác, hãy chờ cho chủ nhà động đũa trước, sau đó, bản thân mới được phép động đũa.
  11. Đừng rót đầy trà.
gia quy 3
Gia huấn, gia quy truyền thống có chứa đựng rất nhiều trí tuệ đối nhân xử thế, hơn nữa đều rất chất phác, hữu dụng. (Ảnh: MZZ001/ Shutterstock)

Gia quy trong sinh hoạt

  1. Không gọi người lớn tuổi, trưởng bối là “bạn”.
  2. Không rung chân.
  3. Không lê giày phát ra tiếng loẹt quẹt.
  4. Không to tiếng ở nơi công cộng.
  5. Không níu vai người khác.
  6. Không đứng dựa cửa.
  7. Không quét dọn khi có khách.
  8. Không lườm, liếc người khác.
  9. Khi đưa dao, kéo cho người khác, hãy đưa đầu cán cho họ.

Gia quy khi ra ngoài

  1. Khi ra ngoài và trở về nhà đều cần chủ động chào hỏi người lớn tuổi.
  2. Trang phục không cần lộng lẫy, cầu kỳ, nhưng cần gọn gàng, sạch sẽ.
  3. Khi gặp người lớn tuổi cần đứng dậy để chào hỏi.
  4. Không nên nói chuyện quá lâu khi ở ngoài đường.
  5. Dáng đi cần vững vàng, ngẩng cao đầu và nhìn thẳng về phía trước.
  6. Khi có người hỏi đường nên miêu tả chi tiết, khi hỏi đường người khác, cần phải bày tỏ lòng biết ơn.
  7. Khi gặp người già, yếu, phụ nữ, trẻ em và những người yếu thế cần nhường đường, nhường chỗ ngồi cho họ.
  8. Ở những khu vực đông người, không nên chào hỏi lớn tiếng.

Gia quy làm khách

  1. Khi gõ cửa, nên gõ chậm rãi, thông thường là gõ một lần, đợi lát nữa gõ lần hai, nhớ đừng gõ cửa dồn dập, gõ cửa dồn dập là dấu hiệu báo tang.
  2. Đứng ngoài cửa gõ nhẹ cho đến khi chủ nhà cho phép vào thì mới tiến vào nhà.
  3. Nếu phát hiện có khách khác trong phòng, sau khi được chủ nhà giới thiệu, hãy chào tất cả mọi người, khi ra về cũng vậy.
  4. Khi có khách khác vào phòng, nếu có chuyện cần nói thì hãy mời chủ nhà đi chỗ khác để nói chuyện.
  5. Đừng tùy tiện đọc thư, sách trong phòng của chủ nhà.
  6. Khi đến thăm nhà người khác, hãy nhớ đừng ngồi trên giường của gia chủ.
  7. Là khách không nên vào phòng gia chủ khi không có người ở trong.
  8. Khi nói chuyện cần lắng nghe cẩn thận và ánh mắt cần chuyên chú.
  9. Nếu thấy chủ nhà ngáp hoặc xem giờ thì hãy tinh tế tìm lý do để chào tạm biệt ra về.
  10. Không đến thăm gia chủ trong thời gian ăn và thời gian ngủ.
gia quy 4
Đừng tùy tiện đọc thư, sách trong phòng của chủ nhà, hãy tôn trọng quyền riêng tư của gia chủ. (Ảnh: cherry-hai/ Shutterstock)

Gia quy xử thế

  1. Không nói về khuyết điểm của người khác hoặc khoe khoang điểm mạnh của bản thân.
  2. Không phàn nàn với người ngoài về những chuyện không vui trong gia đình.
  3. Trước khi nói hãy suy nghĩ kỹ, không nói những lời đắc ý, vui sướng khi gặp người đang nản chí, không nói những lời than trách, chán nản khi gặp người già.
  4. Đối xử với mọi người chân thành và nồng hậu, không nói xấu người khác khi không còn qua lại với họ.
  5. Không xúc phạm hoặc cười nhạo người khác.
  6. Không giễu cợt khi nhìn thấy người khuyết tật.
  7. Khi thấy người bán hàng rong cực khổ, hãy nhớ đừng lợi dụng họ.
  8. Khi làm ơn cho người khác, đừng suốt ngày nghĩ ngợi và đòi hỏi sự đền đáp, khi nhận được lòng tốt của người khác thì nhất định cần phải báo đáp.
  9. Khi gặp vấn đề cần phải trầm tĩnh, đừng cố gắng thể hiện những việc mà mình không thể làm được.
  10. Khi gặp vấn đề hãy suy nghĩ một cách lý trí, không làm theo cảm tính.
  11. Khi đi qua ruộng dưa, không cúi xuống xỏ giày, khi đi qua gốc mận, không giơ tay chỉnh mũ, đừng làm bất cứ điều gì có thể khơi dậy sự nghi ngờ của người khác.
  12. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, và cũng đừng đẩy việc mình không muốn làm để người khác phải làm.
  13. Khi cần xin lời khuyên của ai đó, hãy đến nhà họ để thăm hỏi.

Từ lễ nghĩa và giáo dưỡng của một người có thể nhìn ra được gia quy của một gia đình. Nếu một gia đình không có gia quy và mọi người đều hành xử theo cách nghĩ của mình, như vậy thì thật loạn và đáng sợ.

Gia quy tốt giống như mảnh đất màu mỡ âm thầm nuôi dưỡng nhân cách của đứa trẻ. Đó là nền tảng cho sự thịnh vượng của một gia đình và sự kế thừa văn hóa, có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tương lai.