Trong khi tận hưởng những tiện nghi được chiếu sáng nhân tạo, chúng ta đang vô tình trở thành nạn nhân của sự “ô nhiễm ánh sáng”. Thực hiện một số bước để có ánh sáng phù hợp, sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng khi làm việc.

anh sang
(Ảnh: GaudiLab/ Shutterstock)

Người xưa có lối sống phụ thuộc vào chu kỳ ánh sáng trong 24 giờ mỗi ngày – với ban ngày tràn ngập ánh sáng tự nhiên và ban đêm được chiếu sáng bằng ánh trăng, thêm một chút ánh sáng từ ngọn lửa. Trong điều kiện ánh sáng như vậy, con người đương nhiên sẽ lao động vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm. Họ hoàn toàn dựa vào ánh sáng tự nhiên từ mặt trời để thức dậy mỗi sáng. 

Ánh sáng có ảnh hưởng to lớn đến cơ thể con người. Ánh sáng tự nhiên mang lại lợi ích cho con người theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cải thiện tâm trạng, bổ sung năng lượng và nâng cao năng suất lao động. Ánh sáng không phù hợp có thể gây mờ mắt, kích ứng mắt, gắt gỏng, buồn nôn hoặc đau đầu… Vậy thế nào là ánh sáng phù hợp? 

Mặc dù tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có thể gây cháy nắng, say nắng và tổn thương lâu dài cho da, nhưng chúng ta cũng nên xem xét tác động của ánh sáng nhân tạo đối với cơ thể con người.

Ngày nay, mọi người lao động cả ngày lẫn đêm dưới ánh sáng nhân tạo để đạt được mục tiêu của mình. Thay vì dành thời gian để ngủ đủ giấc, chúng ta dành nhiều thời gian hơn để làm việc, nhưng hiệu quả công việc lại không được cải thiện. Sự phụ thuộc của chúng ta vào các nguồn ánh sáng không tự nhiên thực sự có thể làm cạn kiệt năng lượng của cơ thể.

Ánh sáng ảnh hưởng đến cơ thể con người 

Ánh sáng tự nhiên trong 24 giờ mỗi ngày phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể của con người. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ánh sáng nhân tạo được sử dụng để chiếu sáng cả trong nhà và ngoài trời đã làm thay đổi lối sống của con người, thay đổi cả thế giới.

Trong khi tận hưởng những tiện nghi được chiếu sáng nhân tạo, chúng ta vô tình trở thành nạn nhân của cái gọi là “ô nhiễm ánh sáng”. Nó có tác động không chỉ đối với cá nhân mà còn với cả khí quyển trái đất.

Ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Theo một quan sát phân tích, việc tiếp xúc với ánh sáng gây ra phản ứng quang hóa trong tế bào hoặc mô của cơ thể con người, gây ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần.

  • Ánh sáng do điện thoại di động, máy tính xách tay, tivi và các nguồn sáng khác phát ra có ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào hoặc mô cơ thể.
  • Quá trình tiết hormone melatonin của tuyến tùng bị gián đoạn, khiến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bị trục trặc.
  • Tế bào suprachiasmatic nuclei (SCN), hay đồng hồ điều hành trung tâm ở vùng dưới đồi (hypothalamus) trong não, được liên kết với một bộ tạo dao động phân tử, giữ cho đồng hồ dao động ở tốc độ không đổi. Nếu các nhịp sinh học bên trong này không đồng bộ sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện chứng rối loạn nhịp sinh học thức – ngủ (CRSWD).
  • Ánh sáng nhân tạo có thể khiến đồng hồ sinh học bị trễ, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Màu sắc không tự nhiên của ánh sáng nhân tạo tác động đến DNA của con người. DNA đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhiệm vụ thực hiện thành công trong các điều kiện ánh sáng nhất định.
  • Do phải xử lý các kích thích thị giác trong môi trường nên võng mạc dễ bị suy giảm chức năng. 
ánh sáng thích hợp
Ánh sáng không phù hợp có thể gây mờ mắt, kích ứng mắt, gắt gỏng, buồn nôn hoặc đau đầu… (Ảnh: Aslysun/ Shutterstock)

Khái niệm cơ bản về ánh sáng

Sự phân bố quang phổ của ánh sáng mô tả năng lượng dưới dạng bước sóng. Cường độ ánh sáng khuyên dùng cho công việc bình thường là 500 lux, với công việc chi tiết cần đến 2000 lux. Một không gian phòng kín cần bổ sung đèn huỳnh quang và đèn LED để đáp ứng tiêu chuẩn này.

Võng mạc chịu trách nhiệm về tất cả các tác động của ánh sáng đối với nhịp sinh học và giấc ngủ ở người. Các quang phổ khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến hiệu ứng thời gian của đồng hồ sinh học. Khi mặt trời lặn, các tế bào cảm quang trong võng mạc phát hiện sự thay đổi ánh sáng và gửi thông tin đến đồng hồ điều hành trong bộ não khiến cơ thể tạo phản ứng buồn ngủ.

Khi nhiệt độ thay đổi, các vật được chiếu sáng sẽ phát ra nhiều sắc độ ánh sáng. Nhiệt độ của ánh sáng được biểu thị bằng Kelvin. Quan sát cho thấy màu càng lạnh thì nhiệt độ màu càng cao và màu càng ấm thì nhiệt độ màu càng thấp. Vì lý do này, nhiệt độ của ánh sáng rất quan trọng trong việc thiết lập vùng làm việc thoải mái của con người.

Giải pháp chiếu sáng để tăng hiệu quả công việc

Mặc dù nên làm việc vào ban ngày nhưng vẫn có nhiều cách để cải thiện điều kiện làm việc của bạn vào bất kỳ giờ nào. 

Bằng cách chọn ánh sáng xanh nhẹ có nhiệt độ màu vừa phải sẽ giúp mắt bạn đỡ mỏi hơn. Sử dụng đèn LED có thể làm giảm độ chói và căng thẳng cho mắt. Để ánh sáng vát là một cách khác để giảm độ chói, cho phép đọc thoải mái hơn. 

Nên duy trì khoảng cách tối ưu 24 inch (khoảng 60 cm) so với màn hình máy tính và sử dụng màn hình bảo vệ có khả năng lọc tia cực tím tối đa để giúp bạn làm việc thoải mái và hiệu quả hơn. 

Hãy thử tùy chọn “chế độ ban đêm” trên điện thoại thông minh để thay đổi màu màn hình sang màu ấm hơn.

Một giải pháp thay thế khác là liệu pháp ánh sáng, một phương pháp điều trị ngày càng phổ biến, đặc biệt đối với chứng trầm cảm theo mùa. Liệu pháp này có thể tự thực hiện được tại nhà với một hộp đèn được thiết kế đặc biệt – có bộ lọc tia cực tím, giúp bạn cơ bản được tiếp xúc với đủ ánh sáng – mặc dù là ánh sáng nhân tạo – trong những tháng mùa đông.

Bằng cách thực hiện một số bước trên để có ánh sáng phù hợp, bạn có thể khôi phục lại nhịp điệu tự nhiên của cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng và bớt mệt mỏi nếu phải đi làm sớm hơn hay làm việc muộn hơn.