Trà xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó phát triển và được đón nhận ở Nhật Bản bởi vẻ đẹp và sự đơn giản của nó. Trà đạo đã trở thành một truyền thống không thể thiếu trong văn hóa châu Á, nó hiện diện trong mọi mặt cuộc sống – từ các nghi thức cung đình cho đến hoạt động thường ngày.

tra dao 1
Trà đạo là một nghi thức truyền thống của châu Á được thực hiện trong nhiều thế kỷ. Hãy trải nghiệm truyền thống này tại ngôi nhà ấm cúng và coi mỗi buổi trà đạo là những phút giây quý giá cho bạn và những người thân yêu. (Ảnh: oneinchpunch/ Shutterstock)

Nghệ thuật pha trà đã được hoàn thiện qua hàng trăm năm với sự gắn kết của yếu tố tinh thần. Nếu trong cuộc sống bộn bề, bạn bỗng dưng khao khát sự thanh bình và tĩnh lặng thì một nghi thức trà đạo có thể chính là điều bạn cần.

Nguồn gốc trà đạo

Trà ban đầu được sử dụng như một loại dược liệu giúp chống buồn ngủ khi thiền định. Khi người Trung Quốc nắm vững được kỹ thuật trồng và sản xuất trà, thì nó bắt đầu thâm nhập vào mọi lĩnh vực của xã hội, trở thành thức uống chủ yếu trong triều đại nhà Đường – thời kỳ hoàng kim của văn hóa Trung Hoa.

Đây cũng là thời điểm giao lưu cao trào giữa văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Vào thế kỷ thứ 9, một nhà sư Nhật Bản học Phật giáo ở Trung Quốc đã trở về quê hương mang theo ít trà xanh dâng triều đình Nhật Bản.

Đồ uống có tác dụng giúp đầu óc tỉnh táo bằng việc ngâm lá trong nước nóng này nhanh chóng trở thành thức uống được giới quyền quý Nhật Bản lựa chọn. Mặc dù sau đó sự quan tâm đến trà dần dần suy giảm nhưng vài năm sau nó lại nổi lên với sức mạnh bền bỉ.

Vào thế kỷ 12, một nhà sư tên là Eisai trở về từ Trung Quốc với hạt giống trà và phương pháp pha chế matcha.

tra dao 3
Bột Matcha là loại bột được nghiền mịn từ lá trà. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc và hiện được tiêu thụ trên toàn cầu. (Ảnh: manbo-photo/ Shutterstock)

Eisai cũng đã giới thiệu Thiền tông đến Nhật Bản và được xem là người sáng lập trường phái Lâm Tế Tông, một truyền thống bắt nguồn từ kinh điển Đại thừa Phật giáo từ Ấn Độ và trường phái Thiền tông của Trung Quốc. Trong số các triết lý của trường phái này có tư tưởng sự giác ngộ có thể đạt được trong quá trình thực hiện những hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như pha và uống trà.

Việc pha trà sau đó đã trở thành một công việc có ý nghĩa về mặt tinh thần, làm nảy sinh một nghi thức đặc biệt của Nhật Bản được gọi là chadō (茶道) hay “Trà đạo”. 

Thanh tịnh

Có một triết lý sâu sắc đằng sau sự trang trọng và tinh tế của nghi thức này, dựa trên nhiều quan niệm tâm linh khác nhau.

Trong số đó có niềm tin của Đạo giáo là “Lấy chậm thắng nhanh”, ám chỉ sức mạnh của sự kiên nhẫn và tự chủ trước những hành động vội vàng và thiếu suy nghĩ. Trong trà đạo, điều này được thể hiện qua những động tác chậm rãi, nhẹ nhàng của người thực hiện nghi thức trà.

Một quan niệm khác là Ichi-go ichi-e ( 期一会) đề cập đến chất lượng độc nhất của từng khoảnh khắc. Tương tự như câu nói nổi tiếng của triết gia Hy Lạp Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, bởi vì đó không phải là dòng sông cũ và người đó cũng không phải là người như trước nữa”. Tư tưởng này của người Nhật bao hàm cả bản chất vô thường của cuộc sống và tầm quan trọng của việc trân trọng những thứ “tại đây và bây giờ”. Một cuộc gặp gỡ không bao giờ có thể được lặp lại, ngay cả khi những người giống nhau gặp gỡ ở cùng một nơi.

Trà đạo còn thể hiện quan niệm omotenashi (御持成) hoặc lòng hiếu khách. Bắt nguồn sâu xa từ văn hóa Nhật Bản, omotenashi là triết lý phục vụ người khác với sự khiêm tốn và chân thành, làm mọi việc một cách cởi mở và chu đáo.

“Mặc dù bạn lau tay và phủi sạch bụi bẩn khỏi các bình đựng, nhưng tất cả sự ồn ào này có ích gì nếu tâm vẫn còn bất tịnh?” Trà sư Sen no Rikyū.

Quan điểm thẩm mỹ Wabi-sabi cũng được phản ánh trong trà đạo. Triết lý này đề cao sự mộc mạc và khiêm tốn, đồng thời thiết lập 3 nguyên tắc của cái đẹp: Sự không hoàn hảo, sự vô thường và sự không trọn vẹn.

Phong cách trang trí chịu ảnh hưởng của Wabi-sabi bao gồm những đồ vật đơn giản phản ánh vẻ đẹp khiêm tốn của thiên nhiên, chẳng hạn như ikebana – cách cắm hoa tối giản và một cuộn thư pháp được lựa chọn cẩn thận. Ngay cả bộ đồ pha trà cũng được làm từ đất sét và trông giản dị.

tra dao
Nội thất của một quán trà Nhật Bản với một số dụng cụ. (Ảnh: Gryffindor/ Wikimedia Commons)

Công thức cho một buổi trà đạo

Ocha (お茶) – lá trà: Loại chất lượng cao có lá đều nhau và mùi thơm đặc biệt: Trà đen có mùi đất và ngọt, trà xanh có mùi cỏ, còn trà thảo dược có mùi thơm đặc trưng của nguyên liệu thực vật.

Mizu (水) – nước: Chất lượng nước rất quan trọng để pha được ấm trà ngon. Nước cần có độ pH trung tính, mềm và không có clo hoặc các tạp chất khác. Nên dùng nước suối hoặc nước cất, nhưng nước máy đã lọc cũng có thể được.

Kama (釜) – ấm đun nước: Nước nên được đun nóng trên bếp, tốt nhất là đun trong ấm trà bằng gang truyền thống gọi là tetsubin. Những chiếc ấm này rất bền và mang lại nét duyên dáng vượt thời gian cho các buổi trà đạo của bạn. Chúng giữ nhiệt cực tốt và cải thiện hương vị của nước.

Hishaku (柄杓) – muỗng trà: Một muỗng trà truyền thống của Nhật Bản làm bằng tre cho phép bạn đánh giá các đặc tính vật lý của trà trước khi pha.

Kyusu (急須) – ấm trà và chawan (茶碗) – chén trà: Trong khi ở phương Tây có xu hướng sử dụng những chiếc cốc lớn, chắc chắn để pha và uống, thì truyền thống phương Đông lại ưa chuộng phương thức rót trà từ ấm vào những chén nhỏ để có được hương vị và trải nghiệm tốt nhất.

Yuzamashi (湯冷) – tống chuyên trà (chén tống): Trà lá có thể được pha nhiều lần, mùi thơm và hương vị của trà không chỉ thay đổi theo từng lần pha, mà ngay cả trong cùng một ấm thì mức độ của hương vị cũng khác nhau.

Vì nước trà ở đáy bình sẽ đậm đặc hơn nên người ta sử dụng tống chuyên trà để có được nước trà đồng nhất. Ngay sau khi cho trà vào ấm, trà được rót vào tống trà – từ đó trà được rót vào các chén nhỏ.

Nghi thức trà đạo

tra dao 2
Hãy coi mỗi buổi trà đạo như một cơ hội quý giá để đắm mình vào khoảnh khắc hiện tại. (Ảnh: chinahbzyg/ Shutterstock)
  1. Chọn một không gian sạch sẽ, ngăn nắp để có thể thường xuyên thực hiện nghi thức. Tập hợp các dụng cụ và để từng món ở một vị trí cụ thể tùy theo chức năng của nó.
  2. Hãy thả lỏng tâm trí và dùng muỗng múc lá trà đổ vào ấm (khoảng ⅓).
  3. Đun nóng nước đến nhiệt độ thích hợp cho loại trà bạn đang pha.
  4. Đổ nước nóng vào ấm trà theo chuyển động vòng tròn nhỏ để nhẹ nhàng đánh thức những chiếc lá, đổ đầy khoảng 3/4 ấm. Hãy nhanh chóng loại bỏ lượng nước này vì mục đích của nó là loại bỏ bụi bẩn trên lá và khuyến khích lá trà bắt đầu mở ra.
  5. Lại đổ đầy nước vào ấm trà và để trà ngâm trong thời gian khuyến nghị.
  6. Rót trà vào tống chuyên trà trước khi rót vào các chén nhỏ, chú ý đến màu sắc đặc biệt của mỗi loại trà.
  7. Nếu có khách, hãy rót trà cho họ trước, khuyến khích họ trải nghiệm hương vị của từng ngụm.
  8. Lặp lại quá trình ủ cho đến khi lá mất đi hương vị (khoảng 5 lần).
  9. Nên cho trà đạo vào lịch trình hàng tuần của bạn. Hãy nhớ rằng mỗi khoảnh khắc là duy nhất và không thể lặp lại, chỉ tận hưởng khoảng khắc ở hiện tại bạn mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của trà đạo.

Carolina Avendano/ Vision Times

Ngọc Chi biên dịch