Thói quen đọc to một mình không biến bạn thành một người kỳ lạ, mà ngược lại, nó đang giúp bạn tăng cường khả năng ghi nhớ, bao quát, truyền đạt thông tin.

Khi chúng ta còn nhỏ, bố mẹ thường đọc những câu chuyện cổ tích bên cạnh giường để giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ. Khi học ở trường mẫu giáo, cô giáo thường yêu cầu chúng ta ngồi thành một vòng tròn để nghe cô kể chuyện. 

đọc to
(Ảnh: DenisProduction.com/ Shutterstock)

Lợi ích của việc đọc to đã được tác giả Sara Mackenzie chứng minh trong cuốn sách “The Read-Aloud Family”. Đọc to giúp bạn xây dựng văn hóa gia đình và tạo điều kiện để các thành viên cùng bàn bạc, trò chuyện với nhau. Thậm chí, nhiều gia đình còn xác định sẽ dành một khoảng thời gian cụ thể vào cuối tuần để cùng đọc truyện. 

Trong cuốn “The Enchanted Hour: The Miraculous Power of Reading Aloud in the Age of Distraction”, Meghan Cox Gurdon khuyến nghị các nhân viên nên đọc to trong viện dưỡng lão để giúp các cụ già rèn giũa trí tuệ. Nếu thấy tinh thần ông bà của mình đang dần trở nên nặng nề, mệt mỏi theo thời gian, bạn hãy thử đọc to một câu chuyện và chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Đọc to cho người khác nghe có thể mang đến rất nhiều lợi ích, vậy nếu chúng ta tự đọc cho chính mình thì sao? 

Chủ động rà soát lỗi sai

shutterstock 2093630704
(Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Có thể bạn vẫn thường tự đọc to một mình nhưng không nhận ra điều đó. Ví dụ như khi bạn cài đặt một ứng dụng trên điện thoại nhưng nó không hoạt động như ý. Bạn xem lại phần hướng dẫn và bất giác đọc to lên “bước 1 là, bước 2 là,…”. 

Bạn hãy thử chiến thuật này khi viết bài luận ở trường. Sau khi làm xong, bạn hãy đọc to bài của mình với giọng điệu đều đều, chầm chậm cho bạn bè, người thân và chính mình nghe. Làm như vậy, bạn sẽ có cơ hội nhận ra những lỗi ngữ pháp hoặc cách diễn đạt không hợp lý. 

Nhiều nhà văn cũng thường đọc to bài viết trước khi gửi đi để kiểm tra lỗi giống như vậy. Đây là một cách hành xử chuyên nghiệp mà mọi người đều nên học tập.

Tăng khả năng ghi nhớ

shutterstock 756006628
(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

Đọc to hoặc đọc thầm có thể mang lại nhiều lợi ích hơn bạn tưởng. Thói quen này giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ các sự kiện và thông tin xuất hiện trong sách giáo khoa hoặc giảng đường. Theo tác giả giấu tên của bài viết trực tuyến “Can Reading Out Loud Versus Reading Silently Really Give You an Advantage?”, cách làm này hiệu quả vì nó khiến bạn phải áp dụng cả giọng nói và thính giác vào việc học. Dường như các giác quan của bạn đều sẽ được khuếch đại mạnh mẽ hơn để kết nối với thông tin.

Ngoài ra, phương pháp học một người đọc rồi cả nhóm đọc theo sẽ không mang lại hiệu quả tốt. Bạn đang thụ động nhại lại một bài giảng mà không ghi chép gì cả. Nếu bạn không có thính giác cực kỳ tốt thì hãy tránh xa kỹ thuật học tập này.

Tăng khả năng bao quát vấn đề

shutterstock 612482936
(Ảnh: SG SHOT/ Shutterstock)

Bạn đã bao giờ gặp phải tình cảnh: Bạn thấy mọi người khen ngợi một cuốn sách, bạn mua nó, bạn đọc nó 2-3 lần nhưng vẫn chẳng thể thấy nó thú vị? Những câu chữ được mọi người tâm đắc trích dẫn hóa ra lại là một màn tra tấn tinh vi đối với bạn? Lời khuyên cho bạn là hãy đọc to nó lên. Đọc to có thể khiến lời văn thoát nghĩa hơn, giúp bạn dễ thấu hiểu chúng hơn. 

Lần tới, nếu bạn cảm thấy không thể hiểu nổi cách giải thích về một công thức hóa học hay một chương dài bất tận về lịch sử thế giới, hãy thử đọc to nó lên. Trong trường hợp bạn đã tập trung hết sức và đọc to nhiều lần mà vẫn không hiểu, bạn có thể tìm đến giáo viên hoặc một chuyên gia để được giúp đỡ. 

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc đọc to vốn đã có thể gỡ rối cho bạn ngay từ đầu.

Thổi hồn vào lời nói

shutterstock 347462300
(Ảnh: tockfour/ Shutterstock)

Chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa một người biết ngâm thơ, diễn kịch với một người chẳng bao giờ phát biểu. Bạn nên học cách đọc to sao cho hay, có vần điệu để phát triển kỹ năng giao tiếp và thuyết trình của mình. Nếu sợ rằng mọi người trong nhà hiểu lầm rằng bạn đang nói chuyện một mình thì bạn hãy khóa cửa phòng trước khi luyện tập nhé.