Người xưa thường nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, có nghĩa là trong trăm cái thiện thì hiếu là đứng đầu. Con cái có hiếu thảo hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự dạy dỗ của cha mẹ. Khi phát hiện con có 4 hành vi dưới đây, cha mẹ hãy kịp thời uốn nắn, tránh để lại hối hận sau này: 

hiếu thảo
(Ảnh: shutterstock.com)

1. Chống đối cha mẹ, muốn làm gì thì làm 

Biểu hiện phổ biến nhất của một đứa trẻ không vâng lời là chống đối cha mẹ và khiến họ tức giận. 

Ngày nay, nhiều đứa trẻ là con một nên thường được cha mẹ thương yêu nuông chiều, ông bà cũng hết mực chiều chuộng. Kiểu trẻ này chỉ cần thỉnh thoảng không được đáp ứng yêu cầu, chúng sẽ ngang ngược với cha mẹ, muốn làm gì thì làm. 

Những đứa trẻ không hiểu chuyện như vậy có thể sẽ cãi lại đồng thời thể hiện sự thiếu tôn trọng và vô lễ đối với cha mẹ, thậm chí còn cố tình chống lại cha mẹ chúng. Cha mẹ bảo trẻ như thế này, thì trẻ sẽ làm như thế kia, thể hiện rõ tính ích kỷ, ương ngạnh, khó tránh khỏi sẽ khiến cha mẹ đau lòng và giận dữ. 

Khi trẻ bắt đầu có biểu hiện của tính cách ngỗ ngược này, cha mẹ cần nói chuyện với trẻ một cách bình tĩnh. Hãy hỏi trẻ nhiều hơn về lý do tại sao trẻ không hài lòng, tại sao lại chống đối cha mẹ, sau đó kiên nhẫn uốn nắn trẻ và khiến tâm thái trẻ trở nên đúng đắn. 

2. Không có lòng biết ơn 

Chúng ta thường thấy hình ảnh này: Sau bữa ăn, đứa trẻ để chén đũa lại rồi đi xem TV hoặc đi chơi, trong khi cha mẹ bận rộn thu dọn, rửa bát đĩa. Có những món ngon ở nhà, cha mẹ luôn để phần cho trẻ, nhưng ngược lại trẻ ít khi nhường cha mẹ ăn trước. Khi con ốm cha mẹ chăm sóc chu đáo, nhưng khi cha mẹ không khỏe con cái ít thăm hỏi, thậm chí làm ngơ không quan tâm… 

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục như vậy đã quen với việc nhận được sự quan tâm, yêu thương vô điều kiện của người thân trong gia đình. Chúng sẽ cho rằng tình yêu thương của gia đình dành cho mình là điều đương nhiên, nhưng lại không biết cách yêu thương người thân và những người xung quanh. 

Là cha mẹ, chúng ta nên dạy con lòng biết ơn, có thể bắt đầu từ những điểm sau: 

– Đừng cho trẻ quá nhiều hay can thiệp quá nhiều, và cũng đừng thay trẻ lo liệu hết thảy mọi việc. 

– Không để trẻ chỉ biết ăn một mình mà không biết mời người khác.

– Không đến mức là “không đáp ứng bất cứ điều gì”, nhưng cũng đừng “đáp ứng mọi yêu cầu”, để con cái có được mọi thứ quá dễ dàng. 

– Bạn có thể thường xuyên kể cho con nghe về những vất vả trong công việc của mình. 

– Cha mẹ nên làm gương cho con cái cũng như cho chúng cơ hội để “đáp lại” và thể hiện lòng biết ơn của mình.

3. Độc chiếm đồ đạc 

hiếu thảo
(Ảnh: AlohaHawaii/ Shutterstock)

Nhiều bé cảm thấy mình là “công chúa”, “hoàng tử” ở nhà, và tất nhiên mọi món ngon hay đồ chơi đều phải là của mình. Vì thế, trong nhà mình thích gì, bất luận là thứ gì, nhất định phải độc chiếm. Đây cũng là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng.

Cha mẹ với tình yêu thương vô bờ bến sẽ sẵn sàng dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Ngược lại, nếu con cái có thể yêu cha mẹ như cách cha mẹ yêu con, chẳng phải là điều tuyệt vời sao? 

Trên thực tế, những đứa con đã quen được nuông chiều, thay vì dành những thứ tốt nhất trong nhà cho cha mẹ, chúng lại chiếm đoạt những thứ đó không chút do dự.

Nhiều đứa trẻ không muốn ai đụng vào những món ăn yêu thích của chúng trên bàn. Nếu trẻ muốn xem một chương trình truyền hình thì sẽ không ai được phép chạm vào điều khiển từ xa. Nếu trẻ có một món đồ chơi mà vô cùng yêu thích, ngay cả cha mẹ cũng không được phép chạm vào.

Trẻ chỉ nhìn thấy bản thân mình mà không thấy ai khác, kể cả cha mẹ mình. Với tư tưởng và thói quen này, tương lai lớn lên khó có thể trở thành người con có hiếu.

4. Thói quen đổ lỗi cho người khác

Bây giờ có nhiều đứa trẻ ngang ngược hống hách và không nghe lời ai cả.

Có nhiều chuyện trẻ biết rõ mình làm sai, nhưng khi cha mẹ nói điều gì với trẻ thì chúng đều chối bỏ mọi trách nhiệm và còn đổ lỗi cho cha mẹ. Nếu cha mẹ nói thêm vài câu, chúng sẽ lăn lộn trên mặt đất, mặc kệ người khác nghĩ gì.

Kiểu trẻ này đã quen với việc tự cho mình là trung tâm, và tất cả những điều này là do sự chiều chuộng của cha mẹ chúng. Nếu không được uốn nắn kịp thời, chắc chắn khi lớn lên trẻ sẽ không thể thay đổi được nữa.