“Biết ăn nói” là một khóa học bắt buộc đối với người trưởng thành. Cách nói chuyện phù hợp sẽ thể hiện ra sự linh hoạt và trí tuệ. Để trở thành một người thực sự “biết  ăn nói” cần biết 8 kỹ năng giao tiếp sau đây. 

biết ăn nói
Cách nói chuyện phù hợp sẽ thể hiện ra sự linh hoạt, trí tuệ và khiế n mọi người yêu quý bạn. (Ảnh: shutterstock.com)

1. Không trách lỗi xưa, không nhắc chuyện cũ.

Trong nói chuyện, cho dù đang nói về chính mình hay đến người khác, đều cần xuất từ tâm, làm được nói thành thực. Nếu không thể làm được điều này thì tốt hơn là nên im lặng.

Vào thời Xuân Thu, Công Dã Tràng, một người đệ tử của Khổng Tử, lúc từ nước Ngụy trở về nước Lỗ đã gặp một bà lão đang khóc lóc thảm thiết. Thì ra con trai của bà cụ đã không còn nữa. 

Công Dã Tràng nói với bà lão rằng mình vừa nhìn thấy con trai bà trên đường đi, nhưng đã bị ai đó hại chết. Quan lại trong thôn cho rằng Công Dã Tràng là người khả nghi, vì vậy họ đã giam giữ anh ta lại trong vài tháng. 

Khổng Tử nói: “Dù bị ngồi tù nhưng tội này không do trò ấy gây ra”. Sau đó, Khổng Tử còn gả con gái của mình cho Công Dã Tràng. 

Người già hay nhắc nhở rằng “ký vãng bất cửu”, ý nghĩa là không trách lỗi xưa, không nhắc chuyện cũ.

Làm người, hãy nhìn về phía trước, đừng mãi nhìn về quá khứ. Việc luôn nhắc lại những chuyện đã qua thì chính là đang vướng mắc vào quá khứ. Mỗi lần nói ra thì chẳng khác nào như mũi kim đâm vào người khác. 

Ví dụ như khi đồng nghiệp mắc lỗi mà chúng ta cứ luôn “khắc cốt ghi tâm” về lỗi lầm đó, lâu lâu lại mang ra chì chiết thì hỏi làm sao có thể phối hợp làm công việc cho tốt đây? 

Đã là con người, không ai có thể hoàn hảo, bạn tha thứ cho người khác, cũng chính là tha thứ cho bản thân mình vậy. Mọi người ai cũng có thể bỏ qua khiếm khuyết và khích lệ ưu điểm của nhau, sẽ trở thành một vòng tuần hoàn tích cực, chúng ta đều là người được lợi ích từ trong đó.

Vậy thì thay vì cứ luôn nghĩ về quá khứ tối tăm u ám, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp, tươi sáng bạn nhé. 

2. Lúc bình thường nên nói những chuyện vui vẻ

Trong ấn tượng của mọi người, Khổng Tử được coi là một người thầy nghiêm khắc. Kỳ thực, Khổng Tử cũng có rất nhiều khoảnh khắc hài hước. Ví dụ, khi nhận xét về học trò Tử Cống, Khổng Tử nói rằng “Con giống như dụng cụ. Là dụng cụ nào? Hồ liễn.” 

Hồ liễn là cái bát đựng xôi khảm ngọc để cúng tế ở tôn miếu. Đây là câu nhận xét hài hước ẩn dụ, ý nói Tử Cống là người tài nhưng chỉ giỏi một loại công việc.

Người ta nói rằng cái đẹp thì hao hao nhau, nhìn nhiều lại cảm thấy rất đơn điệu. Tâm hồn thú vị mới là cái độc đáo từ bên trong, đó là nét đẹp đặc trưng mà chỉ người đó mới có.

Trong những cuộc trò chuyện thường ngày, thêm vào những chuyện hài hước, đừng để gây hại gì cho ai, đó cũng là một “nghệ thuật” nói chuyện ý nhị, thú vị. Một số ẩn dụ cũng sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ và để lại ấn tượng sâu sắc. 

Ví dụ, giữa đồng nghiệp với nhau, lúc tại sở làm, cần nghiêm túc đúng mực đối với công việc, nhưng sau khi tan sở thì có thể thư giãn, thoải mái nói chuyện vui vẻ với nhau. Áp dụng một chút cách nói chuyện ẩn dụ hài hước này, bạn sẽ thấy rằng cuộc nói chuyện của bạn với đồng nghiệp sẽ trở nên thú vị, gần gũi. Đây cũng là một cách gây dựng tình cảm thân thiết giữa các đồng nghiệp, bạn sẽ phát hiện ra rằng công việc giữa mọi người sẽ không còn căng thẳng như trước nữa nhờ vào “nghệ thuật” nói chuyện ấn tượng này đấy.

3. Việc chưa rõ thì nên cân nhắc thận trọng khi nói 

ấn tượng đầu tiên
Nếu nội dung trò chuyện sáo rỗng, thiếu thực tế rất có thể sẽ khiến người nghe cảm thấy chúng ta đang nói lời không đáng tin, không có trọng lượng. (Ảnh: Shutterstock)

Trong Tả truyện có viết: “Ngôn chi vô văn, hành nhi bất viễn”. Ý nghĩa là nếu không có văn phong trong lời ăn tiếng nói thì sẽ không lan tỏa ra xa được. 

Nếu nội dung trò chuyện sáo rỗng, thiếu thực tế rất có thể sẽ khiến người nghe cảm thấy chúng ta đang nói lời không đáng tin, không có trọng lượng. Vì vậy, hãy thận trọng với những điều chưa hiểu thấu đáo.

Với một chủ đề nào đó, nếu biết thì chúng ta nói là biết, không biết thì hãy thành thật nói rằng không biết. Nếu chúng ta nói phóng đại thì ngược lại thành ra vụng về, còn có thể thành trò cười cho thiên hạ. 

Có người nhận xét rằng học trò Nhiễm Ung của Khổng Tử là người có đức nhân, không biết nịnh nọt, kém tài ăn nói. Khổng tử nói: “Khéo mồm nhanh miệng để cãi thay cho người, thường bị người ta ghét, chẳng biết trò ấy có nhân hay không nhưng sao phải khéo nói làm gì.”

Cô bạn tôi vốn tính vui vẻ, thích chuyện trò, hễ ai có điều gì vướng mắc, cô liền nhanh nhảu diễn vai quân sư quạt mo, đưa ra đủ kế sách cho người khác. Cô nghĩ rằng bản thân đã làm một việc tốt giúp người này, ngờ đâu lại động chạm đến lợi ích của người khác, kết quả cô lại là người bị đưa ra kể tội.

Nếu chúng ta luôn tranh biện hoặc thích đưa ra ý kiến, tuy là ăn nói lưu loát đấy nhưng có thể sẽ khiến ai đó phật lòng. Giao lưu quá mức sẽ phản tác dụng, tốt hơn hết là nên dụng tâm lắng nghe người khác trước.

4. Khi đánh giá sự việc cần công bằng

Khổng Tử khen Tử Tiện là bậc quân tử, nhưng ông cũng nói: “Nước Lỗ mà vốn không có những người quân tử thì trò ấy làm sao có được phẩm cách như vậy.”

Tử Tiện được bổ nhiệm làm quan cai quản đất Đản Phụ thuộc nước Lỗ, ông đã tận dụng tốt tài năng và hoàn thiện phép tắc quản lý địa phương. Người đánh cá chủ động thả những con cá nhỏ trở lại sông, người tìm được vật đánh rơi đều giao trả lại cho chủ sở hữu. Tử Tiện quản lý huyện Đan Phụ phát triển rất phồn vinh thịnh vượng và yên bình.

Để đánh giá một người nào đó, điều tối kỵ nhất là “đạo đức giả” . Nhìn bề ngoài, một số lời nói “đạo đức giả” sẽ khiến mọi người rất hài lòng, nhưng những người sáng suốt nhìn cái liền biết rằng những lời nói như vậy là toàn là lời cường điệu, nói quá. Nếu một nhóm người “đạo đức giả” mà tập hợp lại với nhau thì lời nói và hành vi đều không có chút ý nghĩa nào.

Nếu thực sự muốn tốt cho một người, hãy nói lời khích lệ phù hợp dựa vào chính thực lực của họ nhưng cũng đừng quên góp ý chân thành giúp họ càng tiến xa hơn nữa.

5. Chân thành trong việc chia sẻ, giáo dục 

cha mẹ cáu gắt
Bạn nên chọn cách giao tiếp ôn hòa và chân thành trong việc chia sẻ, giáo dục. (Ảnh:Alfira/ Shutterstock)

Học trò Tế Dư của Khổng Tử ngủ giữa ban ngày, Khổng Tử giận nói: “Gỗ mục không thể chạm khắc được!”

Sau đó, Tế Dư đã chăm chỉ học tập, không ngại học hỏi người kém hơn mình, vì thế mà tiến bộ rõ rệt. Khổng Tử lại nói: “Mới đầu, đối với người, ta nghe lời nói mà tin việc làm, nay đối với người ta nghe lời nói mà còn phải xem việc làm nữa.”

Trong chia sẻ, giáo dục, không thể luôn luôn khen ngợi, mà cần có sự chân thành trong việc chỉ ra cho họ biết khuyết điểm, từ đó có thể làm tốt hơn. Chỉ cần lời nói của bạn đúng mực, nếu là một, đừng nói cường điệu quá lên ba, bốn, thì sự chân thành của bạn sẽ khiến đối phương có thiện cảm và khiến đối phương tiếp nhận.

6. Tế nhị khi nói chuyện với người nhà

Giữa người nhà với nhau có thể nói những chuyện mà lúc xã giao không nên nói, nhưng cần chú ý đến giọng điệu và thái độ nói.

Chỉ cần là xuất phát từ đáy lòng thì dù lời nói có mang ý tứ bất mãn, gai góc, cũng có thể được người nhà chấp nhận. Nhưng nếu là lời nói vô tâm thì dù nói như thế nào cũng khiến mọi người cảm thấy khó chịu. 

Ví dụ, về vấn đề phụng dưỡng cha mẹ, bạn nên bày tỏ những khó khăn thực tế và những suy nghĩ, mong muốn cụ thể của mình, biểu đạt ra một cách đầy đủ, trọn vẹn. Nếu không chịu bày tỏ ý kiến bản thân, đồng thời cũng không thể chấp nhận cách nghĩ của các anh chị em trong nhà, thì mâu thuẫn sẽ ập đến. 

Đừng để cho người nhà phải đoán già đoán non về tâm trạng, lời nói của bạn. Người trong nhà nên chân thành chia sẻ với nhau, cũng như đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ.

7. Bớt nói những chuyện sau lưng người khác

mách lẻo
Mỗi người chúng ta chỉ có một cái miệng chỉ nên dùng để nói lời tốt đẹp, tránh việc ngồi lê đôi mách sau lưng người khác. (Ảnh: Pixel-Sho/ Shutterstock)

Khi trò chuyện, cũng khó mà tránh khỏi việc nói đến “người thứ ba”, hơn nữa đối tượng tán gẫu thường không tham gia cuộc trò chuyện.

Có những người thích hoa chân múa tay khi bàn luận sự việc, thêm mắm thêm muối để khiến câu chuyện thêm hấp dẫn. Thói quen này xuất phát từ tâm lý hiển thị, muốn nổi bật, thể hiện rằng mình là người hiểu biết. Tuy nhiên, nó không chỉ gây hại cho người khác mà sẽ gây hại cho chính chúng ta khi sự việc trở nên có nhiều tam sao thất bản, và thậm chí trở thành tin đồn. 

Nói sau lưng người ta là điều khó tránh khỏi, nhưng chắc hẳn chúng ta không ai muốn bị nói là kẻ mách lẻo, ngồi lê đối mách, thị phi đồn đại, đúng không? Vậy chúng ta hãy bớt nói một chút, giữ miệng kìm lời, hoặc có thể chuyển chủ đề kịp thời để tránh đi quá sâu vào sự việc nào đó. Đặc biệt nếu là những lời hạ thấp người khác thì đừng bao giờ nói.

8. Ngữ khí hòa nhã, khiêm tốn khi nói về điều mình làm

Khổng Tử nói: “Ta chẳng phải trời sinh ra đã biết đạo lý mà là ta ưa thích văn hoá cổ nên siêng năng tìm học.”

Làm người, có thể nhìn thấy bụi bẩn trên mặt của người khác, nhưng lại không thấy được nếp nhăn trên mặt mình. Chúng ta đều nên lấy người khác làm tấm gương để đối chiếu và phát hiện ra những khuyết điểm cũng như điểm mạnh của bản thân mình. 

Khi giao tiếp giữa mọi người mọi người, nếu có lời nào động chạm đến bản thân mình cũng đừng tỏ ra tức giận. Gặp lời phê bình thì nên can đảm tiếp nhận, gặp được khen ngợi cũng đừng quá cao hứng, vui mừng quá mức.

Khi nói về bản thân nếu có thể giữ một thái độ khiêm tốn và tôn trọng, cho phép bản thân mắc sai lầm cũng như nhìn nhận đúng mực về thành tích của chính mình, thì bạn đã có thể giữ cho mình tâm thái thản nhiên rồi.

Lan Yến