Nét mặt anh công nhân hiền lành Wang Xiao (33 tuổi) biến sắc và bắt đầu phát hỏa khi người nhà liên tục hỏi về vấn đề vợ con, anh thực sự không muốn như vậy nhưng những lời hỏi thăm vô thưởng vô phạt chỉ làm khoét sâu thêm sự bất lực và mệt mỏi trong anh sau 9 năm tìm vợ không thành.

 “Tôi mệt mỏi và tự ti vì không lấy được vợ. Có lẽ tôi sẽ độc thân cả đời”, chàng trai quê Hà Nam thở dài.

Anh Wang chỉ là một trong hàng triệu đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi kết hôn đang bất lực trước việc tìm kiếm một nửa của mình.

đàn ông ế vợ
Số lượng đàn ông ế vợ ở Trung Quốc đang rất cao. (Ảnh minh họa: christinarosepix/Shutterstock)

Cuộc khảo sát trên 267 ngôi làng ở tất cả 31 tỉnh ở Trung Quốc do Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc thực hiện vào năm 2017 cho thấy, nam và nữ độc thân lần lượt chiếm tỷ lệ 5,92% và 3,62%. Một số ngôi làng ở các tỉnh kém phát triển, bao gồm Sơn Tây, Thiểm Tây và Quý Châu được mệnh danh là “làng ế vợ”, vì số lượng đàn ông độc thân quá nhiều.

Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng nan giải trên đây, nhưng về cơ bản có 4 nguyên nhân chính.

Theo ông Liu Zhijun ở khoa xã hội học Đại học Chiết Giang, chính sách một con được áp dụng tại Trung Quốc từ năm 1982 đã khiến các gia đình gia tăng chọn lọc giới tính, từ đó khiến số lượng phụ nữ ít hơn nam giới đáng kể.

Thứ hai, sự gia tăng thu nhập và công nghiệp hóa khiến những người phụ nữ trẻ có xu hướng tới các thành phố lớn để làm việc, họ cũng không muốn kết hôn sớm và khát khao một cuộc sống đầy đủ hơn là gắn bó với thôn làng.

Thứ ba, xã hội trước đây vốn xem trọng kết hôn sớm và thông qua mai mối để lựa chọn. Phương thức này tuy có chút khiêm cưỡng nhưng được đánh giá là giúp đảm bảo ai đến tuổi cũng sẽ tìm được một người phù hợp kết hôn, ổn định xã hội, ngăn ngừa tệ nạn và nam giới có thể tập trung cho sự nghiệp. Trong khi đó, xã hội hiện đại cho phép tự do tìm hiểu, dẫn đến hệ quả là yêu sớm, tuổi kết hôn tăng lên ở cả hai giới, đàn ông kém ăn nói gặp nhiều khó khăn, phía nữ muốn tìm những người đàn ông có “điểm số” cao và theo đó là tình trạng quan hệ tình dục sớm cũng như tỷ lệ ly hôn tăng mạnh.

“Đàn ông nông thôn, gia đình nghèo và học vấn thấp đương nhiên không hấp dẫn phụ nữ”, ông Liu nhận định.

Cuối cùng, sự khan hiếm con gái khiến không ít chàng trai không thể lo nổi sính lễ với mức “thách cưới” cao chót vót. Chẳng hạn tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, quê hương của anh Wang, để có thể bước chân vào cửa nhà cô dâu, anh cần đặt vào tráp lễ vật ít nhất 100.000 nhân dân tệ. Còn tại tỉnh Phúc Kiến, miền nam Trung Quốc, sính lễ được thách ở mức giá khoảng 150.000-200.000 nhân dân tệ (~540-715 triệu đồng) vào năm 2017 và liên tục tăng 10-20 nghìn tệ mỗi năm.

đàn ông ế vợ
Trung Quốc đau đầu tìm cách “giải cứu” đàn ông ế vợ. (Ảnh minh họa: aslysun/Shutterstock)

Tình trạng bế tắc này đương nhiên kéo theo không ít hệ lụy xã hội. Báo cáo cho thấy tỷ lệ tội phạm tình dục gia tăng, đặc biệt tội phạm nhắm vào trẻ em và phụ nữ. “Để đáp ứng ham muốn thể xác hoặc tình cảm, một số đàn ông độc thân có thể đi bán dâm hoặc là kẻ thứ ba trong các vụ ngoại tình”, ông Liu nói.

Năm 2019, ở huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam đã xảy ra một vụ án gây chấn động dư luận. Một người đàn ông độc thân 50 tuổi đã bắt cóc nữ sinh 16 tuổi và giữ cô làm nô lệ tình dục trong 24 ngày. Hắn nhốt cô bé vào một cái hố tự đào trong nhà mình. Theo tòa án, độc thân trong một thời gian dài đã khiến người đàn ông trở nên méo mó và bất ổn về tinh thần.

Một số giải pháp được đưa ra nhằm hạ nhiệt tình trạng này, tiêu biểu như việc giáo dục tri thức, tạo việc làm gia tăng thu nhập và cải thiện mức sống cho đàn ông nông thôn.

Tại một ngôi làng ở Thiểm Tây trước đây, một nửa đàn ông trên 35 tuổi không thể tìm vợ. Nhưng giờ, nơi đây có 20 đám cưới mỗi năm. Chính quyền địa phương đã giúp người dân xây nhà và dạy họ nuôi ong, trồng thảo mộc hoặc tạo điều kiện cho họ kinh doanh khách sạn kiếm tiền.

Một số khu vực cố đảo ngược tình trạng mất cân bằng giới tính bằng cách thu hút phụ nữ trẻ đến làng. Tại một địa phương ở khu tự trị Nội Mông, chính quyền đã tích cực phát triển ngành thêu truyền thống của Mông Cổ. Cách này thu hút nữ sinh về quê làm việc, tạo cơ hội cho trai làng tìm vợ.

Tại Sơn Tây, chính quyền đã thành lập một trung tâm dịch vụ thương mại điện tử. Họ tuyển dụng nhiều phụ nữ về làm nhân viên bán trực tuyến nông sản địa phương. 

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã quyết định nới lỏng chính sách 1 con vài năm gần đây. Mặc dù nhiều quyết sách được triển khai đồng bộ, vấn đề này sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay trong thời gian tới. Ước tính vào năm 2020, Trung Quốc có 30 triệu nam giới độc thân do không lấy được vợ. Gần đây một nhà kinh tế học nước này đã phải đưa ra đề xuất để cho một người vợ được lấy nhiều chồng, tuy nhiên đây không phải là một giải pháp tốt về mặt đạo đức để có thể mang ra thực thi.

Hoài Anh (Theo Global Times)

Xem thêm: