Người Ấn Độ tin rằng nên khởi đầu ngày mới bằng một tách trà (chè) và trà đã trở thành thức uống quen thuộc hàng ngày của họ. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng gần như cứ bốn cửa hàng trên đường phố Ấn Độ thì có một cửa hàng trà. Ngay cả ở vùng cao – nơi không có nhiều cửa hàng, bạn vẫn sẽ tìm thấy những quán trà nhỏ ven đường. Họ mở cửa sớm, đóng cửa muộn, hoặc đôi khi chỉ bán trong vài giờ nhưng luôn đông khách.

văn hóa trà
Đồn điền trà Munnar ở quận Idukki thuộc bang Kerala phía tây nam Ấn Độ. (Ảnh: Mazur Travel/ Shutterstock)

Nguồn gốc của trà

Dân gian Ấn Độ có một truyền thuyết kịch tính về nguồn gốc của trà. Kể rằng người sáng lập pháp môn Thiền tông là Bồ Đề Đạt Ma đã đến Trung Quốc và xuất niệm sẽ thiền định trong 9 năm không ngủ, nhưng ông lại chìm vào giấc ngủ. Ông đã vô cùng hối hận và tự cắt mí mắt của mình ném xuống đất. Cây trà, một phương thuốc tự nhiên cho cơn buồn ngủ, đã mọc lên nơi mí mắt của ông rơi xuống.

Tuy nhiên, theo truyền thuyết Trung Quốc, trà là một khám phá tình cờ của vua Thần Nông vào khoảng năm 2750 trước Công nguyên. Khi ông đang đun nước, một hai chiếc lá từ một cái cây gần đó rơi vào trong nồi và tỏa mùi hương thơm mát dễ chịu. Ông nhấp thử một vài ngụm và cảm thấy tỉnh táo, khỏe khoắn lại. Sau đó ông cũng phát hiện đặc tính chữa bệnh của trà. Kể từ đó, trà trở nên phổ biến ở Trung Quốc và lan rộng ra khắp thế giới.

Đồng chủng trị liệu pháp: Cách nào Thần Nông vượt qua y học hiện đại?
Thần Nông là vị hoàng đế thần thoại của Trung Quốc có liên quan đến nông nghiệp và thảo dược. Sinh ra với đầu bò, ông thường được miêu tả với cặp sừng nhỏ trên đầu đang hái các loại thảo mộc. (Tranh: Kínai költészet, Bibliotheque Nationale, Wikipedia, Public Domain)

Trà lan truyền đến các nền văn hóa khác nhau

Nước Anh

Khi Vua Charles II của Vương quốc Anh kết hôn với Công chúa Bồ Đào Nha Catherine xứ Braganza vào năm 1662, bà đã mang theo của hồi môn là trà Trung Quốc. Tân nữ hoàng bắt đầu tổ chức tiệc trà cho hoàng gia, điều này đã dẫn đến sự phổ biến của trà trên khắp nước Anh. Vương quốc Anh nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ trà hàng đầu và chính thức công nhận đây là “thức uống quốc gia” của họ.

Ấn Độ

Dưới sự cai trị của Anh, Ấn Độ trồng thuốc phiện để đổi lấy trà của Trung Quốc. Sự mất cân bằng thương mại do các nước Châu Âu thanh toán bằng bạc để đổi lấy hàng hóa của Trung Quốc đã dẫn đến các cuộc chiến tranh nha phiến về quyền kinh doanh vào giữa thế kỷ 19. Thất bại của Trung Quốc đã dẫn đến mức độ nghiện thuốc phiện bùng phát ở Trung Quốc và làm tăng mức tiêu thụ trà của Anh lên gấp 10 lần hoặc hơn.

Nhu cầu về trà ngày càng tăng đã thúc đẩy việc sản xuất trà ở Ấn Độ, bao gồm cả hành vi trộm cắp giống, cây trồng và kỹ thuật chế biến từ Trung Quốc.

Trà du nhập tuy không phát triển mạnh được ở Ấn Độ, nhưng người Ấn Độ cuối cùng cũng phát hiện ra những cây trà bản địa ở Thung lũng Thượng Brahmaputra. Kể từ đó, cây trà bản địa được nhân giống và áp dụng phương pháp chế biến của Trung Quốc. Hiện nay Ấn Độ là nước sản xuất trà lớn thứ hai trên thế giới, nổi tiếng với các loại trà Darjeeling, Assam và Nilgiri.

Nhật Bản

Văn hóa trà tinh tế của Nhật Bản bắt đầu vào đầu thế kỷ thứ 9. Sau khi thức uống này được du nhập từ Trung Quốc, nó đã trở thành một loại đồ uống xa xỉ được phục vụ trong triều đình ở Kyoto, sau đó trở nên phổ biến trong xã hội vào khoảng thế kỷ 14. Tầng lớp thượng lưu tổ chức tiệc trà để khoe những chiếc cốc uống trà tuyệt đẹp, trong khi sự đơn giản lấy cảm hứng từ Thiền định tạo nên một nghi thức trà đạo gọi là Chanoyu – một nghi thức nghiêm trang, mộc mạc và tâm linh trong văn hóa trà Nhật Bản.

Ngày nay trà được yêu thích trên khắp thế giới. Top 5 nước tiêu thụ trà bình quân đầu người nhiều nhất thế giới gồm Thổ Nhĩ Kỳ (3,16kg/người một năm), Ireland, Vương quốc Anh, Iran và Nga. 

shutterstock 795803854
Hoa trà không chỉ được dùng làm thức uống mà còn được đánh giá cao vì vẻ đẹp của nó. (Ảnh: rainsoop/ Shutterstock)

Tìm hiểu về trà

Ở Trung Quốc, đồ uống được pha từ lá trà được gọi là cha (茶); ở Ấn Độ được gọi là chai (चाइ).

Chi Trà (Camellia) bao gồm hơn 250 loài cây bụi thường xanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á, hầu hết được trồng để lấy hoa trang trí.

Camellia sinensis là loại trà được trồng chủ yếu để sản xuất trà. Lá cây được thu hoạch và chế biến theo nhiều cách khác nhau để tạo ra 6 loại trà chính.

Các loại trà

Các kỹ thuật thu hoạch và chế biến trà quyết định mùi thơm, hương vị và đặc tính của các loại trà. Một số được thu hoạch sớm khi lá còn non và mềm, trong khi số khác được thu hoạch vào cuối vụ. Tùy thuộc vào các bước xử lý lá, mỗi loại trà sẽ có hương vị đậm nhạt và quá trình oxy hóa khác nhau.

shutterstock 590600858
Những lá trà non tươi chuẩn bị thu hoạch. (Ảnh: Vietnam Stock Images/ Shutterstock)

Black tea – được gọi là “hồng trà” (hong cha 紅茶) ở Trung Quốc, là loại trà được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, được sản xuất từ ​​lá non hoặc chồi non. Lá trà sau khi thu hoạch sẽ được làm héo, vò, lên men để tạo ra sản phẩm oxy hóa hoàn toàn. Quá trình này làm giảm vị đắng và làm cho trà trở nên thơm ngon.

Hồng trà Assam và Nilgiri của Ấn Độ được sản xuất từ cây trà bản địa Camelia sinensis var.assamica, mang lại hương vị đậm đà hơn hồng trà Trung Quốc. Cây trà bản địa của Trung Quốc Camelia sinensis var.sinensis được trồng ở quận Darjeeling của Ấn Độ, mang đến cho trà Darjeeling hương thơm trái cây tinh tế.

Dark tea – được gọi là “trà đen” (hai cha 黑茶) ở Trung Quốc, có thể được làm từ cả lá non và lá trưởng thành được làm nóng, cuộn, sấy khô, sau đó ép thành bánh để lên men hoặc ủ. Loại trà đen phổ biến nhất là Pu-erh – là một trong những loại trà lâu đời nhất, được sản xuất từ những cây trà cổ thụ tới 1000 năm tuổi chỉ mọc ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trà đen cũng được oxy hóa hoàn toàn và có hương vị dịu nhẹ của hương hoa và đất.

Trong khi hồng trà đã được sản xuất ở Ấn Độ trong gần 200 năm, thì gần đây quốc gia này đã mở rộng sản xuất sang trà xanh, bạch trà, trà ô long, mặc dù với số lượng ít hơn nhiều.

Trà ô long là loại trà được oxy hóa một phần, được làm từ ba hoặc bốn lá mới mọc đầu tiên. Đầu tiên, những chiếc lá non được làm khô bằng năng lượng mặt trời để giảm 30% độ ẩm, sau đó được kích hoạt để thúc đẩy quá trình oxy hóa, quá trình này bị dừng lại một phần bằng cách sấy ở nhiệt độ cao hoặc rang khô trên chảo. Trà ô long có mùi hương tự nhiên phong phú từ vị trái cây đến hoa tươi, hoặc thậm chí là vị bánh mì nướng. Phần lớn trà ô long được sản xuất tại Trung Quốc.

Trà xanh được làm từ lá non hoặc búp non. Sau một quá trình làm héo sơ bộ trong thời gian ngắn, lá trà được “cố định” lại bằng cách sao trà để ngăn quá trình oxy hóa. Sau đó lá trà sẽ được vò trước khi sấy khô để tăng hương vị thơm ngon hơi chát đặc trưng. Nhật Bản là nước nổi tiếng về sản xuất trà xanh chất lượng.

Trà vàng (hoàng trà) là loại trà hiếm nhất và có thể là ngon nhất, được làm từ búp hoặc lá non. Chế biến hoàng trà rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Tương tự như trà xanh, lá trà được làm héo và cố định lại nhưng khác ở điểm hoàng trà phải trải qua quá trình oxy hóa nhẹ. Điều này mang lại cho hoàng trà một hương vị êm dịu mà không có vị chát như trà xanh.

shutterstock 1837998649
Bạch trà là một loại trà có hương vị tinh tế, được ủ ở nhiệt độ khoảng 85ºC chứ không phải nước đun sôi. (Ảnh: Anna81/ Shutterstock)

Bạch trà là loại trà ít được chế biến nhất trong tất cả các loại trà. Mặc dù quy trình sản xuất rất đơn giản – chỉ cần tuốt, phơi nắng và sấy khô – nhưng nó tốn nhiều công sức, vì cần phải cẩn thận để tránh làm dập lá khi chế biến. Có các loại khác nhau: được làm từ chồi non, từ chồi và lá non, hoặc từ lá trưởng thành. Bạch trà có hương vị tinh tế và chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất.

Lưu ý: Tất cả các loại trà làm từ lá trà đều chứa chất kích thích caffein và lượng caffein bạn nhận được trên mỗi cốc được xác định bởi nhiều yếu tố. Nhiều người cho rằng các loại trà khác nhau có mức caffein khác nhau nhưng thực tế thì nó phụ thuộc nhiều hơn vào nhiệt độ nước và thời gian pha trà. Ví dụ, pha bạch trà trong thời gian lâu với nước nóng có thể tạo ra nhiều caffein hơn so với pha hồng trà trong thời gian ngắn và ở nhiệt độ thấp. Số lượng và dạng trà (lá hoặc bột) cũng đóng một vai trò.

Trà thảo dược, có thể được làm từ nhiều loại thực vật khác nhau, thường được gọi đơn giản là “infusion” – là loại thức uống không chứa lá trà như trà hoa cúc, trà khổ qua… Loại đồ uống tự nhiên không chứa caffein này là một chủ đề rộng lớn khác mà chúng ta có thể đề cập riêng.

shutterstock 757990810
Một quán trà Ấn Độ. (Ảnh: Napong/ Shutterstock)

Văn hóa trà ấn độ

Giống như nhiều quốc gia, thức uống phổ biến nhất của Ấn Độ là trà, với mức tiêu thụ bình quân đầu người là gần 1kg, tổng lượng tiêu thụ hàng năm của cả nước lên tới khoảng 837.000 tấn. Ngành trà là ngành sử dụng lao động lớn thứ hai ở Ấn Độ và người Ấn Độ uống trà nhiều gấp năm lần cà phê.

Người Ấn Độ tin rằng cây trà đã xuất hiện trong các bản viết cổ xưa của sử thi Ramayan, thường được mô tả là cây thuốc để chữa lành vết thương. Trà còn được sử dụng trong các phương thuốc Ayurvedic (hệ thống y học Hindu truyền thống) cho đến ngày nay. Là một chất làm se có tính kháng khuẩn cao, trà được coi là có khả năng làm sạch và tốt cho sức khỏe răng miệng. Trà có thể giúp làn da khỏe mạnh, se khít lỗ chân lông, làm dịu vết cháy nắng và trị mụn trứng cá… Nhưng cách sử dụng phổ biến nhất của trà tất nhiên là để uống.

Trà là loại đồ uống ưa thích thường được sử dụng trong những buổi gặp gỡ của gia đình, bạn bè hay người lạ. Nó giúp hình thành và cải thiện các mối quan hệ xã hội. Trà cũng được sử dụng nhiều tại nơi làm việc để giải tỏa áp lực căng thẳng, giúp nâng cao tinh thần và tăng năng suất lao động.

shutterstock 1847287126 e1677199873210
Các loại gia vị nguyên chất, mới nghiền tạo nên món masala có hương vị thơm ngon nhất. (Ảnh: StudioPhotoDFlorez/ Shutterstock)

Thức uống đặc trưng của Ấn Độ – trà masala – xuất hiện sau khi người Anh bắt đầu trồng hồng trà ở vùng Assam. Khi đó trà được trồng chủ yếu để xuất khẩu nên giá quá đắt để sử dụng phổ biến. Vì vậy người Ấn Độ thường pha kết hợp một lượng trà nhỏ với các loại gia vị truyền thống (masala) để giảm chi phí. Những người bán hàng cũng cho thêm sữa và đường vào hỗn hợp này tạo ra một loại trà cay cay ngọt ngọt mà sau đó trở nên phổ biến khắp Ấn Độ và trên toàn thế giới.

Bởi vì trà masala rất phổ biến nên rất dễ tìm và khó cưỡng lại. Người qua đường thường bị lôi cuốn vào các cửa hàng trà bởi hương thơm hấp dẫn của loại đồ uống thơm ngon, giá cả phải chăng và tốt cho sức khỏe này.

shutterstock 2045506505
Trà masala với bánh samosas. (Ảnh:SoniaVadlamani/ Shutterstock)

Công thức làm trà Masala:

Ở Ấn Độ, “chai” đơn giản có nghĩa là hồng trà với sữa, trong khi đồ uống có gia vị mà người Mỹ gọi là “chai” giống như thứ mà người Ấn Độ gọi là “masala chai”. Masala là sự pha trộn của nhiều loại gia vị khác nhau, bao gồm bạch đậu khấu, quế, đinh hương, hạt thì là, gừng, hạt tiêu và hoa hồi. Những gia vị này có thể được trộn lẫn và kết hợp theo sở thích của bạn. Tôi có một người bạn luôn thêm bạc hà vào trà của cô ấy, và tôi thích mùi thơm mê hoặc mà một nhúm nghệ tây mang lại.

Thành phần

  • Nước
  • Sữa (dùng sữa yến mạch hoặc các thức uống thay sữa khác cho người ăn chay)
  • Trà (Assam và Darjeeling là những loại trà Ấn Độ đích thực nên rất dễ tìm)
  • Các loại gia vị ưa thích, kể cả gừng tươi
  • Chất tạo ngọt tự chọn

Hướng dẫn

  • Nghiền nhuyễn tất cả các loại gia vị và nạo gừng trong khi đun nước sôi
  • Giảm nhiệt và thêm lá trà
  • Đun sôi trong một phút
  • Cho gia vị đã nghiền vào trộn đều
  • Thêm sữa và đun sôi ở nhiệt độ thấp
  • Đun nhỏ lửa trong vài phút
  • Lọc, thêm chất ngọt (tùy chọn) và thưởng thức nóng
shutterstock 1706805625
Tandoori là một loại masala chai đặc biệt được đổ vào kulhad (cốc đất sét) nóng. (Ảnh: Vijayography/ Shutterstock)

Ngày trà quốc tế

Ngày 15 tháng 12 năm 2005 đánh dấu Ngày Trà Quốc tế đầu tiên, được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ. Các quốc gia sản xuất trà như Tanzania, Việt Nam, Nepal, Bangladesh, Malaysia, Indonesia, Kenya, Malawi, Ấn Độ, Uganda và Sri Lanka đã thống nhất ngày này để tôn vinh mặt hàng quan trọng – chiếm khoảng 8 tỷ USD thương mại mỗi năm này.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) sau đó đã đề xuất ngày 21 tháng 5 là Ngày trà quốc tế và được Liên Hợp Quốc phê duyệt vào tháng 12 năm 2019. 

Từng được sử dụng chủ yếu làm thuốc, lợi ích chữa bệnh của trà vẫn được công nhận cho đến ngày nay. Là một nguồn chất chống oxy hóa dồi dào, trà có thể giúp giảm nguy cơ ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng cường khả năng miễn dịch và làm trẻ hóa làn da và mái tóc. Một số loại có thể tốt hơn một chút đối với mục tiêu cụ thể này hay mục tiêu cụ thể khác, nhưng nhìn chung các loại trà đều có cùng lợi ích sức khỏe, vì vậy hãy chọn loại trà theo sở thích của bạn hơn là hiệu quả của nó.